Áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm

Nguyễn Linh

Việc áp dụng hiệu quả các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, có nhiều thách thức trong quá trình doanh nghiệp đổi mới nâng cao năng suất chất lượng. Đầu tiên là về máy móc, thiết bị. Thực tế chỉ ra rằng, phần lớn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn ngại chuyển đổi số, lý do chính là vấn đề tài chính và sự am hiểu công nghệ.

Trong khi đó, những nền tảng chuyển đổi số do các cơ quan chức năng đang triển khai chỉ mới tập trung vào quản trị văn phòng mà chưa tính đến hoạt động sản xuất, dây chuyền công nghệ, qua đó ảnh hưởng đến lợi ích tiềm năng và cân nhắc của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không có nhiều lựa chọn về tài chính. Muốn thúc đẩy nền sản xuất thông minh, nhất định phải có hệ điều hành, nhà máy thông minh để khai thác một cách có hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp nhưng việc đầu tư vào những giải pháp này đòi hỏi chi phí rất lớn, nhiều khi vượt quá năng lực của doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo ra thị trường mới, thu hút nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín doanh nghiệp. Đồng thời là yếu tố không thể thiếu góp phần tạo thêm việc làm.

Muốn đổi mới nâng cao năng suất chất lượng, nhiều khuyến nghị được đưa ra rằng doanh nghiệp cần áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất bên cạnh những giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Áp dụng thành công công cụ cải tiến năng suất sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế trong xã hội như: doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận; người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí hợp lý; người lao động gia tăng thu nhập; đất nước tăng nguồn thu từ thuế...

Các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, 6 Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.