Ai phải trả tiền cho cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung tiếp tục leo thang?
Từ ngày 1/9, khoảng 112 tỷ USD hàng may mặc, giày dép, hàng tạp hoá của Trung Quốc sang Mỹ phải chịu thuế suất 15%, thay vì 10%. Danh sách sản phẩm bị áp thuế lên tới 112 trang.
Các mặt hàng khác như điện thoại, màn hình máy tính, máy tính... bị áp thuế 15% từ 1/10. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng áp thuế trả đũa từ 5% đến 10% lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ vào nước này, trong đó có mặt hàng dầu thô cũng nằm trong diện bị áp thuế.
Ước tính, hơn 1.700 trong tổng số 5.078 mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ bị áp mức thuế mới. Số mặt hàng còn lại chịu thuế 10% từ 15/12. Câu hỏi đặt ra là cuối cùng ai sẽ phải móc túi để chi ra số tiền thuế này?
Mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ tốn thêm trung bình 1.000 USD/năm
Theo ước tính của J.P. Morgan, đòn thuế mới nhất lên hàng hóa Trung Quốc tác động chủ yếu vào người tiêu dùng và sẽ tiêu tốn của mỗi hộ gia đình Mỹ trung bình 1.000 USD/năm.
69% hàng tiêu dùng xuất xứ từ Trung Quốc mà người Mỹ mua sẽ phải chịu mức áp thuế nhập khẩu cao hơn, so với con số 29% trước đây. Vì vậy, khi mức thuế mới đối với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1/9 sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người dân Mỹ thông qua chuỗi cung ứng và việc gây sức ép lên giá cả các mặt hàng.
Ngoài ra, hầu hết các bang của Mỹ, đặc biệt là các bang có quan hệ giao thương nhiều với Trung Quốc cũng sẽ khó tránh khỏi những tác động nghiêm trọng. Theo số liệu của Cục Thống kê dân số của Mỹ năm 2018, Trung Quốc là đối tác thương mại nhập khẩu hàng đầu của 24 bang và Thủ đô Washington DC.
Theo Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ, kế hoạch áp thêm thuế trên sẽ làm giá bán lẻ điện thoại tại nước này tăng trung bình 70 USD, máy tính xách tay tăng 120 USD, còn máy chơi game tăng 56 USD. Đáng ngại hơn, sau khi vòng áp thuế ngày 15/12 có hiệu lực, gần 99% số hàng hóa "Made in China" bán tại Mỹ sẽ bị áp thuế cao dẫn tới đội giá. Tình cảnh sẽ khó khăn hơn khi nước Mỹ chuẩn bị bước vào dịp mua sắm cho Giáng sinh, mùa mua sắm lớn nhất trong năm.
Số liệu thống kê của Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) cho thấy từ ngày 1/9, có tới 91,66% hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ phải chịu khoản áp thuế quan 15%.
"Việc tìm nguồn cung mới cho lượng sản phẩm này đã và sẽ rất khó khăn vì năng lực sản xuất của các quốc gia khác có giới hạn. Ngoài ra, đây còn là vấn đề xây dựng các mối quan hệ làm ăn mới để đảm bảo hàng loạt quy định về chất lượng và lao động", Stephen Lamar, Phó Chủ tịch điều hành AAFA, nói với CNBC.
Theo ông Craig Johnson, nhà sáng lập hãng nghiên cứu bán lẻ Customer Growth Partners, đa số các công ty Mỹ đã áp dụng nhiều cách để giảm tối đa số sản phẩm có thể dính áp thuế quan vào ngày 1-9 như thay đổi chất liệu sản phẩm, hoặc đẩy thời gian vận chuyển về cảng trước ngày 1-9.
"Thông thường, hàng hóa mùa lễ sẽ không đến trước tháng 9 hoặc tháng 10. Nhưng doanh nghiệp bắt đầu lên kế hoạch cho việc này từ một năm trước. Khắp nơi đã đặt hàng sớm và nhận hàng từ tháng 8", ông Johnson nói.
Thực tế đến nay, thuế quan thực sự đã gây áp lực lên giá cả, đặc biệt hàng công nghệ. Hiệp hội người tiêu dùng công nghệ CTA cho biết kể từ tháng 7/2018, thuế quan áp lên hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc đã khiến ngành tiêu dùng công nghệ chịu chi phí hơn 10 tỉ USD, bao gồm 1 tỉ USD lên các sản phẩm 5G. Tổng thể, người dân Mỹ đã trả thêm 27 tỉ USD thuế nhập khẩu từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra từ tháng 6 năm ngoái.
Không chỉ đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng, việc áp thuế ngày 1-9 cũng khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ khốn đốn. Trung Quốc là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu, vì thế Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc cũng làm tăng giá sản phẩm tại Mỹ và gây ảnh hưởng tới chính các công ty đa quốc gia của Mỹ.
Một cuộc khảo sát các công ty Mỹ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc cho thấy có đến 81% các công ty cho biết leo thang căng thẳng thương mại đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, tăng 8 điểm phần trăm so với năm 2018.
Một trong những trường hợp điển hình này là Tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ, doanh nghiệp có nhiều khâu phải sản xuất ở Trung Quốc. Các sản phẩm iPhone, iPad, Apple Watch… sau khi sản xuất ở Trung Quốc sẽ được nhập khẩu trở lại Mỹ cho khách hàng toàn cầu, cũng như chính người Mỹ sử dụng.
Sản phẩm điện thoại iPhone sẽ chỉ chịu áp lực thuế quan từ ngày 15-12. Các mặt hàng Apple khi chịu thuế đã khiến hãng này ít nhiều mất lợi thế cạnh tranh với đối thủ Samsung của Hàn Quốc.
Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple trước đó cũng đã đề cập câu chuyện Samsung với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngân hàng JP Morgan dự báo Apple sẽ phải tính toán lại chuỗi sản xuất để cân đối mức giá mới, mặc dù họ chưa nói liệu có tăng giá hay không.
Theo TechCrunch, khi mức thuế nhập khẩu tăng lên 15%, hàng loạt mặt hàng gia dụng khác từ tivi, loa, camera kỹ thuật số, pin lithium… cũng đều bị áp thuế nhập khẩu ngày 1/9. "Tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chính là đánh thẳng vào người tiêu dùng", Steve Pasierb, Chủ tịch Hiệp hội Đồ chơi Mỹ nói.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ khôi phục mức thuế 25% nhằm vào ô tô Mỹ, biện pháp sẽ giáng mạnh vào các doanh nghiệp ôtô Mỹ khi năm 2018, General Motors bán được 3,64 triệu ôtô tại Trung Quốc, chiếm hơn 43% doanh số toàn cầu của hãng này.
Trước đó, hơn 160 tổ chức hiệp hội doanh nghiệp ở Mỹ đã viết thư gửi ông Trump, lên án kế hoạch tăng thuế. Đề nghị này không những không được chấp thuận, ông Trump còn phê phán họ đã không chủ động ứng phó với chính sách thương mại mà ông cho là "nhằm cai trị những người chơi không công bằng".
Kinh tế Trung Quốc bị tác động tiêu cực
Trong báo cáo vừa công bố ngày 9/8 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, tăng trưởng GDP quý II/2019 là gần 3% so với dự đoán 6,2%.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã chậm lại trong khi doanh số bán lẻ thực tế trong nửa đầu năm tăng 6,7%, yếu nhất kể từ năm 2011. Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc vào sản xuất chỉ tăng 3,0% so với tốc độ tăng trưởng hơn 30% trong giai đoạn 2010-2011 .
Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn vì việc làm công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009. Trong quý II, gần 300 tỷ USD kích thích thông qua cắt giảm thuế và cắt giảm phí của chính phủ Trung Quốc không thể cải thiện niềm tin của giới kinh doanh. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy rất ít doanh nhân tin là hoạt động của họ sẽ tăng lên trong năm tới.
Đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tiếp tục giảm tháng thứ 15 liên tiếp. Ngoài ra, tăng trưởng GDP của nước này trong quý II chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua.
Do không xuất khẩu được sang Mỹ, sản xuất trong nước lại quá tải nghiêm trọng khiến Trung Quốc đang phải ráo riết tìm nơi tiêu thụ số lượng hàng hóa dư thừa hằng năm lên đến gần 1.000 tỷ USD. Các tập đoàn nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đang tìm cách dời hoạt động sản xuất đi nơi khác để tránh cuộc chiến thương mại dai dẳng.
Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc và Thượng Hải cho thấy 40% số người được hỏi đang xem xét chuyển đổi hoặc đã chuyển cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.
Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 31/8 cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã giảm từ 49,7 trong tháng 7 xuống còn 49,5 trong tháng 8, cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp hoạt động sản xuất tại Trung Quốc suy yếu.
Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tiếp tục giảm. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp con số này lao dốc, chứng tỏ cuộc chiến thương mại với Mỹ và nhu cầu toàn cầu sụt giảm tiếp tục giáng đòn mạnh lên các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Số liệu thống kê cũng cho thấy các nhà máy tiếp tục cắt giảm việc làm trong tháng 8 giữa lúc viễn cảnh kinh doanh trở nên không chắc chắn.
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ kéo dài suốt từ tháng 7/2018. Khi đó, Washington quyết định áp thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị 34 tỷ USD mỗi năm. Đáp lại, Bắc Kinh cũng đưa ra các biện pháp trả đũa tương xứng.
Vào tháng 5/2019, Washington một lần nữa nâng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vì cho rằng nước này không tuân thủ đầy đủ các cam kết đã đạt được. Để đáp trả động thái này, Bắc Kinh, vào ngày 1-6, đã tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có giá trị hàng năm là 60 tỷ USD.
Theo Tổng thống Donald Trump, việc áp thuế sẽ còn tiếp tục được duy trì cho đến khi nào hai bên đạt được một thỏa thuận "có lợi cho tất cả" mới thôi.