CMCN 4.0 và những đổi mới trong Tài chính - Ngân hàng

Theo Thu Lê/Chinhphu.vn

Fintech đặt ra thách thức cho các ngân hàng phải thay đổi để thích ứng, phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng phải đặt mình trước yêu cầu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách quản lý phù hợp, không cản trở đổi mới sáng tạo nhưng vẫn bảo vệ người tiêu dùng, ổn định tài chính.

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Đây là nhận định của các đại biểu và các chuyên gia trong Hội thảo khoa học với chủ đề: “Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và những đổi mới trong lĩnh vực Tài chính–Ngân hàng” do Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Văn phòng Đại học Quản trị Paris tại Việt Nam tổ chức ngày 12/6, tại Hà Nội.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý công bố nghiên cứu mới nhất liên quan đến mô hình, thực trạng, cơ hội, thách thức và những ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.

Các vấn đề được thảo luận tại Hội thảo sẽ góp phần đưa ra được các khuyến nghị chính sách, cơ sở khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo đối với các cơ quản quản lý Nhà nước, các ngân hàng thương mại và trung gian tài chính, và các trường đại học ở Việt Nam.

Theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới vào năm 2017, 39% người trưởng thành tại Việt Nam đang để tiết kiệm “dưới gối” hoặc sử dụng vào các hình thức không chính thức như chơi họ. Có đến 65% người người dân đang gửi hoặc nhận kiều hối ngoài hệ thống chính thức hay trả học phí/hoá đơn dịch vụ tiện ích bằng tiền mặt.

GS. John Wong, Chuyên gia Tài chính-ngân hàng, Đại học Quản trị Paris cho biết, những rào cản chính khiến người dân chưa tiếp cận với dịch vụ tài chính chính thức ở Việt Nam là ở xa chi nhánh ngân hàng, chi phí lớn, thủ tục phức tạp hoặc do họ chưa đủ niềm tin vào các tổ chức tín dụng…

“Loại bỏ các rào cản này, ước tính 48 triệu người trưởng thành Việt Nam có thể có tài khoản giao dịch. Giao dịch chuyển tiền từ Chính phủ đến người dân có thể được số hoá để tiếp cận thêm 3,7 triệu người”, ông John Wong cho biết.

Trước yêu cầu đó, TS. Lương Thái Bảo, Viện Ngân hàng-Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, CMCN 4.0 và Fintech là một xu thế tất yếu trên thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Tác động của CMCN 4.0 nói chung và Fintech nói riêng lên lĩnh vực tài chính-ngân hàng bao trùm trên nhiều góc độ vi mô như: Đổi mới sáng tạo, tăng tính cạnh tranh, đổi mới thể chế, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh và tạo giá trị; trong khi ở góc độ vĩ mô có thể gồm: Phát triển hệ thống tài chính toàn diện, cải thiện năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Dũng, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bên cạnh những lợi ích và cơ hội, CMCN 4.0 nói chung và Fintech nói riêng còn mang đến không ít thách thức cho các cơ quan quản lý Nhà nước và hệ thống ngân hàng Việt Nam.

“Với nhịp độ đổi mới nhanh, hệ sinh thái mở và đa dạng, kết nối xuyên biên giới… Fintech đặt ra thách thức lớn cho các tổ chức tài chính trong việc thay đổi để thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng phải đặt mình trước yêu cầu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách quản lý phù hợp, không cản trở đổi mới sáng tạo nhưng vẫn bảo vệ người tiêu dùng, ổn định tài chính”, ông Dũng nói.

NHNN đã có những nghiên cứu về những công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 có ảnh hưởng, tác động đến ngành ngân hàng.

“Qua khảo sát gần đây được thực hiện ở 20 tổ chức tín dụng về mức độ tác động, tiềm năng phát triển của các công nghệ này. Kết quả cho thấy hiện nay điện toán đám mây đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngân hàng, tuy nhiên trong tương lai trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối… được kỳ vọng sẽ là chìa khóa gia tăng giá trị, tạo ra đột phá trong hoạt động của các ngân hàng”, ông Dũng cho biết.

Trước những thách thức của làn sóng Fintech, NHNN đã có những biện pháp cụ thể để phòng ngừa và đối phó. Hệ thống thanh toán điện tử được đầu tư nâng cấp liên tục để có thể chống lại rủi ro hacker hay đột nhập trái phép. NHNN cũng thường xuyên đưa ra các cảnh báo, hoàn thiện các chính sách về an toàn thông tin như ban hành quy định về giới hạn giao dịch, nâng cấp an toàn bảo mật.

Trong lĩnh vực thanh toán ngân hàng, NHNN đã có những chính sách cụ thể như chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, bảo đảm an toàn bảo mật trong giao dịch thanh toán; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích các giao dịch đáng ngờ để ngăn chặn kịp thời…

Tuy nhiên, theo ông Dũng để tạo ra nền tảng tốt phòng chống rủi ro an ninh mạng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, bộ ngành khác như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ. Bản thân các ngân hàng cũng phải tăng cường bảo đảm an toàn bảo mật, vì chỉ cần 1 sự cố nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng.

Ông Lê Anh Dũng cho biết, hiện khuôn khổ pháp lý hiện hành vẫn có thể áp dụng để quản lý nhiều khía cạnh của Fintech như nhận biết khách hàng (KYC), phòng chống rửa tiền (AML-FT) và bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Tuy nhiên, NHNN đang tiến hành điều chỉnh các quy định để thúc đẩy Fintech/ đổi mới tài chính hướng tới lợi ích khách hàng và đồng thời, bắt kịp và quản lý, giám sát hiệu quả được những đổi mới công nghệ này.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ủng hộ sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech nhằm tạo ra sức mạnh “cộng hưởng”, tạo ra xung lực phát triển mới của ngành ngân hàng, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, và góp phần phổ cập tài chính. 

Fintech được ghép là từ hai từ financial (tài chính) và technology (công nghệ). Hiểu một cách đơn giản, công ty Fintech là những công ty tham gia cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ.

Các công ty Fintech có thể tối đa lợi thế công nghệ, từ đó cung cấp dịch vụ tài chính thuận tiện hơn, chi phí thấp hơn, tốc độ xử lý nhanh hơn rõ ràng đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với dịch vụ tài chính truyền thống.

Theo PwC, 72% công ty Fintech Việt Nam hiện lựa chọn việc hợp tác với các ngân hàng trong kinh doanh, cung ứng sản phẩm - dịch vụ. Theo các công ty Fintech, sự phát triển của Fintech và việc hợp tác giữa ngân hàng với Fintech được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng.