Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

Xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn 2021-2030


Nhằm xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn 2021-2030, Tổng cục Hải quan đặt ra một số mục tiêu cụ thể.

 Tổng cục Hải quan đã chủ động, tích cực triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tổng cục Hải quan đã chủ động, tích cực triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động, tích cực triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước chủ động hội nhập quốc tế; Cải cách thể chế quản lý nhà nước về Hải quan có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhằm xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn 2021-2030, Tổng cục Hải quan đặt ra một số mục tiêu cụ thể sau:

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, ổn định, cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, phù hợp các chuẩn mực quốc tế, đồng thời bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Hai là, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, áp dụng đồng bộ phương pháp quản lý hải quan hiện đại tại các khâu trước, trong và sau thông quan.

Ba là, cơ quan hải quan tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đồng thời là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Bốn là, tiếp tục xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy hải quan phù hợp với yêu cầu hiện đại, cơ cấu gọn nhẹ, tập trung, giảm đầu mối trung gian, đáp ứng được  nhu cầu quản lý của từng địa bàn và yêu cầu tinh giản, sử dụng biên chế hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong việc quản lý cán bộ công chức đồng bộ với tiến trình xây dựng cơ quan hải quan điện tử, hướng đến cơ quan hải quan số.

Năm là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt. Phát triển nguồn nhân lực tinh nhuệ, có trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động liêm chính, được tổ chức, quản lý một cách khoa học, gắn nhu cầu thực tiễn của vị trí công tác với năng lực từng cá nhân.

Sáu là, hoàn thành xây dựng Hải quan điện tử thông minh, đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Hải quan số đảm bảo thống nhất với kiến trúc Chính phủ số trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý nhà nước về hải quan.

Bảy là, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia kết nối đầy đủ và chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan trong hoạt động quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế kết nối thông tin với một số đối tác thương mại ngoài ASEAN để trao đổi đầy đủ về phạm vi, số lượng các chứng từ điện tử phục vụ cho tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới.

 (*) Trích lược từ bài "Hải quan Việt Nam: Tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu" đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 01/2021.