Ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán đến giá cổ phiếu các công ty niêm yết tại HOSE
Để xác định chính xác giá cả và khả năng sinh lời của cổ phiếu đòi hỏi các nhà đầu tư cần có kiến thức về chứng khoán và kinh nghiệm trong đầu tư. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán là một trong những kênh cung cấp thông tin quan trọng cho nhà đầu tư. Ở các nước phát triển, thông tin được cung cấp cho thị trường liên tục, do đó ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán chỉ xảy ra khi ý kiến kiểm toán bất ngờ được đưa ra. Tuy nhiên, với thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn một số điểm khác biệt nên thị trường ít có khả năng dự đoán ý kiến kiểm toán và ý kiến kiểm toán được mong đợi sẽ mang đến một số giá trị thông tin cho những người sử dụng báo cáo.
Phương pháp và giả thuyết nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng 2 giả thuyết gồm: H1 - Ý kiến kiểm toán ngoại trừ (hay ý kiến chấp nhận từng phần theo chuẩn mực cũ) và H2 - Ý kiến chấp nhận toàn phần với đoạn vấn đề cần nhấn mạnh liên quan đến sự không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục hoặc khủng hoảng tài chính (kế thừa từ các nghiên cứu trước như Lin et al., 2011, Giuseppe Ianniello & Giuseppe Galloppo, 2015).
Nghiên cứu được tiến hành nhằm kiểm định ảnh hưởng của 2 ý kiến này đến biến động giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) thông qua xác định lợi nhuận bất thường, từ đó đề ra giải pháp nâng cao tính kịp thời, cũng như nâng cao nhận thức của nhà đầu tư (NĐT) về giá trị của ý kiến kiểm toán tại Việt Nam.
Trong mô hình nghiên cứu, biến động giá cổ phiếu được đo lường bằng thu nhập bất thường, là nhân tố bị tác động mà nghiên cứu tiến hành đo lường. Thu nhập bất thường được xác định bằng phần chênh lệch giữa lợi nhuận thực tế và lợi nhuận kỳ vọng của cổ phiếu phổ thông.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên cách tiếp cận suy diễn và chủ yếu sử dụng phương pháp phương pháp định lượng. Mẫu nghiên cứu ban đầu là những DN niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).
Tại thời điểm nghiên cứu, có 324 DN niêm yết trên HOSE theo danh sách niêm yết công khai trên http://www.hsx.vn. Nghiên cứu loại trừ báo cáo kiểm toán của 3 DNNY sau ngày 31/12/2016 và của 19 DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Nghiên cứu loại trừ báo cáo của các DNNY trong giai đoạn 2012-2016 không chứa ý kiến ngoại trừ hoặc ý kiến chấp chấp nhận toàn phần với đoạn vấn đề cần nhấn mạnh liên quan đến sự không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục hoặc khủng hoảng tài chính.
Kết quả có 176 DN bị loại khỏi danh sách. Như vậy, tổng thể để tiến hành thu thập số liệu bao gồm 126 báo cáo kiểm toán của 58 DNNY trên HOSE trong giai đoạn 2012-2016. Tác giả tiếp tục thu thập số liệu liên quan lần lượt cho 126 báo cáo kiểm toán của 58 công ty ở trên.
Trong quá trình xử lý số liệu, một số quan sát tiếp tục bị loại do số lượng ngày giao dịch trong năm quá ít hoặc ngày giao dịch đầu tiên sau ngày ký báo cáo kiểm toán cách ngày ký báo cáo kiểm toán nhiều hơn 3 ngày (kể cả ngày cuối tuần).
Cuối cùng, nghiên cứu có cỡ mẫu là 118 báo cáo với 112 báo cáo là báo cáo với ý kiến kiểm toán ngoại trừ (hoặc chấp nhận từng phần) và 11 ý kiến chấp nhận toàn phần với đoạn vấn đề cần nhấn mạnh liên quan đến sự không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục hoặc khủng hoảng tài chính.
Nghiên cứu bao gồm các quan sát đến từ báo cáo năm hợp nhất của các DN, trường hợp không có báo cáo hợp nhất thì sẽ sử dụng BCTC riêng thay thế. Nghiên cứu cũng không phân biệt ý kiến ngoại trừ hoặc chấp nhận toàn phần với đoạn nhấn mạnh cho lần đầu hay không phải lần đầu của một công ty.
Từ danh sách có được của các công ty trong mẫu nghiên cứu, tác giả thu thập các thông tin phục vụ mục đích phân tích gồm: ngày sự kiện, giá cổ phiếu của công ty, chỉ số giá thị trường VN-Index trong giai đoạn ước lượng và trong cửa sổ sự kiện. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có thời gian hoạt động chưa quá lâu, việc thu thập theo tháng thì cỡ mẫu nhỏ, không thỏa mãn các yêu cầu cũng những kiểm định thống kê.
Vì thế, nghiên cứu này thu thập giá cổ phiếu và chỉ số giá thị trường theo cho mẫu nghiên cứu theo ngày. Tác giả tải dữ liệu metastock của các công ty trong danh sách trên và chỉ số giá thị trường trong khoảng thời gian 155 ngày trước ngày ký báo cáo đến 5 ngày sau ngày ký báo cáo. Sau đó, tiếp tục loại bỏ một số quan sát không đủ giá cổ phiếu có sẵn trong thời gian nghiên cứu và tính toán các số liệu cần thiết.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu về số lượng các quan sát theo từng năm và theo từng loại ý kiến kiểm toán cho thấy ý kiến của kiểm toán viên (KTV) với hai loại ý kiến trong nghiên cứu này là khá ít được phát hành.
Các quan sát được tính toán để xác định các tham số.
AAR được tính toán theo từng ngày trong của sổ sự kiện và theo từng loại ý kiến, Bảng 1 trình bày kết quả tính toán AAR.
Trong đó, A = ý kiến kiểm toán ngoại trừ, B = ý kiến chấp chấp nhận toàn phần với đoạn vấn đề cần nhấn mạnh liên quan đến sự không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục hoặc khủng hoảng tài chính. A+B = 2 loại ý kiến kiểm toán A và B.Sau khi tính toán AAR, giả thuyết kiểm định được đưa ra như sau:
Để có được kết quả, tác giả sử dụng kiểm định thống kê t –test.Bảng 2 trình bày kết quả t-test cho thu nhập bất thường trung bình trong cửa sổ sự kiện, gồm 5 ngày trước ngày ký báo cáo kiểm toán, ngày ký báo cáo và 5 ngày sau ngày ký, tổng cộng gồm 11 ngày cho hai loại ý kiến kiểm toán được nghiên cứu trong bài.
Quan sát kết quả tính toán có thể thấy rằng, AAR ở một số ngày nhận giá trị dương, một số ngày nhận giá trị âm, không theo quy luật. Điều này có nghĩa không có mẫu chung cho phản ứng của cổ phiếu trong các ngày của cửa sổ sự kiện.
Thêm nữa, hầu hết giá trị P.value của từng ngày đều lớn hơn 0.05, điều này đồng nghĩa không có sự khác biệt đáng kể giữa các biến trong tổng thể. Do đó, giả thuyết H0 không thể bị loại trừ và có thể kết luận rằng, ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán ngoại trừ lên biến động giá cổ phiếu là không đáng kể hoặc không rõ ràng trong các ngày trong cửa sổ sự kiện. Thực hiện kiểm định riêng lẻ với từng loại ý kiến, kết quả thu được lần lượt ở Bảng 3 và Bảng 4.
Quan sát số liệu ở Bảng 3 và Bảng 4 cho thấy, kết quả thu được là tương tự như với kết quả tổng hợp số liệu hai loại ý kiến ở trên với các AAR âm, dương không có quy luật và mức ý nghĩa lớn P-Value hơn 0.05. Từ đó, có thể kết luận rằng, ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc ý kiến chấp nhận toàn phần với đoạn vấn đề cần nhấn mạnh liên quan đến sự không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục hoặc khủng hoảng tài chính lên biến động giá cổ phiếu là không đáng kể, không rõ ràng trong các ngày trong cửa sổ sự kiện.
Để điều tra thêm liệu có sự khác nhau đáng kể giữa các ngày của cửa sổ sự kiện lên biến động giá cổ phiếu và thu nhập hay không, kiểm định ANOVA được sử dụng. Bảng 5 trình bày kết quả của kiểm định này.
Trong Bảng 5, P-value của các AAR đều lớn hơn 0.05, điều này có nghĩa không có sự khác biệt đáng kể giữa các ngày trong giai đoạn kiểm tra về việc ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán lên biến động giá cổ phiếu. Để tránh các biến động xung quanh ngày thông báo, thu nhập bất thường trung bình tích lũy CAAR được tính toán và kiểm tra bằng t-test cho toàn bộ các quan sát trong cửa sổ sự kiện. Kết quả được trình bày ở Bảng 6.
P-value của các CAAR đều lớn hơn 0.05, vì vậy giải thuyết Ho cũng không thể bị từ chối và như vậy một lần nữa đạt được kết luận rằng không có ảnh hưởng đáng kể, hoặc rõ ràng của ý kiến kiểm toán lên biến động giá cổ phiếu.
Để tìm hiểu thêm, nghiên cứu sử dụng các cửa sổ sự kiện ngắn xung quanh ngày sự kiện. Giuseppe Ianniello and Giuseppe Galloppo, (2015) áp dụng các cửa sổ sự kiện 7 ngày, 5 ngày, 3 ngày, 1 ngày xung quanh ngày sự kiện. Áp dụng kiểm định t-test kiểm tra, kết quả thu được ở Bảng 7.
Từ bảng kết quả này có thể đưa đến kết luận tương tự các kiểm định đã thực hiện ở trên.
Trong 118 quan sát trong mẫu nghiên cứu bao gồm 30 quan sát được đưa ra bởi các Big 4, còn lại 88 quan sát được đưa ra ý kiến bởi các DN kiểm toán khác. Tác giả thực hiện thử nghiệm bổ sung, xem xét lợi nhuận bất thường xung quanh ngày sự kiện bởi Big 4.
Kết quả kiểm định cho thấy rằng, giá trị các AAR trong các ngày của cửa sổ sự kiện nhận các giá trị âm dương không có quy luật. Đồng thời, P-Value của hầu hết cá AAR đều lớn hơn 0.05. Như vậy, kết luận có thể được đưa ra ở đây là ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán từ Big 4 không có tác động đáng kể hoặc rõ ràng đến biến động giá cổ phiếu, được biểu hiện qua thu nhập bất thường.
Kết quả các thực nghiệm cho thấy, ảnh hưởng của hai loại ý kiến kiểm toán mang tính chất nghiêm trọng đến biến động giá cổ phiếu là không đáng kể hoặc không rõ ràng. Kết quả này được thực hiện trên TTCK Việt Nam trong giai đoạn 2012-2016 thống nhất với kết quả được thực hiện ở một số TTCK khác như Jordan (2008), Iran (2011) về tác động của ý kiến ngoại trừ, khác với một số kết quả được thực hiện ở một số thị trường như Trung Quốc (2000) về ý kiến ngoại trừ và khác với TTCK Italia (2016) về cả hai loại ý kiến.
Kết quả này củng cố cho những nghiên cứu trước về tác động của ý kiến kiểm toán ở các TTCK đang phát triển. Điều này phản ánh phần nào nhận thức của NĐT ở những thị trường này với kênh thông tin là ý kiến của KTV.
Kết luận và kiến nghị
Nghiên cứu chỉ ra rằng, cả hai loại ý kiến kiểm toán được nghiên cứu không có ảnh hưởng đáng kể hoặc rõ ràng đến biến động giá cổ phiếu, được thể hiện qua thu nhập bất thường. Vì vậy, nhìn chung các ý kiến kiểm toán được quan sát đã không có ý nghĩa về mặt thông tin với NĐT trong quá trình ra quyết định và điều này hàm ý có thể do NĐT không hiểu ý nghĩa của báo cáo kiểm toán hoặc không đánh giá cao giá trị của nó. Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao mức ý nghĩa của ý kiến kiểm toán với NĐT tại Việt Nam:
Thứ nhất, đối với công ty niêm yết:
- Nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức của đội ngũ nhân viên kế toán trong DN để có thể kịp thời lập các BCTC theo quy định của pháp luật và đảm bảo tính trung thực của BCTC, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công việc kiểm toán của các KTV độc lập.
- Lựa chọn DN kiểm toán uy tín với đội ngũ nhân viên lớn, chuyên nghiệp sẽ góp phần tăng sự đảm bảo rằng BCTC được kiểm toán đưa ra công chúng được lập trung thực hợp lý và kịp thời theo quy định pháp luật.
- Các DN niêm yết cần có nhận thức đúng đắn về những tác động tích cực của việc công bố thông tin kịp thời, trung thực đến hoạt động của mình. Đồng thời, có giải pháp hạn chế tình trạng này trong tương lai.
Thứ hai, đối với các DN kiểm toán:
- Tuyển dụng, đào tạo những KTV thực sự lành nghề và có đạo đức nghề nghiệp. Luôn đặt vấn đề đạo đức là yếu tố hàng đầu, mang tính sống còn trong hoạt động của DN.
- Cần xây dựng chế độ, phương pháp quản lý và môi trường kiểm toán chuyên nghiệp nhằm góp phần nâng cao chất lượng KTV.
- Tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc có các hướng dẫn, các quy định của Hiệp hội nghề nghiệp, các cơ quan chức năng trong quá trình hành nghề.
Thứ ba, đối với NĐT:
Với bối cảnh hiện tại, các NĐT, đặc biệt các NĐT nhỏ lẻ, cần chủ động tìm kiếm các thông tin, phải tự nâng cao kiến thức để đánh giá chất lượng tài chính của DN, đồng thời nên tìm hiểu toàn diện về thương hiệu, uy tín, định hướng của ban lãnh đạo, hoạt động kinh doanh thực tế... của công ty trước khi ra quyết định. Đồng thời, các NĐT cũng cần lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình để góp phần giảm thiếu tình trạng che giấu, chậm cung cấp thông tin.
Thứ tư, đối với cơ quan chức năng và hội nghề nghiệp:
- Giám sát chặt chẽ hoạt động của các DN kiểm toán, xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành nghề.
- Tăng cường quản lý việc công bố thông tin ra thị trường của các DN niêm yết. Bám sát thực hiện Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính nhằm đẩy nhanh việc công bố thông tin ra công chúng sau khi đã thực hiện kiểm toán BCTC. Trường hợp có các hành vi không tuân thủ, cần thiết phải thực hiện các chế tài xử phạt mạnh để nâng cao tính tuân thủ của các DN.
- Thông qua các hội thảo, chương trình trao đổi chuyên môn, phổ biến rộng rãi đến NĐT vai trò, ý nghĩa của báo cáo kiểm toán.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán;
2. Nguyễn Minh Nhựt, (2016), Kiểm định mối quan hệ giữa ý kiến kiểm toán và quản trị lợi nhuận trên BCTC của các công ty niêm yết ở Việt Nam;
3. Al-Thuneibat et al., 2008. The effect of qualified auditors’opinions on share prices: evidence from Jordan. Managerial Auditing Journal. Vol. 23 No. 1;
4. Giuseppe Ianniello and Giuseppe Galloppo, 2015. Stock market reaction to auditor opinions – Italian evidence. Managerial Auditing Journal. Vol. 30 No. 6/7.