ECB cảnh báo về động thái chính sách vội vã

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết ECB ngày càng tự tin rằng lạm phát sẽ tăng trở lại mục tiêu, nhưng vẫn cần phải “kiên nhẫn” để đảm bảo sự phục hồi kinh tế bền vững.

Chủ tịch NHTW châu Âu Mario Draghi. Nguồn: Internet
Chủ tịch NHTW châu Âu Mario Draghi. Nguồn: Internet

Phát biểu trước Ủy ban Kinh tế châu Âu ở Brussels hôm thứ Hai (25/9), ông Draghi đã chỉ ra sự biến động tiền tệ như là một nguồn không chắc chắn đòi hỏi cần phải theo dõi sát; đồng thời nhấn rằng chính sách tiền tệ dễ dãi của ECB vẫn còn cần thiết, bởi vì một động thái quá sớm và vội vàng có thể xóa bỏ những thành quả hiện nay.

“Nhìn chung, chúng tôi tin tưởng rằng lạm phát cuối cùng sẽ đạt đến mức phù hợp với mục tiêu lạm phát của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng biết rằng một mức độ đáng kể của chính sách nới lỏng vẫn cần thiết để thúc đẩy lạm phát đi lên”, Draghi nói.

“Chúng tôi cũng phải cẩn trọng để không gây nguy hiểm cũng như không phá vỡ đà phục hồi (kinh tế) với những quyết định chính sách tiền tệ vội vã”, ông cho biết và nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể có những động thái vội vàng”.

Với việc nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng liên tục trong 17 quý liên tiếp, ECB được kỳ vọng sẽ giảm bớt các biện pháp kích thích kinh tế của mình bắt đầu từ năm sau, ngay cả khi lạm phát vẫn còn thấp hơn mức mục tiêu gần 2% của ECB trong những năm tới.

Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách nói với Reuters cho biết, cuộc tranh luận bây giờ là về chi tiết của việc thay đổi chính sách, chẳng hạn như liệu có nên tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng hay nên báo hiệu ý định chấm dứt mua trái phiếu.

Nhưng bất kỳ thay đổi nào cũng có thể đẩy đồng tiền chung tăng giá. Bởi vậy, nhiều nhà hoạch định chính sách đang tranh luận về một giải pháp tiếp cận dần dần để ngăn chặn đồng euro tăng quá mức, từ đó có thể cản trở việc lạm phát đạt được mục tiêu.

“Chúng ta vẫn thấy một số điểm không chắc chắn về triển vọng lạm phát trung hạn”, Chủ tịch ECB Draghi cho biết. “Đáng chú ý nhất là sự biến động gần đây của tỷ giá biểu hiện một nguồn không chắc chắn cần phải theo dõi” ông nói và thêm: “Vì vậy chúng tôi cần phải kiên nhẫn và kiên trì”.

Draghi cũng lưu ý đến tính hiệu quả của chương trình mua trái phiếu của ECB khi nó đã giúp hạ thấp chi phí đi vay trong toàn bộ khối, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với nguồn tài chính rẻ hơn.

Sự ủng hộ của ông đối với việc mua trái phiếu doanh nghiệp có thể thúc đẩy kỳ vọng là ECB sẽ giữ nguyên quy mô mua trái phiếu doanh nghiệp ngay cả khi việc mua trái phiếu chính phủ được điều chỉnh lại vào năm tới.

Theo các nhà phân tích, chương trình mua trái phiếu trị giá 2,3 nghìn tỷ euro của ECB đã làm giảm chi phí vay và thúc đẩy chi tiêu cũng như tăng trưởng khu vực, qua đó tạo ra hơn 7 triệu việc làm kể từ những ngày tồi tệ nhất của khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Nhưng lạm phát vẫn rất yếu ớt và điều đó đã đẩy ECB vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Mặc dù nhiệm vụ chính của ECB là giữ mức lạm phát ở ngay sát 2%, thế nhưng lạm phát trong khu vực hiện vẫn chỉ ở mức 1,5%.

Trong khi ECB đã sử dụng gần như tất cả các công cụ, cho thấy lạm phát yếu phần nào nằm ngoài tầm kiểm soát của ECB. Điều đó đã khiến các nhà hoạch định chính sách kêu gọi cần nhiều thời gian hơn dự kiến để lạm phát đạt được mục tiêu.