Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân


Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả còn thiếu vốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tốc độ giải ngân vẫn chậm

Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/5/2021 là 102.029,24 tỷ đồng, đạt 19,99% kế hoạch (510.378,3 tỷ đồng) và đạt 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng).

Trong đó, thanh toán vốn trong nước là 100.499,91 tỷ đồng (đạt 21,9% kế hoạch); vốn nước ngoài là 11.529,33 tỷ đồng (đạt 2,972% kế hoạch). Như vậy, tốc độ giải ngân vốn ODA là rất thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (12,37%). 

Bộ Tài chính cho biết, có 07 bộ và 08 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% kế hoạch, trong đó, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (73,74%), Hưng Yên (47,22%), Kiểm toán Nhà nước (46,89%), Nam Định (45,17%), Thanh Hóa (44,39%), Hà Nam (41,46%). 

Tuy nhiên, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 39/50 bộ và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn, 08 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%. 

Điều chuyển kế hoạch vốn các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân

Qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 5/2021, Bộ Tài chính cho biết, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chậm chủ yếu do dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương khiến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn bị ảnh hưởng. Cùng với đó là giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu. 

Đối với nguồn vốn nước ngoài, sự phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến rất chậm, đặc biệt là song phương như: Nhà tài trợ Hàn Quốc tại dự án KEXIM.1, nhà tài trợ Nhật Bản tại dự án JICA, thời gian thẩm định và phê duyệt tài liệu đấu thầu của nhà tài trợ chậm (thường khoảng 1 tháng/mỗi loại tài liệu trình) dẫn đến thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn, chậm trao hợp đồng so với các dự án trong nước ít nhất 6 tháng (đặc biệt như dự án JICA3 thời gian lựa chọn nhà thầu khoảng 16-18 tháng). 

Ngoài ra, dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ cấu vốn do không được phép sử dụng vốn vay nước ngoài để thanh toán thuế đối với các dự án đã ký hiệp định vay nước ngoài, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư mất nhiều thời gian. 

Một số dự án chuyển tiếp đang điều chỉnh thời gian thực hiện như: Dự án y học từ xa tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đang làm thủ tục giai hạn thời gian thực hiện, Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 sử dụng ODA Nhật Bản đang điều chỉnh hiệp định, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi... dẫn đến chậm giải ngân.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao. 

Các bộ, ngành chủ trì trong xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đề xuất phương án bố trí vốn năm 2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ vốn cho các địa phương thực hiện.