ADB hạ dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á

Theo Infonet

(Tài chính) Cùng với việc hạ dự báo tăng trưởng khu vực Đông Nam Á năm 2014, ADB đồng thời cũng đưa ra dự báo mức độ lạm phát chung toàn khu vực giảm xuống 4,1%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á đang chậm hơn so với những gì ADB đã dự báo hồi tháng 4. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu bắt nguồn từ hai nền kinh tế đi đầu là Indonesia và Thái Lan. Indonesia đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua và Thái Lan xảy ra bạo động chính trị khiến nền kinh tế chung toàn khu vực bị chững lại trong 6 tháng đầu năm 2014.

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á đã giảm xuống 4,6% (năm 2013 là 5,0% và năm 2012 là 5,7%). Đặc biệt, hai nền kinh tế lớn trong khu vực là Thái Lan và Indonesia đã trượt ra khỏi ngưỡng tăng trưởng kỳ vọng trong 2 năm qua. Dự kiến sang năm 2015, các nền kinh tế này mới bắt đầu hồi phục.

ADB cho biết, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tiếp tục giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4 vừa qua. Sự sụt giảm lớn nhất ở Thái Lan, nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bạo động chính trị và biểu tình từ tháng 5. Bốn nền kinh tế lớn tiếp theo trong khu vực bao gồm Indonesia, Singapore, Philippines và Việt Nam cũng được dự báo tốc độ tăng trưởng giảm so với hồi tháng 4. 

Duy nhất chỉ có nền kinh tế Malaysia đang tăng tốc và hứa hẹn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong khoảng 4 năm tới. Các quốc gia còn lại gồm Brunei, Lào, Campuchia và Myanmar vẫn giữ tốc độ tăng trưởng như dự báo của ADB từ tháng 4. Tuy nhiên, nếu Brunei không tăng cường đẩy mạnh sản xuất dầu mỏ và khí đốt thì GDP của nước này sẽ giảm.

ADB hạ dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á (1)
Tốc độ tăng trưởng các nền kinh tế Đông Nam Á theo dự báo của ADB (Nguồn: ADB)

Mặc dù tiêu dùng cá nhân được kiểm soát tốt và đầu tư FDI có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn chậm bởi các nguyên nhân chủ yếu như: giảm đầu tư tài sản cố định, chi tiêu chính phủ thấp, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa như than đá, dầu mỏ, cao su thiên nhiên giảm. 

Đầu tư tài sản cố định giảm ở các nước Indonesia, Malaysia, Philippines trong nửa đầu năm và tiếp tục giảm ở Singapore, Thái Lan trong nửa cuối năm. Chi tiêu chính phủ giảm ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan; trong khi chính phủ một số quốc gia khác như Lào, Việt Nam phải thắt chặt chi tiêu vì thâm hụt ngân sách lớn. Xuất khẩu hàng hóa giảm ở Brunei, Indonesia và Thái Lan trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Malaysia và Philipines lại được lợi nhờ xuất khẩu hàng điện tử và Việt Nam cũng đang tăng trưởng khá mạnh nhờ xuất siêu hàng hóa. Tuy nhiên, nhập khẩu giảm ở một số nền kinh tế cũng cho thấy đầu tư kém.

Đồng thời, năm 2014 cũng được coi là một năm thất thu của ngành du lịch Đông Nam Á khi lượng khách du lịch đến Thái Lan giảm 10,4% trong nửa đầu năm do khủng hoảng và bạo động chính trị. Kéo theo đó, các nước láng giềng như Lào, Campuchia vốn được xem là điểm đến tiếp theo sau Thái Lan, cũng bị sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng khách du lịch từ Trung Quốc sang Thái Lan giảm vì lo ngại bạo động chính trị. Bên cạnh đó, khách du lịch từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng giảm vì vấn đề tranh chấp biển Đông giữa hai quốc gia hồi tháng 5 vừa qua.

Trong hoàn cảnh đó, Malaysia và Philippines tăng tỷ giá hối đoái để kiềm chế lạm phát và thắt chặt chi tiêu. Indonesia đã thực hiện thắt chặt chi tiêu từ năm 2013 và tiếp tục duy trì mức tỷ giá cao hơn trong năm 2014; Singapore nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ ổn định. Tương tự, ở Thái Lan và Việt Nam, chính phủ buộc phải cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.  

ADB dự kiến trong năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á sẽ khởi sắc và đạt khoảng 5,3%/ năm sau khi Thái Lan khôi phục ổn định chính trị; Indonesia phục hồi nhờ các chính sách của chính phủ và các nền kinh tế công nghiệp phát triển tăng giá trị xuất khẩu. Xét trên phương diện tăng trưởng chung, có 8/10 nền kinh tế khu vực Đông Nam Á đang tăng trưởng, nhưng chủ yếu là tăng trưởng về đầu tư. So với mức dự báo hồi tháng 4, hầu hết các nền kinh tế này đều bị giảm tốc độ tăng trưởng GDP.

Năm 2015, dự báo sẽ có nhiều biến động kinh tế bao gồm: sự xáo trộn kinh tế Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của các nước Đông Nam Á), lạm phát tăng cao, giảm trợ cấp ở các nước Indonesia, Malaysia, Việt Nam; một số nền kinh tế sẽ tăng cường thắt chặt chính sách tài chính, tiền tệ; dòng chảy vốn và thanh khoản vốn toàn cầu sẽ giảm khi Mỹ giảm viện trợ tài chính ở khu vực Đông Nam Á.

Mức lạm phát trung bình toàn khu vực Đông Nam Á năm 2014 khoảng 4,1%, giảm nhẹ so với dự báo hồi tháng 4 do năng lực sản xuất được nâng cao và giá dầu toàn thế giới ổn định góp phần kiềm chế lạm phát. Đặc biệt phải kể đến tốc độ phục hồi lớn của Việt Nam khi quốc gia này đã giảm tốc độ lạm phát từ 19% năm 2011 xuống còn 4,5% năm 2014.

Indonesia kỳ vọng sẽ tăng giá nhiên liệu khí đốt vào năm 2015, đẩy lạm phát lên mức 6,9%, tăng cao so với dự báo của ADB. Dự báo tỷ lệ lạm phát ở 7/10 quốc gia sẽ tăng vào năm 2015 và như vậy, mức lạm phát toàn khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lên 4,7%, thay vì 4% như dự báo hồi đầu năm.

ADB hạ dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á (2)
Tốc độ lạm phát khu vực Đông Nam Á theo dự báo của ADB (Nguồn: ADB)

Cùng với đó, thặng dư tài khoản vãng lai toàn khu vực cũng được dự báo sẽ tăng khoảng 2,7% tổng GDP trong năm nay, cao hơn so với mức dự báo 2,5% hồi tháng 4 sau khi nền kinh tế Thái Lan phục hồi. Thặng dư tài khoản vãng lai của Thái Lan được cải thiện nhờ tăng trưởng xuất khẩu và thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia sẽ giảm do giá hàng hóa xuất khẩu giảm. Dự kiến đến năm 2015 thặng dư tài khoản vãng lai của cả khu vực giảm 2,5%, tức giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4. Mức thâm hụt của Indonesia sẽ tăng nhẹ so với dự báo, trong khi mức thặng dư của Thái Lan giảm vì kim ngạch nhập khẩu đang tăng cao hơn xuất khẩu.

ADB hạ dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á (3)
Cán cân tài khoản vãng lai khu vực Đông Nam Á theo dự báo của ADB (Nguồn: ADB)