Áp dụng công cụ cải tiến năng suất: Một doanh nghiệp mạ kẽm đạt doanh thu hơn 300 tỷ đồng
Sau 10 năm triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đến năm 2020” đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, chương trình này đã “đánh thức” DN thay đổi từ nhận thức đến hành động bằng việc áp dụng hệ thống, mô hình và công cụ cải tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm…
Tính toán năng suất dựa trên 2 loại chỉ số
Ở Việt Nam, cùng với việc phát động thập niên chất lượng lần thứ nhất giai đoạn 1996 - 2005, các DN đã được làm quen với các tiêu chuẩn chất lượng như: ISO 9000, 5S… Môi trường kinh doanh quốc tế đòi hỏi các DN, đặc biệt là các DN xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường quan tâm hơn đến việc áp dụng những công cụ và mô hình quản lý chuẩn quốc tế.
Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp, cộng với áp dụng cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, năm 2019, Công ty Vingal-Vnsteel đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu đạt 310 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỷ đồng; thu nhập hàng tháng của người lao động bình quân đạt trên 13 triệu đồng...
Tuy nhiên, tỷ trọng các DN áp dụng các mô hình và công cụ tiêu chuẩn như trên còn thấp, cả nước chỉ có hơn 10.000 tổ chức được cấp chứng chỉ ISO 9001. Việc tích hợp các hệ thống và sử dụng kết hợp nhiều công cụ tiêu chuẩn để liên tục cải tiến hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức mới chỉ áp dụng hạn chế ở một số DN trong những năm gần đây.
Theo ThS. Vũ Hồng Dân - Viện Năng suất Việt Nam, trên thực tế, khi tính toán năng suất thường căn cứ theo hai chỉ số: (i) Chỉ số năng suất một phần: là tỷ số giữa kết quả đầu ra và một loại đầu vào (ví dụ như chỉ số năng suất lao động, chỉ số năng suất vốn); (ii) Chỉ số năng suất tổng hợp: là chỉ số so kết quả đầu ra với sự kết hợp của nhiều yếu tố đầu vào (năng suất các yếu tố tổng hợp TFP).
Các chỉ số năng suất khác nhau thể hiện những nội hàm khác nhau và có những ưu, nhược điểm khác nhau khi tính toán và sử dụng. Các chỉ số năng suất cũng không độc lập với nhau, ví dụ, có thể nhận biết yếu tố chủ đạo tác động tới tăng năng suất lao động, đó là tốc độ tăng TFP. Giữa năng suất vốn và năng suất lao động cũng có quan hệ chặt chẽ: hiệu quả sử dụng vốn không chỉ phản ánh mức năng suất vốn đạt được cao hay thấp mà còn biểu hiện thông qua kết quả đạt được của năng suất lao động.
Chẳng hạn như: Khi đầu tư thêm vốn cho sản xuất thì năng suất vốn có thể tăng, có thể không tăng hoặc thậm chí giảm đi, nhưng bù lại việc tăng thêm vốn, nâng cao mức trang bị vốn cho lao động sẽ làm cho năng suất lao động tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, chỉ số được cho là dễ tính toán và được sử dụng rộng rãi là năng suất lao động.
Đạt doanh thu 310 tỷ đồng, nhờ áp dụng công cụ cải tiến và công nghệ hiện đại
Với bề dày truyền thống trên 24 năm xây dựng và phát triển, Công ty cổ phần Mạ kẽm Công nghiệp VinGal-Vnsteel đã thường xuyên cải tiến, đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Mặt khác, Công ty còn kết hợp giữa máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến của châu Âu và quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo hệ thống kiểm soát chất lượng ISO 9001:2015 do Tổ chức Intertek (Mỹ) chứng nhận. Nhờ đó, các sản phẩm và dịch vụ của Công ty VinGal- Vnsteel luôn đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về chất lượng của các công trình trọng điểm quốc gia và xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hà Lan...
Đặc biệt, năm 2019, Công ty đã đầu tư mạnh vào hệ thống dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, Công ty lắp đặt và vận hành hệ thống lọc tuần hoàn bể Flux cho phân xưởng mạ với công suất 60m3/h để giảm lượng oxit sắt trong bể Flux, tăng chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nhờ giảm lượng xỉ nồi và xỉ chìm phát sinh trong bể kẽm.
Đồng thời, cải tạo máy cắt ống trên dàn cán ống phân xưởng cán để có thể cán ống 76, dày 4mm, vật liệu SS400, nhằm tăng năng lực cán ống, đáp ứng nhu cầu khách sắp xếp lại vị trí làm việc nhằm hợp lý hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động...
Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp, cộng với áp dụng cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, năm 2019, Công ty Vingal-Vnsteel đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, về sản lượng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mạ kẽm đạt trên 30.800 tấn; sản xuất tiêu thụ sản phẩm gia công cơ khí đạt trên 2.000 tấn; sản xuất tiêu thụ ống thép đạt từ 3.100 - 3.200 tấn; doanh thu đạt 310 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỷ đồng; thu nhập hàng tháng của người lao động bình quân đạt trên 13 triệu đồng...
Kết quả kinh doanh trên của Công ty Vingal-Vnsteel cho thấy, khi áp dụng công cụ cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp sẽ không chỉ gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho DN mà còn giúp tăng doanh thu và lợi nhuận bền vững cho DN.