Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 mới chỉ đạt khoảng 16,7% kế hoạch


Theo Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 ước từ đầu năm đến ngày 30/4/2021 chỉ đạt 16,66% kế hoạch, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Trong năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cần giải ngân là 559.210,96 tỷ đồng, bao gồm: kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2021 là 51.415,28 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2021 là 507.795,68 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2021 là 93.158,63 tỷ đồng, đạt 16,66% kế hoạch.

Trong đó, ước giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2021 từ đầu năm đến đến 30/4/2021 là 7.148,34 tỷ đồng, đạt 13,9% kế hoạch. Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2021, ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2021 đạt 86.010,29 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%), trong đó vốn trong nước đạt 20,74%, vốn nước ngoài đạt 2,02%. Như vậy, tốc độ giải ngân vốn ODA là rất thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%).

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, có 05 bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% kế hoạch, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (76,74%), Hà Nam (50,57%), Hưng Yên (43,21%), Thanh Hóa (42,39%), Quảng Ninh (39,62%)... Tuy nhiên, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 41/50 bộ và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Một số nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ Tài chính chỉ ra như: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; công tác đấu thầu, thi công; công tác giám sát, đánh giá hiệu quả chưa được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, kịp thời mặc dù đã được quy định tại Luật Đầu tư công.

Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, ngoài các vướng mắc nêu trên, việc chậm giải ngân còn do các nguyên nhân như: chưa có khối lượng giải ngân; vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án; sự chậm trễ trong việc triển khai thực hiện Dự án; vướng mắc trong triển khai các quy định mới liên quan tới quy trình quản lý định mức đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án, sử dụng vốn dư và cơ chế tài chính của các dự án sử dụng vốn nước ngoài, cơ chế thế chấp tài sản đối với khoản vay lại của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; tác động của đại dịch Covid-19...

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2021 của các dự án, Bộ Tài chính kiến nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng và ban hành Chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng...

Đồng thời chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu; Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.

Cần đảm bảo công tác tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ đầu tư, chủ dự án; nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án, đảm bảo triển khai thực hiện các dự án theo tiến độ cam kết; giảm thiểu tình trạng nhà thầu không đủ năng lực; tăng cường đào tạo, tăng cường năng lực, đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ làm công tác quản lý dự án, quản lý đầu tư.

Các bộ, ngành, địa phương bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng theo cam kết đối với các dự án ODA; nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị dự án, bảo đảm sẵn sàng thực hiện khi dự án được phê duyệt. Chủ động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch. Cùng với đó, cần đưa ra chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.