Áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp


ISO 9001:2015 là tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống quản lý chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành, có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực và quy mô hoạt động của doanh nghiệp/tổ chức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nền tảng đầu tiên giúp nâng cao năng lực của bộ máy quản lý doanh nghiệp 

Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 không giới hạn tuổi đời của doanh nghiệp/tổ chức, có thể áp dụng đối với doanh nghiệp/tổ chức có tuổi đời hoạt động đã lâu hoặc mới thành lập.

Tiêu chuẩn này đưa ra các chuẩn mực để xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng một cách khoa học để kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa sai lỗi, sản xuất/cung cấp sản phẩm/dịch vụ chất lượng thỏa mãn khách hàng một cách ổn định, tiêu chuẩn ISO 9001:2015 không phải là tiêu chuẩn dành cho sản phẩm.

Dự kiến, tại tỉnh Bắc Kạn sẽ có 92 cơ quan đơn vị thực hiện chuyển đổi, xây dựng mới TCVN ISO 9001:2015 trong năm 2020, trong đó 65 xã, thị trấn, 27 cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện.

Theo các chuyên gia, một khi một doanh nghiệp/tổ chức áp dụng ISO 9001:2015 sẽ tạo được cách làm việc khoa học, tạo ra sự nhất quán trong công việc, chuẩn hóa các quy trình hoạt động, loại bỏ được nhiều thủ tục không cần thiết, ngăn ngừa những rủi ro trong quá trình hoạt động, rút ngắn thời gian và giảm chi phí phát sinh do xảy ra những sai lỗi hoặc sai sót trong công việc, đồng thời làm cho năng lực trách nhiệm cũng như ý thức của cán bộ, công nhân viên nâng lên rõ rệt.

Chính nhờ những tác dụng ấy mà ISO 9001:2015 hiện nay được xem là một trong những giải pháp căn bản nhất, là nền tảng đầu tiên để nâng cao năng lực của bộ máy quản lý doanh nghiệp và tăng khả năng phát triển của doanh nghiệp/tổ chức.

Thực tiễn cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp khi muốn cải tổ bộ máy, nâng cao năng lực cạnh tranh đều chọn áp dụng ISO 9001:2015 cho doanh nghiệp mình, sau đó lần lượt áp dụng các hệ thống tiên tiến hơn như TQM (quản lý chất lượng toàn diện), Lean manufacturing (sản xuất tinh gọn), 6 sigma (triết lý cải tiến theo nguyên lý 6 sigma)…

Nhìn từ thực tiễn địa phương

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn, trước những tác dụng to lớn trong việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 mang lại, trong thời gian tới đây, địa phương này sẽ triển khai nội dung Kế hoạch xây dựng mới, áp dụng TCVN ISO 9001:2015 tại 65 Ủy ban nhân dân xã, thị trấn.

Đồng thời, sẽ giới thiệu Hệ thống quản lý chất lượng, nội dung công việc thực hiện xây dựng, áp dụng mới ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; Bồi dưỡng việc áp dụng, duy trì, cải tiến và công bố phù hợp Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; Hướng dẫn xây dựng và cập nhật hệ thống tài liệu; Hướng dẫn đánh giá nội bộ, họp xem xét của lãnh đạo...

Cũng theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn, tính đến tháng 7/2020, toàn Tỉnh mới chỉ có 52 cơ quan, đơn vị đang áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, trong đó, có 43 cơ quan hành chính cấp xã, phường, 09 cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Dự kiến, sẽ có 92 cơ quan đơn vị thực hiện chuyển đổi, xây dựng mới TCVN ISO 9001:2015 trong năm 2020, trong đó 65 xã, thị trấn, 27 cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện.

Việc triển khai nội dung Kế hoạch xây dựng mới, áp dụng TCVN ISO 9001:2015 tại 65 Ủy ban nhân dân xã, thị trấn thuộc tỉnh Bắc Cạn được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát được quá trình giải quyết công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.

Sự khác biệt lớn giữa ISO 9001:2015 và ISO 9001:2008 đó là tiêu chuẩn ISO 9001:2015 yêu cầu doanh nghiệp/tổ chức phải có “tư duy rủi ro” trong mọi hoạt động và quá trình của doanh nghiệp /tổ chức, doanh nghiệp/tổ chức phải áp dụng các phương pháp, kỹ thuật đánh giá rủi ro để nhận diện ra được các rủi ro tiềm ẩn gây thiệt hại không thể chấp nhận được cho doanh nghiệp/tổ chức, để từ đó tăng cường biện pháp kiểm soát, biện pháp quản lý, biện pháp ngăn ngừa giúp cho mọi nhân viên và tất cả các cấp phòng ban của doanh nghiệp/tổ chức có thể giảm thiểu tối đa sai sót, giảm tối đa thiệt hại và tăng khả năng làm việc hiệu quả, giúp cho doanh nghiệp/tổ chức không chỉ luôn “thỏa mãn khách hàng” mà còn đáp ứng được “kết quả mong đợi của Hệ thống quản lý chất lượng”.