Tháng 11/2021, đưa hệ thống phần mềm ứng dụng hóa đơn điện tử vào hoạt động
Chiều ngày 21/9, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị trực tuyến công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) giai đoạn 1; đồng thời, phân công triển khai nội dung, kế hoạch thực hiện đưa hệ thống phần mềm ứng dụng hóa đơn điện tử vào hoạt động từ tháng 11/2021.
Theo Tổng cục Thuế, ngày 17/9/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Theo đó, lộ trình triển khai HĐĐT được thực hiện theo 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, HĐĐT được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định; giai đoạn 2, từ tháng 4 đến tháng 7/2022 thực hiện tại 57 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, ngày 20/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định triển khai HĐĐT gia đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 1, Tổng cục Thuế triển khai phần mềm quản lý HĐĐT trên hạ tầng kỹ thuật hiện có. Đến tháng 4/2022, Tổng cục Thuế sẽ bổ sung, nâng cấp hạ tầng cho hệ thống HĐĐT.
Tổng cục Thuế cho biết, phần mềm quản lý HĐĐT đã được thiết kế kiến trúc tổng thể hệ thống trên nền tảng công nghệ 4.0. Kiến trúc hệ thống theo hướng triển khai cho hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, các khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình xây dựng phần mềm mới là vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát, sắp xếp để tận dụng tối đa hạ tầng kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, xây dựng các thông số và hoàn thành việc cài đặt hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng cho việc triển khai, kiểm thử phần mềm quản lý hoá đơn trong thời gian tới cho 6 tỉnh, thành phố.
Trong quá trình triển khai, Tổng cục Thuế sẽ huy động nguồn lực từ tổ triển khai HĐĐT của 6 cục Thuế để tham gia trực tiếp vào các giai đoạn xây dựng và triển khai phần mềm quản lý HĐĐT. Cụ thể, tham gia phân tích yêu cầu nghiệp vụ, thiết kế, lập trình các chức năng ứng dụng của Cổng lập hoá đơn trực tiếp của Tổng cục Thuế, Cổng tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử và Hệ thống xử lý dữ liệu HĐĐT.
Tổng cục Thuế sẽ thực hiện kiểm thử hiệu năng, kiểm thử tích hợp hệ thống, kiểm thử mức cán bộ thuế và cài đặt phần mềm trên hạ tầng kỹ thuật đã được chuẩn bị và tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm ứng dụng cho toàn bộ các cơ quan thuế tại 6 tỉnh, thành phố kể trên, để đưa vào sử dụng trong tháng 11/2021.
Bên cạnh đó, trước ngày 15/10/2021, tại 6 tỉnh, thành phố triển khai HĐĐT giai đoạn 1, cơ quan Thuế phải tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng HĐĐT.
Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng HĐĐT tại địa phương do lãnh đạo tỉnh, thành phố làm trưởng ban và thành viên là đại diện lãnh đạo của Cục Thuế và các sở, ban, ngành có liên quan (Ban Chỉ đạo). Ban Chỉ đạo có tổ giúp việc do cục trưởng cục thuế làm tổ trưởng và thành viên là đại diện lãnh đạo, công chức các chi cục, phòng trong cục thuế, đại diện các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan trên địa bàn.
Chủ động phối hợp với sở thông tin và truyền thông, các báo đài tuyên truyền kịp thời những lợi ích và nội dung mới của HĐĐT theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC.
Rà soát, phân loại thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh về kế hoạch triển khai áp dụng HĐĐT; thông báo đến các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT trên địa bàn về việc triển khai để các giải pháp và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng việc cung cấp dịch vụ HĐĐT cho khách hàng theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.
Tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế các quy định về HĐĐT; công bố đường dây nóng tại cục thuế và chi cục thuế; nắm bắt các vướng mắc để xử lý ngay; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo UBND, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính để tháo gỡ kịp thời...
Song song với việc triển khai HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố nêu trên, bắt đầu từ tháng 6/2022, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện các thủ tục để cung cấp và cài đặt hạ tầng kỹ thuật bổ sung đáp ứng yêu cầu triển khai giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành còn lại. Hạ tầng kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu lớn về HĐĐT của 6 cục Thuế đã triển khai giai đoạn 1 trong thời gian tiếp theo.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, đối với việc tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức cung cấp dịch HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố, căn cứ vào Thông tư số 78/2021/TT-BTC, cơ quan Thuế sẽ tiến hành lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT để ký hợp đồng kết nối, nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT với cơ quan thuế theo 2 đợt, tương ứng với 2 giai đoạn triển khai HĐĐT. Tổng cục Thuế sẽ thông báo, tiếp nhận hồ sơ đăng công khai tài liệu mô tả dịch vụ và cam kết của tổ chức lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Nhằm triển khai HĐĐT được nhanh chóng và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã gửi công văn tới 6 tỉnh, thành phố chỉ đạo một số công việc trọng tâm phối hợp triển khai tại địa phương. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: ”việc triển khai áp dụng HĐĐT là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết số 01/NQ-CP. Thực hiện thành công áp dụng HĐĐT sẽ tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của nước ta”.