Lạm phát năm 2022 dự báo vẫn trong tầm kiểm soát

Trần Huyền

Tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng ngày 5/7/2022, nhiều chuyên gia dự báo, lạm phát cả năm 2022 sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,44% so với cùng kỳ

Theo ông Nguyễn Xuân Định – Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mặt bằng giá trong nước 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng do áp lực từ biến động tăng cao của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới nhất là mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược. CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Ông Nguyễn Xuân Định cho biết, CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Ở chiều ngược lại, giá các mặt hàng thực phẩm giảm, trong đó có thịt lợn; giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng vào việc kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua.

Cùng với đó là từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Theo PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh, kết quả kiểm soát lạm phát thời gian qua có tác động từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm.

PGS., TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phát biểu tại hội thảo.
PGS., TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phát biểu tại hội thảo.

Trong 6 tháng, để kìm giữ tỷ giá ngoại tệ và đồng Việt Nam, NHNN bán ra một khối lượng khá lớn ngoại tệ và thực hiện hút ròng về hàng trăm ngàn tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu trên thị trường mở. Đồng thời, để đảm bảo kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ, theo báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính đã lựa chọn thời điểm thích hợp để tăng tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ hàng trăm ngàn tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân năm 2022 là 16,17 năm; lãi suất phát hành bình quân hiện nay là 2,39%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu chính phủ là 9,32 năm, đảm bảo khả năng chi tiêu của NSNN và phù hợp kế hoạch vay, trả nợ.

Dự báo lạm phát cả năm trong tầm kiểm soát

Nhận định về tình hình lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2022, PGS., TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố làm tăng CPI như: Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu (đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón…) trên thị trường thế giới còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm; Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung – cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống nhân dân...

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2022, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao như những tháng vừa qua; Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng giá đột biến…

Đặc biệt, cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Vì vậy, PGS., TS. Nguyễn Bá Minh dự báo, CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3%-3,9%.

Tại hội thảo, PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2022, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7,0%-7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5%-3,8%.

Nếu giá dầu thô hạ xuống thấp hơn hiện nay, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi gần với dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8%- 8,4% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,8%-4,1%.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng trung bình 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. Với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

Hiện nay, giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Fed tăng lãi suất mạnh với tần suất cao. Bởi vậy, kịch bản nhiều khả năng xảy ra là giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Theo kịch bản này lạm phát trung bình trong năm nay sẽ ở mức dưới 3,5%. TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.