Áp dụng thành công các công cụ cải tiến để hợp lý hóa sản xuất
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống quản lý, công cụ cải tiến để đạt kết quả tốt hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp đang áp dụng đồng thời các tiêu chuẩn như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành ISO/TS 16949 đối với ngành công nghiệp ô tô; ISO/TS 29001 đối với ngành công nghiệp dầu khí; ISO 13485 đối với ngành sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế…
Song song với đó, một số doanh nghiệp còn tích cực áp dụng các công cụ cải tiến như 5S, duy trì Hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM), Hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean), Hệ thống chỉ số hoạt động kinh doanh chính (KPIs)…
Các doanh nghiệp áp dụng và tích hợp vận hành các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sẽ tạo dựng được sự nhất quán trên nhiều phương diện và các bộ phận chức năng, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động.
Nhiều chuyên gia đánh giá, muốn đất nước phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và từng ngành, từng doanh nghiệp, dòng sản phẩm nói riêng.
Trong đó, việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đầu tư chuyển đổi số, hệ thống quản trị, quản lý là giải pháp góp phần giúp các doanh nghiệp ngành công nghiệp cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng.
Ví dụ điển hình cho việc áp dụng thành công các công cụ cải tiến để hợp lý hóa sản xuất, tiết giảm lãng phí, nâng cao năng suất lao động là trường hợp Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên (Fomeco).
Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng, chi tiết cho các sản phẩm ô tô, xe máy, vòng bi, sản phẩm cơ khí…
Thời gian qua, Fomeco liên tục áp dụng đồng thời 5S và Kaizen vào sản xuất. Đây là những phương pháp quản lý bắt nguồn từ Nhật Bản.
Trong đó, 5S là phương pháp quản lý giúp tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, thoáng đãng, tiện lợi; còn Kaizen là triết lí về sự cải tiến không ngừng. 5S và Kaizen là 2 yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động và tạo nên văn hoá doanh nghiệp.
Tại Fomeco, tất cả thành viên trong doanh nghiệp đều chủ động tổ chức chỗ làm việc ngăn nắp, sạch sẽ, giảm thiểu thời gian lãng phí, đảm bảo an toàn lao động, phát huy sáng tạo.
Nhờ đó, trong 5 năm liền, doanh số bán hàng của có mức tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm. Đây là mức tăng khá cao đối với một đơn vị có doanh số tương đối lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Để giảm giá thành và đáp ứng tiến độ giao hàng, công ty không ngừng đầu tư cải tiến, nâng cao mức độ tự động hóa. Hơn 80% thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất, thiết bị kiểm tra, bao gói đã được tự động hóa, phần lớn do công ty tự sáng chế.
Để có chất lượng ổn định, không phụ thuộc yếu tố chủ quan của con người, tự động hóa có vai trò quyết định.