Giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài ODA đạt rất thấp


Hết 4 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách trong nước đạt 20,74%, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài ODA đạt rất thấp, mới chỉ đạt 2,02% thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 5,92%). Theo Bộ Tài chính, thực trạng này nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn vay trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài đang thu hẹp lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 4/2021, mới chỉ có 5 bộ và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 20% kế hoạch. Trong đó, một số địa phương có tỉ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (76,74%), Hà Nam (50,57%), Hưng Yên (43,21%), Thanh Hóa (42,39%), Quảng Ninh (39,62%). Còn lại, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt thấp, 41/50 bộ và 26/60 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được chỉ ra là do công tác giải phóng mặt bằng. Theo Bộ Tài chính, hiện đang có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận, dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận.

Bên cạnh đó là các vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng tự nhiên; việc đo đạc, kiểm đếm và áp dụng mức đền bù…

Ngoài ra, cũng có những vướng mắc khác liên quan đến quá trình thi công do giá vật liệu xây dựng tăng cao so với thời điểm duyệt dự toán; thời gian cấp mỏ vật liệu phục vụ thực hiện dự án kéo dài hơn 18 tháng; có trường hợp nhà thầu không đủ năng lực thi công theo yêu cầu...

Tương tự với giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, công tác giải ngân vốn nước ngoài 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt rất thấp (1,05%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%). Lý giải về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, ngoài những nguyên nhân chung thì việc chậm giải ngân các dự án sử dụng vốn nước ngoài do chưa có khối lượng giải ngân. Một số dự án dù đã có khối lượng hoàn thành nhưng phải chờ xác nhận, đối chiếu khối lượng 3 bên giữa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn nên chưa thể chốt số liệu để kiểm soát chi và đề xuất giải ngân.

Theo Bộ Tài chính, thực trạng này nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn vay trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài đang thu hẹp lại.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, sự chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án là nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chậm. Đó là việc chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu và quy định trong nước. Nguyên nhân này thuộc trách nhiệm của chủ dự án và ban quản lý dự án.

Do đó, các bộ, ngành, chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, trước mắt, cần nêu cao vai trò và trách nhiệm người sử dụng vốn trong xây dựng kế hoạch chuẩn bị dự án, trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Về dài hạn, cần tăng cường năng lực và trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn ở tất cả các khâu của dự án và kiên quyết cắt vốn đối với các dự án thực hiện không đảm bảo kế hoạch đề ra.

Theo định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA, vay ưu đãi, phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021-2025 với chủ trương ưu tiên cho các dự án lớn, thúc đẩy phát triển bền vững nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của dự án.