Ai hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập?

Theo daibieunhandan.vn

Sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm nước ta gia nhập ASEAN, thì dường như các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả. Nhiều kiến nghị về chính sách hỗ trợ hội nhập đã được các hiệp hội, doanh nghiệp đưa ra với cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ việc hỗ trợ doanh nghiệp không thể chỉ là trách nhiệm của Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thói quen ỷ lại vào Nhà nước

Lâu nay vẫn tồn tại thói quen khi gặp khó khăn, thì doanh nghiệp, người nông dân, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ... sẽ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ. Vì cách nghĩ này, trước thời điểm nước ta tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn trên thế giới, yêu cầu Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập tiếp tục được đưa ra. Yêu cầu này không hoàn toàn sai vì sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay, dường như các doanh nghiệp trong nước vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả.

Ở thị trường xuất khẩu, chỉ mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Tại thị trường nội địa, do công nghệ và kỹ năng quản trị còn hạn chế, nên chất lượng hàng hóa của nhiều cơ sở sản xuất chưa cao, khó thâm nhập vào các kênh bán lẻ hiện đại, nhất là những cơ sở có quy mô nhỏ lẻ. Các loại hàng hóa này chủ yếu tìm vào chợ truyền thống, chấp nhận giá thấp, lãi ít, không có khả năng quảng bá thương hiệu. Trong khi đó, để đón bắt Cộng đồng kinh tế ASEAN, một số FTA với Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, thì hàng hóa nước ngoài đang tràn ngập tại thị trường nước ta.

Doanh nghiệp trong nước vốn còn nhỏ bé và yếu ớt trong cuộc chơi với các đối thủ dày kinh nghiệm, nên cần hỗ trợ để có thể tồn tại, lớn lên kiên cường và cạnh tranh sòng phẳng trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Nhưng “không gian hỗ trợ” của Nhà nước cũng không rộng rãi như chúng ta vẫn tưởng. Cơ quan quản lý nhà nước không thể đứng ra xử lý khó khăn, vướng mắc riêng có của mỗi đơn vị, mà phải tập trung ban hành chính sách để tạo ra sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như của đất nước. Cơ chế, chính sách phải vì lợi ích toàn cục, không thể vì lợi ích cá thể.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện còn bị ràng buộc với những hiệp định thương mại nước ta đã tham gia, nên không thể chiều theo tất cả các mong muốn của doanh nghiệp. Ngay cả giải pháp nằm trong tay của các cơ quan chức năng là hỗ trợ về thuế, thì cũng phải cân bằng giữa quyền lợi của các bên (Nhà nước, doanh nghiệp và người dân), nên thường phải xem xét rất cẩn trọng trước khi sử dụng.

Thói quen ỷ lại vào Nhà nước đang khiến người dân, doanh nghiệp đang bỏ qua một chủ thể có vai trò quan trọng không kém là các hiệp hội. Thực tế, khi Đoàn giám sát của UBTVQH về kết quả của việc hội nhập quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến làm việc với TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đã được phản ánh về hiện tượng đáng lưu ý. Đó là từ trước khi ký kết Hiệp định đối tác song phương với Hoa Kỳ, hay mới đây là Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu, thì Phòng Thương mại Việt - Mỹ, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đều nhanh chóng đến làm việc với một số địa phương để tìm hiểu cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp thành viên.

Bên cạnh những thông tin về các hiệp định thương mại được các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu công bố, thì mỗi tổ chức này đều tổ chức nghiên cứu khả năng tận dụng các FTA với doanh nghiệp thành viên. Tương tự, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, các hiệp hội mới là địa chỉ giúp đỡ hiệu quả nhất cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Các hiệp hội còn “yếu”

Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ và chính thức nào về số lượng các hiệp hội doanh nghiệp (hoạt động dưới các tên gọi khác nhau như Hội, Hiệp hội, Liên đoàn, Liên minh, Đoàn, Hội liên hiệp…) trên cả nước. Theo tập hợp sơ bộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến thời điểm tháng 12.2014 có khoảng 446 hiệp hội doanh nghiệp. Số lượng này là chưa đầy đủ vì còn nhiều hiệp hội doanh nghiệp ở các cấp thấp hơn (xã, huyện…) chưa được cập nhật. Với việc hiệp hội được phủ dày đặc như hiện nay, thì về lý, doanh nghiệp sẽ không phải tự mình loay hoay tìm cách hội nhập. Bởi nếu mỗi hiệp hội đều nhạy bén như 2 tổ chức nước ngoài nêu trên, thì không phải doanh nghiệp ở xã, huyện này có thể được hỗ trợ tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thị trường tiêu thụ rộng hơn địa phương nơi có trụ sở?

Nhưng theo Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, các hiệp hội doanh nghiệp hiện nay đa phần đều chưa bền vững, thiếu về nguồn lực (nhân lực, vật lực) và yếu về năng lực (đặc biệt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về chính sách cũng như các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế).

Thực tế, 37% hiệp hội hiện rơi vào tình trạng tổng chi nhiều hơn tổng thu. Nguồn thu chính của hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp là từ nguồn hội phí mà thành viên đóng góp. Tuy nhiên, thu phí hội viên từ các doanh nghiệp thành viên là vấn đề khó khăn đối với bất cứ hiệp hội nào (tỷ lệ các hội viên đóng phí thường xuyên trung bình của các hiệp hội là 75% vào giai đoạn thành lập, giảm xuống liên tục ở mức 66% năm 2007, và tới tháng 6 năm 2012 chỉ còn 54%).

Các hiệp hội đều xác định chương trình hoạt động đa dạng, phong phú, gồm: xúc tiến thương mại; đào tạo nhân lực; cung cấp thông tin; tư vấn đầu tư, tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật, hỗ trợ các vấn đề pháp lý... Đặc biệt, gần đây, nhiều hiệp hội đã tích cực thực hiện vận động chính sách, tham vấn ý kiến về cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, những biện pháp hỗ trợ hội nhập trực tiếp như tư vấn chính sách, pháp luật, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế... lại là mảng công việc ít thực hiện thường xuyên ở các đơn vị này.

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu hơn, thì điều doanh nghiệp cần trước hết là tác động của từng hiệp định thương mại tự do đến ngành nghề, cũng như đến bản thân họ như thế nào; cách ứng xử khôn ngoan trước tác động của hội nhập. Song những công việc này không dễ thực hiện tại cơ quan quản lý nhà nước, vì thuộc diện vụ việc cụ thể nên khó có đủ vật lực và nhân lực cho quá trình thực hiện.

Thực tế, với Trung tâm WTO TP. Hồ Chí Minh – là “đặc sản” hỗ trợ hội nhập riêng có của địa phương này, thì đại diện UBND TP cũng nhận định, khó có thể hỗ trợ hiệu quả đến từng doanh nghiệp trên địa bàn, vì không phù hợp với khả năng ngân sách của thành phố. Do đó, nếu thực dụng hãy nghĩ đến giải pháp nào để hiệp hội có thể thực hiện tốt chức năng vốn có của mình, thay vì để doanh nghiệp tự loay hoay tìm cách hội nhập hiệu quả, cũng như để trách nhiệm lên vai Nhà nước. Biện pháp này phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế, cũng như sẽ giúp huy động sức mạnh của toàn xã hội thực hiện, không tạo gánh nặng quá lớn với ngân sách nhà nước hiện nay.