Ai Cập: Tiến trình cải cách kinh tế được đánh giá tích cực
Ngày 26/9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, Ai Cập đã có được "sự khởi đầu tốt" trong chương trình cải cách kinh tế, mặc dù vẫn còn một số điều kiện bất lợi ảnh hưởng tới tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát hay đồng nội tệ giảm giá sâu hơn mức mong đợi.
IMF nhận định, quá trình chuyển đổi sang tỷ giá hối đoái linh hoạt đã diễn ra một cách suôn sẻ. Thị trường chợ đen gần như đã biến mất và dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương được tăng lên một cách đáng kể.
Theo IMF, "sự tự tin của thị trường đang quay trở lại và dòng vốn đang gia tăng". Điều này dự báo tăng trưởng tốt trong tương lai. Ưu tiên hàng đầu hiện nay của chính phủ là giảm lạm phát, vốn được xem là nguy cơ chính cho sự ổn định kinh tế vĩ mô.
IMF đã giải ngân cho Ai Cập 2 đợt với tổng số tiền 4 tỷ USD trong gói vay nói trên. IMF nêu rõ Ai Cập sẽ được giải ngân thêm 2 tỷ USD sau khi tổ chức này đánh giá tiến độ vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu theo thỏa thuận với IMF đã khiến lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục trong 3 thập kỷ gần đây vào tháng 7 vừa qua. Mặc dù lạm phát hiện đã giảm bớt, song đời sống của người dân Ai Cập gặp rất nhiều khó khăn do giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng. Dự báo lạm phát sẽ giảm còn khoảng 10% vào cuối tài khóa 2017-2018 và xuống mức 1 con số vào năm 2019.
Ngoài ra, việc đồng bảng Ai Cập bị mất giá khoảng một nửa giá trị kể từ khi thả nổi vào tháng 11 năm ngoái đã khiến quốc gia Bắc Phi này không thể nhập khẩu một số mặt hàng vì giá bị đội lên, trong khi Ai Cập vốn là một quốc gia nhập khẩu.
IMF cũng cảnh báo nếu lạm phát tăng cao và kéo dài có thể đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như ảnh hưởng tới lòng tin vào chính sách tiền tệ mới.