Ảnh hưởng từ chất lượng thông tin trên báo cáo thường niên đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng

TS. Tô Lan Phương - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội ; ThS. Vũ Hùng Mạnh - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh,

Nghiên cứu này nhằm đo lường chất lượng các thông tin được công bố trong báo cáo thường niên của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam qua các năm, đồng thời làm rõ tác động của những thông tin này tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cung cấp những thông tin khách quan giúp nhà đầu tư và các bên liên quan đánh giá đúng chất lượng thông tin trên báo cáo thường niên của các ngân hàng thương mại, từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn và hiệu quả, đồng thời, thúc đẩy các ngân hàng cải thiện chất lượng công bố thông tin, tăng cường tính minh bạch, nâng cao hình ảnh của ngân hàng với khách hàng và công chúng.

Đặt vấn đề

Năm 2007, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 38/2007/TT-BTC về các quy tắc công bố thông tin (CBTT) trên thị trường chứng khoán (TTCK), Thông tư đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần. Năm 2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK. Việc sửa đổi nhằm nâng cao chất lượng CBTT, khắc phục tình trạng thông tin bất cân xứng và kiểm soát gian lận Báo cáo tài chính của các công ty niêm yết.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính và tăng cường hội nhập quốc tế, việc nâng cao chất lượng CBTT nói chung và chất lượng CBTT trong báo cáo thường niên (BCTN) nói riêng sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, hạn chế tình trạng thông tin bất đối xứng, tạo lòng tin và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, từ đó nâng cao vị thế và cạnh tranh của ngành Ngân hàng Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Các nghiên cứu về CBTT trên báo cáo thường niên đang trở thành vấn đề cấp thiết trong những năm gần đây. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra được ảnh hưởng của chất lượng CBTT đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM), điển hình là nghiên cứu của Aisjah và cộng sự (2013), Al-Homaidi và cộng sự (2020)… Mặc dù vậy, hiện nay, đề tài này vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam.

Tổng quan nghiên cứu

Nghiên cứu về công bố thông tin

Nghiên cứu về CBTT của các ngân hàng được thực hiện tách biệt với các doanh nghiệp do các đặc trưng của hoạt động kinh doanh tiền tệ.

Hawashe (2014) tập trung vào việc đánh giá mức độ CBTT của 9 NHTM tại Libya. Nghiên cứu đã dùng mô hình hồi quy đa biến OLS và cho ra kết quả chỉ ra mức độ công khai thông tin tự nguyện trong BCTN của các NHTM Libya thấp, nhưng có cải thiện trong 6 năm qua. Đồng thời, tình trạng niêm yết và quy mô ngân hàng được xác định là các biến độc lập cần thiết để giải thích sự thay đổi trong mức độ CBTT tự nguyện hàng năm.

Bhasin và cộng sự (2015) hướng đến mức độ CBTT và các yếu tố ảnh hưởng đến danh mục CBTT tự nguyện trong báo cáo tài chính của 29 NHTM niêm yết từ 2009 - 2010. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính OLS để kiểm định mối quan hệ giữa tổng CBTT tự nguyện và các đặc điểm cụ thể của công ty. Nghiên cứu chỉ ra phương thức CBTT tự nguyện không cải thiện theo thời gian.

Nguyễn Ngọc Thủy (2021) sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính OLS để phân tích thực trạng CBTT và các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT trên BCTN của 27 NHTM Việt Nam trong khoảng thời gian từ 2015 – 2019. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ CBTT tăng đều qua các năm cho thấy thực trạng CBTT của các ngân hàng đang được cải thiện. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức độ CBTT trên BCTN bị tác động bởi tỷ lệ thanh khoản và tỷ lệ nợ của NHTM.

Nguyễn Minh Huy (2015) tập trung vào việc xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT tại 16 NHTM cổ phần niêm yết trên TTCK Việt Nam vào năm 2012. Kết quả nghiên cứu chỉ ra quy mô tài sản có tác động tích cực đến mức độ CBTT của 16 NHTM cổ phần tại Việt Nam. Mức độ CBTT của các ngân hàng chỉ đạt 76,19% nói lên việc CBTT chưa đủ minh bạch. Do đó, nghiên cứu đề xuất rằng các ngân hàng cần thực hiện một cách nghiêm túc việc CBTT theo nguyên tắc và chuẩn mực được quy định bởi nhà nước.

Nghiên cứu về hiệu quả hoạt động của ngân hàng

Syafri (2012) sử dụng chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên tài khoản (ROA) để tìm hiểu về yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM tại Indonesia. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy dữ liệu bảng và thu thập dữ liệu trong khoảng thời gian 2002 – 2011. Kết quả chỉ ra khả năng sinh lời chịu ảnh hưởng dương từ hệ số nợ trên tổng tài sản, tỷ số vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản và dự phòng rủi ro tín dụng và chịu tác động âm từ tỷ lệ lạm phát, quy mô ngân hàng và tỷ lệ chi phí trên thu nhập. Ngoài ra, khả năng sinh lời của ngân hàng không chịu ảnh hưởng từ tăng trưởng kinh tế và thu nhập ngoài lãi trên tổng tài sản.

Chỉ số ROA cũng được Tomola (2013) sử dụng trong nghiên cứu thực hiện tại Nigeria. Nghiên cứu dựa trên mô hình hồi quy các ảnh hưởng cố định (FEM) từ dữ liệu bảng thu được từ báo cáo tài chính của 20 ngân hàng trong khoảng thời gian 2006- 2012. Nghiên cứu cho thấy việc quản lý chi phí hiệu quả và điều kiện kinh tế cũng như gia tăng vốn ngân hàng sẽ nâng cao hiệu suất hoạt động và tăng trưởng của các ngân hàng ở Nigeria.

Saeed (2014) đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của các biến số cụ thể, ngành cụ thể và kinh tế vĩ mô đối với khả năng sinh lời của 73 NHTM trước, trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Từ mô hình hồi quy được sử dụng trong bài, có thể kết luận rằng, quy mô ngân hàng, tỷ lệ vốn, cho vay, tiền gửi, thanh khoản và lãi suất có tác động tích cực đến ROA và lợi nhuận trên vốn (ROE) trong khi GDP và tỷ lệ lạm phát có tác động tiêu cực.

Đặng Thị Minh Nguyệt và cộng sự (2021) nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của 4 NHTM nhà nước với bộ dữ liệu từ năm 2005 đến năm 2020. Nghiên cứu sử dụng mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (REM) và mô hình ảnh hưởng cố định (FEM). Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra chiều tác động của các biến lên ROA và ROE là như nhau; quy mô ngân hàng tác động ngược chiều; năng suất lao động tác động cùng chiều. Kết quả cũng chỉ ra chỉ tiêu huy động vốn trên tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng tác động ngược chiều đến ROE của các NHTM; tỷ lệ nợ xấu tác động ngược chiều đến ROA và ROE; tỷ lệ lạm phát không tác động tới lợi nhuận ròng trên tổng tài sản, lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu.

Phạm Ánh Tuyết (2017) nghiên cứu các yếu tố vi mô và vĩ mô tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng tại 23 NHTM cổ phần tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ 2009 – 2016. Mô hình hồi quy tuyến tính bội được sử dụng để phân tích hồi quy. Kết quả cho thấy, có 3 nhóm nhân tố lần lượt ảnh hưởng dương (thu nhập ngoài lãi trên tổng tài sản, lạm phát, GDP), ảnh hưởng âm (tỷ lệ vốn chủ sở hữu và tổng tài sản, dư nợ cho vay trên tổng tài sản) và không có ảnh hưởng (chi phí dự phòng rủi ro, tỷ số giữa chi phí hoạt động và thu nhập hoạt động và quy mô tổng tài sản) đến hiệu quả hoạt động của các NHTM.

Lê Đại Thành (2017) đã điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam. Mẫu nghiên cứu bao gồm 21 ngân hàng trong giai đoạn từ 2006 đến 2015. Nghiên cứu sử dụng mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (REM) và đưa ra kết quả là: Khi vốn chủ sở hữu tăng, ROA cũng tăng, còn ROE giảm. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro có tác động tiêu cực lớn nhất đến ROE và ROA, và khi chi phí hoạt động tăng, ROA và ROE sẽ giảm. Tỷ lệ lạm phát cao lại có ảnh hưởng tích cực đến hiệu suất của ngân hàng.

Nghiên cứu về chất lượng công bố thông tin ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng

Hình 1: Kết quả đo lường chất lượng công bố thông tin trong Báo cáo tài chính của 14 ngân hàng thương mại niêm yết giai đoạn 2015-2022.Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả
Hình 1: Kết quả đo lường chất lượng công bố thông tin trong Báo cáo tài chính của 14 ngân hàng thương mại niêm yết giai đoạn 2015-2022.
Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả

Aisjah và cộng sự (2013) tập trung vào việc xem xét tác động của việc CBTT về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến hiệu quả tài chính và giá trị doanh nghiệp của 15 ngân hàng niêm yết trong giai đoạn 2008 - 2011. Kết quả cho thấy, CBTT về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không những ảnh hưởng đến tất cả các phép đo hiệu quả tài chính mà còn tác động đến giá trị công ty đo lường bằng chỉ số Tobin's Q.

Buallay (2019) tìm kiếm mối quan hệ giữa CBTT và hiệu quả hoạt động của ngân hàng tại châu Âu. Trong thông tin 235 ngân hàng từ năm 2007 đến năm 2016, nghiên cứu thu được 2.350 quan sát. Nghiên cứu chứng minh rằng, hiệu quả hoạt động của ngân hàng nhận được tác động tích cực từ việc CBTT. Bên cạnh đó, đo lường riêng lẻ sẽ dẫn đến sự khác nhau trong mối quan hệ giữa các thông tin. Trong khi CBTT quản trị doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến ROA, ROE thì ROA và Tobin’s Q lại nhận được tác động tích cực từ CBTT môi trường.

Khanifah và Hardiningsih (2020) nghiên cứu về ảnh hưởng của CBTT về quản trị doanh nghiệp đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng tại Iran, Ả-rập Xê-út và Malaysia đã tạo ra bộ chỉ số CBTT quản trị công ty cho 10 ngân hàng Hồi giáo. Kết quả cho thấy rằng, các ngân hàng Hồi giáo CBTT quản trị doanh nghiệp có tác động tích cực đến hiệu suất hoạt động của ngân hàng, được đo bằng ROA. Tuy nhiên, ROE và Tobin's Q không có mối liên hệ đáng kể với việc CBTT quản trị ngân hàng theo quy định.

Homaidi và cộng sự (2020) tập trung vào mối quan hệ giữa mức độ CBTT tự nguyện và khả năng sinh lời của các ngân hàng Hồi giáo Yemen. Nghiên cứu đã phát triển một bộ chỉ số để đo lường mức độ CBTT dựa trên báo cáo tài chính hàng năm của 30 ngân hàng Hồi giáo Yemen trong giai đoạn 2005-2014. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thông tin quản trị doanh nghiệp, CBTT xã hội, quy mô ngân hàng và tuổi thọ của ngân hàng có mối quan hệ đáng kể và ngược chiều với tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA). Tuy nhiên, các chỉ số tài chính, thông tin quản trị doanh nghiệp, CBTT xã hội, và quy mô ngân hàng có tác động tiêu cực và đáng kể đến lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Nghiên cứu cũng cho thấy, CBTT xã hội của doanh nghiệp và tuổi của ngân hàng có tác động tiêu cực và đáng kể đến lợi nhuận sau thuế.

Nguyễn Ngọc Thủy (2018) nghiên cứu về mối quan hệ giữa mức độ CBTT và khả năng sinh lời của 21 NHTM trong năm 2016. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả kết hợp đồ thị phân tán để so sánh ROA của các ngân hàng cũng như mức độ CBTT của từng ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, không có mối quan hệ giữa CBTT tự nguyện và khả năng sinh lời của ngân hàng. Qua những số liệu thu thập được trong năm 2016, một số ngân hàng có mức độ CBTT thấp nhưng vẫn có chỉ số ROA cao hơn những ngân hàng có mức độ CBTT cao hơn, do vậy nghien cứu khẳng định mức độ CBTT không ảnh hưởng tới khả năng sinh lời của ngân hàng.

Trần Quốc Thịnh và cộng sự (2021) tiến hành nghiên cứu các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam, về mối quan hệ giữa CBTT trách nhiệm xã hội và khả năng sinh lời của ngân hàng được khảo sát. Nghiên cứu sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất thông thường OLS và thu thập dữ liệu từ 18 ngân hàng niêm yết giai đoạn 2015 - 2019. Kết quả cho thấy, khi biến phụ thuộc là mức độ CBTT trách nhiệm xã hội, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và biên lãi ròng (NIM) có tác động ngược chiều. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) không ảnh hưởng đến mức độ CBTT. Đối với biến phụ thuộc là tỷ suất sinh lời, mức độ CBTT trách nhiệm xã hội có tác động khác với ROA, ROE và NIM.

Qua tổng hợp các nghiên cứu trong nước và nước ngoài cho thấy kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của chất lượng CBTT tới hiệu quả hoạt động của các NHTM chưa có sự thống nhất. Aisjah và cộng sự (2013); Buallay (2019); Srairi (2015) cho rằng, chất lượng CBTT có ảnh hưởng cùng chiều với hiệu quả hoạt động của các NHTM. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu của Ben Abdallah và Bahloul (2021); Homaidi và cộng sự (2020); Trần Quốc Thịnh và cộng sự (2021) lại cho thấy ảnh hưởng tiêu cực hay Nguyễn Ngọc Thủy (2018) không tìm thấy mối quan hệ giữa giữa 2 yếu tố này.

Kết quả đo lường chất lượng CBTT BCTN của 14 NHTM niêm yết tại Việt Nam từ năm 2015 đến 2022 cho thấy những khác biệt rõ rệt giữa các ngân hàng trong việc đáp ứng yêu cầu CBTT theo quy định của các cơ quan quản lý tài chính. Các ngân hàng đều có mức độ CBTT khác nhau, từ thấp nhất là 0.29688 (MSB năm 2016) đến cao nhất là 0.98438 (VPB năm 2022), với điểm trung bình ở mức 0.72476. Có thể thấy kể từ khi có Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về CBTT được ban hành, các ngân hàng đã nỗ lực cải thiện không ngừng trong việc tăng cường đáp ứng nhu cầu thông tin của cổ đông và công chúng. Thực tế, báo cáo khảo sát về hoạt động CBTT của 736 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX năm 2022 của chương trình IR Awards 2022 cho thấy, ngân hàng là ngành có hoạt động CBTT tốt nhất trên TTCK năm 2022.

Một số đề xuất, khuyến nghị

Chất lượng CBTT đóng vai trò quan trọng đối với các NHTM, cá nhân các nhà đầu tư và sự phát triển của TTCK. Nội dung chính của nghiên cứu này là đo lường sự ảnh hưởng của chất lượng CBTT BCTN đến hiệu quả hoạt động của các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam. Sau khi phân tích, nghiên cứu đã giải quyết được các mục tiêu đề ra. Nhìn chung, kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 155/2015/TT quy định về CBTT, chất lượng CBTT tại các NHTM ngày càng được cải thiện qua các năm, tuy nhiên nhóm tác giả nhận thấy vẫn còn một số ngân hàng công bố BCTN vẫn chưa đầy đủ. Để xác định ảnh hưởng của chất lượng CBTT BCTN tới hiệu quả hoạt động của các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam, nhóm tác giả đã xây dựng danh mục CBTT trong BCTN của các NHTM dựa trên Phụ lục IV quy định về các thông tin công bố trên BCTN (Ban hành kèm theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính), từ đó đo lường chất lượng CBTT BCTN của các NHTM niêm yết bằng phương pháp tính điểm không trọng số (unweighted average method). Sau đó để tiến hành ước lượng ảnh hưởng của chất lượng CBTT BCTN tới hiệu quả hoạt động của các NHTM, nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất (OLS). Kết quả mô hình cho thấy chất lượng CBTT có mối tương quan thuận với hai thước đo hiệu quả hoạt động của ngân hàng là ROE và Tobin’s Q . Kết quả nghiên cứu này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết thông tin bất cân xứng và các nghiên cứu thực nghiệm trước đây. Mặt khác, quy mô ngân hàng, tốc độ tăng trưởng doanh thu cũng có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của các NHTM đo lường qua ROE và Tobin’s Q. Trong khi đó quy mô thành viên HĐQT và đòn bẩy tài chính có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động. Các yếu tố còn lại là tỷ lệ sở hữu nước ngoài và thanh khoản có ảnh hưởng tích cực tới chỉ số ROE nhưng không ảnh hưởng tới giá trị Tobin’s Q. Kết quả này phù hợp với bối cảnh kinh tế và tình hình phát triển của các NHTM niêm yết tại Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu.

Nhằm thúc đẩy các ngân hàng cải thiện chất lượng công bố thông tin, qua đó tăng cường tính minh bạch, nâng cao hình ảnh của ngân hàng với khách hàng và công chúng, cần chú trọng các nội dung sau:

Đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:

Cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các ngân hàng không công bố BCTN nhằm tăng cường tính minh bạch thông tin của các NHTM trên TTCK và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin một cách đầy đủ của các nhà đầu tư và các bên có liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Sớm đưa ra được bộ tiêu chí đo lường chung và thống nhất cho chất lượng CBTT để NĐT cũng như các bên liên quan có thể dễ dàng đánh giá thực trạng CBTT của các NHTM. Cần có kế hoạch cụ thể về việc nâng cấp các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thông tin cho hệ thống thông tin như xây dựng một Trung tâm lưu trữ thông tin công bố phục vụ cho công tác giám sát thị trường hiệu quả hơn.

Đối với Sở giao dịch chứng khoán:

SGDCK cần sớm xây dựng hệ thống giám sát thông tin, tăng cường giảm sát để tránh tình trạng che giấu CBTT. Tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động giám sát, để đảm bảo việc tuân thủ các nguyên tắc thị trường của các thành viên tham gia. Xử lý nghiêm ngặt đối với những trường hợp vi phạm về CBTT: Các cơ quan chức năng nên xây dựng các mức xử phạt hành chính hợp lý nhằm tránh tình trạng vi phạm chấp nhận nộp phạt còn hơn là không vi phạm. Để đảm bảo thông tin được chuyển tại đến NĐT là thông tin chính xác, đầy đủ, rõ ràng và giảm thiểu đáng kể rủi ro cho NĐT khi sử dụng các thông tin đó trong việc đưa các quyết định đầu tư, SGDCK cần phải có quy trình tiếp nhận, xử lý và CBTT nhanh chóng và kịp thời. Nên quy định chung về hình thức chung về hình thức BCTN ví dụ như quy định kích cỡ chữ, hình thức báo cáo để tạo thống nhất giữa báo cáo của các NHTM. SGDCK cần phải có đánh giá những BCTN của các doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, để từng bước nâng cao chất lượng BCTN chung cho các công ty niêm yết nói chung và các NHTM nói riêng.

Đối với các ngân hàng thương mại niêm yết:

Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng CBTT BCTN ảnh hưởng tích cực và đáng kể tới hiệu quả hoạt động của các NHTM, đồng thời cho thấy quy mô ngân hàng, tỷ lệ thanh khoản và tốc độ tăng trưởng doanh thu cũng tác động tích cực tới cả hai thước đo hiệu quả hoạt động của ngân hàng là ROE và TBQ. Chính vì vậy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, các NHTM cần có những phương án cải thiện thông tin công bố cũng như tăng cường quản lý rủi ro, tối ưu hóa cơ cấu quản trị, tăng cường thanh khoản và tăng trưởng doanh thu. Quy mô ngân hàng càng lớn thì khả năng cạnh tranh cũng càng tốt, do đó các ngân hàng cần phát triển mạng lưới chi nhánh, đầu tư công nghệ để tăng khả năng hoạt động và phục vụ khách hàng, tỷ lệ thanh khoản cao giúp cho các ngân hàng có khả năng thanh toán nhanh chóng và dễ dàng, giảm rủi ro thanh toán và nâng cao niềm tin của khách hàng. Các ngân hàng cũng cần tăng cường phát triển sản phẩm, dịch vụ và mở rộng thị trường để tăng tốc độ tăng trưởng doanh thu. Bên cạnh đó, tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao có thể dẫn đến rủi ro tài chính, do đó các ngân hàng cần hạn chế sử dụng vốn vay và tăng cường sử dụng vốn tự có. Các ngân hàng cũng cần tăng cường quản lý thành viên HĐQT, đảm bảo đội ngũ HĐQT có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm, và phát triển chính sách thưởng/kinh doanh hấp dẫn để thu hút những thành viên HĐQT tốt nhất.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phương, Nguyễn Công, Nguyễn Thị Thanh Phương (2014). "Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin tài chính của công ty niêm yết." Tạp chí Phát triển kinh tế 287.1: 15-33;
  2. Thủy, Ngọc (2018). "Nghiên cứu mối quan hệ giữa khả năng sinh lợi và mức độ công bố thông tin tự nguyện trong báo cáo thường niên của các ngân hàng thương mại Việt Nam." ;
  3. Tran, Quoc Thinh, Thi Diu Vo, and Xuan Thuy Le (2021). "Relationship between profitability and corporate social responsibility disclosure: Evidence from Vietnamese listed banks." The Journal of Asian Finance, Economics and Business 8.3: 875-883;
  4. Tuyết, Phạm Ánh. "Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam" (2017);
  5. Đức, Võ Hồng, and Phan Bùi Gia Thủy. "Quyền kiêm nhiệm, kinh nghiệm của hội đồng quản trị và vai trò điều tiết của cơ hội tăng trưởng đối với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp." Tạp chí khoa học Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh-kinh tế và quản trị kinh doanh 8.2 (2013): 52-65;
  6. Bhasin, Madan Lal, Rashid Makarov, and Nurlan Orazalin. "Determinants of voluntary disclosure in the banking sector: An empirical study." International Journal of Contemporary Business Studies 3.3 (2012);
  7. Buallay, Amina. "Is sustainability reporting (ESG) associated with performance? Evidence from the European banking sector." Management of Environmental Quality: An International Journal 30.1 (2019): 98-115;
  8. Budhathoki, Prem Bahadur, et al. "The impact of liquidity, leverage, and total size on banks’ profitability: evidence from nepalese commercial banks." Journal of Economics and business 3.2 (2020);
  9. Bushman, Robert M., and Abbie J. Smith. "Transparency, financial accounting information, and corporate governance." Financial accounting information, and corporate governance. Economic Policy Review 9.1 (2003);
  10. Fiori, Giovanni, Francesca Di Donato, and Maria Federica Izzo. "Corporate social responsibility and firms performance-an analysis on Italian listed companies." Available at SSRN 1032851 (2007);
  11. Forte, Lianny, et al. "Determinants of voluntary disclosure: a study in the Brazilian banking sector." Forte, LM, Santos Neto, JB, Nobre, FC, Nobre, LHN, & Queiroz, DB (2015). Determinants of voluntary disclosure: A Study in the Brazilian Banking Sector. Revista de Gestão, Finanças E Contabilidade 5.2 (2016): 23-37;
  12. Haralayya, Bhadrappa, and P. S. Aithal. "Performance affecting factors of indian banking sector: an empirical analysis." George Washington International Law Review 7.1 (2021): 607-621.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2024