AI đang “xâm nhập” mạnh vào môi trường kinh doanh
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của môi trường kinh doanh. Mọi loại hình doanh nghiệp đều khai thác AI để dự đoán nhu cầu, tuyển dụng lao động và hành xử với khách hàng.
Trong năm 2017, các doanh nghiệp đã bỏ ra khoảng 22 tỉ USD vào các thương vụ mua lại và sáp nhập có liên quan đến AI, cao hơn 26 lần so với năm 2015. McKinsey Global Institute tính toán việc ứng dụng AI vào marketing, bán hàng và các chuỗi cung ứng có thể tạo ra giá trị kinh tế tới 2.700 tỉ USD trong 20 năm tới. Ông chủ của Google thậm chí tuyên bố AI sẽ làm được nhiều điều cho nhân loại hơn là lửa hay điện năng. Những dự đoán “vĩ đại” này làm dấy lên nỗi lo ngại lẫn niềm hy vọng. Không ít người nói rằng AI có thể làm bốc hơi việc làm còn nhanh hơn cả tốc độ tạo ra nó. Nhưng một vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm là AI sẽ làm thay đổi môi trường nơi công sở như thế nào.
Bằng cách sử dụng AI, các nhà quản lý doanh nghiệp có thể nắm được quyền kiểm soát chưa từng có đối với nhân viên. Amazon đã được cấp bằng sáng chế về một vòng đeo tay theo dõi chuyển động tay của nhân viên kho hàng và dùng xung động để “nhắc nhở” họ làm việc hiệu quả hơn. Hay startup Hu- manyze bán phù hiệu ID có thể theo dõi nhân viên trong văn phòng và cho biết họ tương tác như thế nào với đồng nghiệp.
AI đang “xâm nhập” mạnh vào môi trường kinh doanh |
Giám sát nơi làm việc không phải là chuyện mới. Công nhân nhà máy đã từ lâu bị kiểm soát ra vào rất nghiêm ngặt; các ông chủ doanh nghiệp cũng giám sát được các nhân viên nhàn rỗi làm gì trên máy tính. Nhưng AI lại khiến cho việc giám sát trở nên đáng giá, vì mọi dữ liệu thu thập được có thể mang lại giá trị lớn nếu biết khai thác. Gần như không có quy định pháp luật nào quản chế việc dữ liệu được thu thập ra sao tại nơi làm việc và nhiều nhân viên cũng rất “khinh suất” đồng ý với chuyện bị giám sát khi ký vào hợp đồng lao động. Vậy nên hình dung vấn đề như thế nào?
Trước tiên, hãy nói đến lợi ích của AI. AI giúp cải thiện năng suất làm việc. Humanyze tổng hợp dữ liệu từ các huy hiệu ID với lịch làm việc và email của nhân viên để tìm hiểu xem liệu cơ cấu sắp xếp khu văn phòng có tạo điều kiện thuận lợi cho làm việc nhóm hay không. Slack, một ứng dụng nhắn tin nơi công sở, giúp nhà quản lý đánh giá nhân viên hoàn thành công việc được giao nhanh đến đâu.
Các doanh nghiệp cũng sẽ biết được khi nào nhân viên ngủ gà ngủ gật trong giờ làm việc hay có hành vi cư xử không phù hợp. Họ đang bắt đầu sử dụng AI để kiểm tra xem có gì bất thường trong các phiếu yêu cầu thanh toán công tác phí, hóa đơn ăn uống…. Người lao động cũng sẽ nhận không ít lợi ích. AI có thể kiểm tra công nhân nào đang mặc trang phục bảo hộ lao động và theo dõi xem có sự cố an toàn lao động nào đang xảy ra tại dây chuyền sản xuất. Một số nhân viên sẽ đánh giá cao việc họ nhận được phản hồi xứng đáng với công sức mình làm và sẽ có ý thức làm việc tốt hơn. AI cũng có thể giúp đảm bảo việc tăng lương và đề bạt đến đúng nơi đúng chỗ. Và các thuật toán sẽ nhận ra những khác biệt trong mức lương giữa nam và nữ, giữa các chủng tộc, cũng như tình trạng quấy rối tình dục và phân biệt chủng tộc mà các nhà quản lý một cách vô tình hay cố ý đã bỏ qua.
AI đang “xâm nhập” mạnh vào môi trường kinh doanh |
Tuy nhiên, lợi ích của trí tuệ nhân tạo cũng đi kèm với những hạn chế. Các thuật toán có thể không thoát khỏi “sự thiên vị” của những người lập trình ra nó. Chúng cũng có thể sơ suất. Chẳng hạn, nhân viên lớn tuổi hơn có thể làm việc chậm hơn so với người trẻ và có thể mất việc nếu các thuật toán AI chỉ nhắm đến năng suất làm việc.
Quan trọng hơn, giám sát cũng là một vấn đề nhạy cảm vì đụng đến quyền riêng tư. Không ít người đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu Facebook và các hãng công nghệ khác hiểu rõ đời tư của họ đến đâu. Câu hỏi tương tự cũng đã được đặt ra cho việc giám sát nơi công sở.
Các công ty đang bắt đầu theo dõi nhân viên dành bao nhiêu thời gian vào giờ giải lao. Veriato, một hãng phần mềm, đã theo dõi và ghi lại mọi động tác gõ phím trên máy tính của nhân viên để đo lường mức độ cam kết của nhân viên đó đối với công ty. Các doanh nghiệp có thể sử dụng AI để theo dõi không chỉ các giao tiếp trong công việc của nhân viên mà còn cả thông tin cá nhân của họ trên mạng xã hội.
Một số nhân viên có “vị thế” tốt hơn như có những kỹ năng đặc biệt mà chủ sử dụng lao động cần đến thì có thể yêu cầu chủ sử dụng lao động không được đi quá xa trong việc giám sát họ. Nhưng đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những lao động được trả theo giờ ở các ngành có lương thấp như ngành bán lẻ. Điều đó có thể dẫn đến sự phản ứng của các công đoàn, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.
AI đang “xâm nhập” mạnh vào môi trường kinh doanh |
Trong khi các nhà chức trách và các chủ sử dụng lao động đang cân đo đong đếm lợi và hại của việc ứng dụng AI nơi công sở, có 3 nguyên tắc cần phải tuân theo. Đầu tiên, dữ liệu có thể được nặc danh đối với những thông tin cần thiết. Mi- crosoft, chẳng hạn, có một sản phẩm hiển thị cách từng nhân viên quản lý thời gian ở công ty nhưng thông tin cung cấp đến cho nhà quản lý lại dưới dạng thông tin chung, chứ không phải được cá nhân hóa.
Thứ hai, việc sử dụng AI phải minh bạch. Nhân viên nên được cho biết trước các công nghệ đang được sử dụng ở nơi làm việc và những dữ liệu nào đang được thu thập. Thứ ba, các quốc gia nên cấp cho các cá nhân quyền đòi hỏi truy xuất dữ liệu về bản thân họ dù họ là nhân viên cũ hay nhân viên mới.
Đưa trí tuệ nhân tạo vào nơi công sở đòi hỏi phải có sự thỏa hiệp giữa tính riêng tư và mục tiêu cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên. Nhắm đến một lực lượng lao động làm việc hiệu quả hơn và công bằng hơn là mục tiêu chính đáng của việc ứng dụng AI nơi công sơ nhưng nó chỉ thỏa đáng khi việc ứng dụng AI không khiến nhân viên cảm thấy mình bị “đeo gông” hay bị mất đi quyền con người.