Áp dụng quản lý tinh gọn tạo đà bứt tốc năng suất, chất lượng

Ánh Dương

Giải pháp quản lý tinh gọn (Lean) ngày càng được áp dụng rộng rãi tại nhiều doanh nghiệp. Một trong những lợi ích điển hình là giúp doanh nghiệp cắt giảm những loại phí không cần thiết, nâng cao năng suất lao động, từ đó giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm.

Lean được sử dụng rộng rãi nhất trong các ngành công nghiệp thiên về lắp ráp hoặc có quy trình nhân công lặp đi lặp lại.
Lean được sử dụng rộng rãi nhất trong các ngành công nghiệp thiên về lắp ráp hoặc có quy trình nhân công lặp đi lặp lại.

Hiệu quả từ Lean

Lean là hệ thống các nguyên lý và công cụ định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động. Bằng việc áp dụng các nguyên lý, công cụ này vào sản xuất, doanh nghiệp có thể nhìn thấy và loại bỏ các hoạt động thừa, không tạo thêm giá trị cho khách hàng nhưng lại làm tăng chi phí trong chuỗi các hoạt động sản xuất.

Nói cách khác, áp dụng Lean nhằm loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng tinh gọn, không có lãng phí, rút ngắn thời gian cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng.

Lean được sử dụng rộng rãi nhất trong các ngành công nghiệp thiên về lắp ráp hoặc có quy trình nhân công lặp đi lặp lại. Trong những ngành công nghiệp này, tính hiệu quả và khả năng chú tâm vào chi tiết của công nhân khi làm việc với các công cụ thủ công hoặc vận hành máy móc có ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Lean đặc biệt thích hợp cho các công ty chưa có hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) hoặc chưa có hệ thống để hoạch định yêu cầu vật tư (MRP), lịch sản xuất hay điều phối sản xuất. Lý do là bởi, Lean loại bỏ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử sản xuất và cân bằng chuyền kém.

Cạnh đó, Lean cũng thích hợp cho các ngành có chiến lược ưu tiên việc rút ngắn thời gian chu kỳ sản xuất tới mức tối thiểu để tạo được thế mạnh trong cạnh tranh cho công ty.

Lean có thể áp dụng rộng rãi cho doanh nghiệp có quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau, từ các ngành dịch vụ, thiết kế, quản lý chất lượng, đến công nghệ thông tin, quản trị nhân sự…

Tuy nhiên, Lean sẽ phát huy hiệu quả cao nhất đối với các loại hình sản xuất thủ công, sử dụng nhiều lao động, có nhiều nguyên công trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ.

Lean sẽ phát huy hiệu quả cao nhất đối với các loại hình sản xuất sử dụng nhiều lao động, có nhiều nguyên công trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Ảnh: Internet
Lean sẽ phát huy hiệu quả cao nhất đối với các loại hình sản xuất sử dụng nhiều lao động, có nhiều nguyên công trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Ảnh: Internet

Nhiều doanh nghiệp Việt "hào hứng" với Lean

Lean đang được áp dụng ngày càng rộng rãi tại các công ty sản xuất hàng đầu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Những lợi ích điển hình cho doanh nghiệp khi áp dụng Lean trong sản xuất có thể kể tới như: Chi phí sản xuất được tối ưu hóa nhờ cắt giảm những loại phí không cần thiết như phí tồn kho, vận chuyển, chờ đợi…; từ đó giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra, nâng cao biên lợi nhuận.

Ngoài ra, việc sắp xếp các quy trình lưu chuyển hiệu quả cũng giúp doanh nghiệp loại bỏ các trường hợp ùn tắc, những thao tác không cần thiết trong dây chuyền và gia tăng tối đa hiệu suất sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Giải pháp quản lý tinh gọn Lean cũng giảm phế phẩm và sự lãng phí hữu hình không cần thiết, nâng cao tính linh động trong sản xuất. Thông qua hướng việc sản xuất dựa theo nhu cầu, doanh nghiệp sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng…

Gần đây, một vài doanh nghiệp trong nước đã chủ động tiến hành đào tạo và áp dụng các phương pháp Lean nhằm loại trừ những bất hợp lý trong hoạt động kinh doanh, cải thiện thời gian quy trình sản xuất, dịch vụ.

Ví dụ điển hình có thể kể tới như, Toyota Bến Thành qua quá trình áp dụng Lean đã giảm thiểu đáng kể quy trình dịch vụ bảo trì xe từ 240 phút xuống chỉ còn 40 - 50 phút cho mỗi xe.

Một trường hợp khác khác là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo - Công ty TNHH Thắng Lợi (Vico). Năng suất lao động của công ty đã tăng từ 20-25% sau 5 năm áp dụng Lean.

Đáng chú ý, nhiều vấn đề tồn đọng trong các doanh nghiệp như thất thoát nguyên liệu, lãng phí thời gian di chuyển trong xưởng sản xuất hay tai nạn lao động do sắp xếp nhà xưởng không khoa học đều được loại bỏ.

Môi trường lao động an toàn, hiệu quả của doanh nghiệp đã kích thích cán bộ công nhân viên tích cực tư duy, tiếp tục nghiên cứu cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều ý tưởng trong số đó đã được triển khai thực hiện có hiệu quả…