Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam

PV.

Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử mà ngành Tài chính, ngành Thuế đang thực hiện đã góp phần tích cực vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của các doanh nghiệp (DN).

Hội nghị trực tuyến chính thức triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố  (ngày 21/11/2021).)
Hội nghị trực tuyến chính thức triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố (ngày 21/11/2021).)

Thời gian qua, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã rất nỗ lực trong cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.

Từ năm 2015, ngành Thuế triển khai vận hành Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, điện tử hóa trong quản lý người nộp thuế từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế. Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tập trung và tự động. Cơ quan thuế từ việc phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm thì hiện nay chỉ thực hiện việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý thuế hiệu quả.

- Đăng ký thuế: Triển khai đăng ký thuế điện tử liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh đối với DN bắt đầu từ năm 2009 và đăng ký thuế điện tử trực tiếp với cơ quan thuế đối với cá nhân và tổ chức khác bắt đầu từ năm 2019, tính đến nay 100% các giao dịch được truyền nhận điện tử đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

- Khai thuế điện tử: Triển khai khai thuế điện tử từ năm 2009, tính đến năm 2021 có trên 849.000 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số trên 849.600 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,9%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm 2021 là trên 16 triệu hồ sơ.

- Về nộp thuế điện tử: Triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc từ năm 2014, tính đến năm 2021 có trên 837.300 DN đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 99% số DN đang hoạt động.

 - Về hoàn thuế điện tử: Triển khai trên toàn quốc từ năm 2017, tính đến năm 2021 số DN tham gia hoàn thuế điện tử là trên 8.000 trên tổng số 8.200 DN hoàn thuế, đạt tỷ lệ gần 98%.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến chính thức triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố tổ chức sáng 21/11, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về hóa đơn điện tử và ban hành các quyết định triển khai hệ thống hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định bắt đầu từ tháng 11/2021.

Giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 đạt 100% DN trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử.

Để kịp thời triển khai hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố với tinh thần khẩn trương và quyết liệt. Đồng thời, đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi động hệ thống hóa đơn điện tử.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử mà ngành Tài chính, ngành Thuế đang thực hiện cũng góp phần vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của các DN.

Việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp DN giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.

Đặc biệt, việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả DN và nền kinh tế. Góp phần quan trọng phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý nhà nước.