Áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ gia tăng trong thời gian tới

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Cùng với sự lên giá của USD, việc VND giảm giá để tăng sức cạnh tranh là xu thế trong tương lai. Vì vậy, cần tránh đánh đồng một cách tâm lý giữa việc tỷ giá giảm/biên độ dao động tăng và sự ổn định, phát triển của nền kinh tế.

Cùng với sự lên giá của USD, việc VND giảm giá để tăng sức cạnh tranh là xu thế trong tương lai.
Cùng với sự lên giá của USD, việc VND giảm giá để tăng sức cạnh tranh là xu thế trong tương lai.

Báo cáo nhanh Đánh giá ảnh hưởng của sự kiện phá giá đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc) đến Việt Nam của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết.

Trong vẻn vẹn 3 ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) đã làm rúng động thị trường tài chính toàn cầu bằng việc phá giá 4,7% đồng Nhân dân tệ (RMB), thông qua 3 lần điều chỉnh liên tiếp vào ngày 11, 12 và 13/8/2015. Thị trường chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa giảm mạnh trước lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đặc biệt là một cuộc chiến tranh tiền tệ có thể khơi mào từ chính sách tiền tệ của Bắc Kinh.

Sẽ có những bất lợi cho hàng Việt

Theo BSC, Việt Nam sẽ đối với mặt với bất lợi trong bối cảnh đồng RMB bị phá giá do hai nguyên nhân cơ bản: Trung Quốc là đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường quốc tế khá tương đồng so với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu.

BSC cho rằng, đồng RMB phá giá sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc. Bởi Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm nay và đồng thời chiều chủ đạo là từ Trung Quốc sang Việt Nam.

“Trong bối cảnh hiện nay, tốc độ nhập siêu từ thị trường láng giềng này nhiều khả năng tiếp tục gia tăng và Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết được bài toán lệ thuộc về nhập khẩu này”, Báo cáo của BSC nhận định.

Cụ thể hơn, sự kiện đồng RMB phá giá sẽ càng kích thích hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam, từ nguyên nhiên vật liệu, máy móc công cụ phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, khiến cho sức cạnh tranh của hàng nội địa giảm trên chính thị trường trong nước.

Tại chiều ngược lại, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng nội địa nước này, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản, nguyên liệu thô vốn là các mặt hàng tiêu thụ tại Trung Quốc.

Hơn nữa, hoạt động thương mại đối với các thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ gánh chịu áp lực cạnh tranh đáng kể do hàng Việt xuất đi có đặc tính khá tương đồng với hàng Trung Quốc. Ngoài sản phẩm điện tử, linh kiện, các mũi nhọn xuất khẩu Việt Nam như dệt may, da dày, nông lâm thủy sản là những mặt hàng xuất khẩu chịu tác động đầu tiên.

Bên cạnh đó, một khả năng đáng lưu ý được BSC đề cập là có thể xảy ra: việc các nước xuất khẩu khác trong khu vực có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình nhằm bảo vệ sức canh tranh xuất khẩu của họ. Nếu trường hợp này xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh thêm từ các quốc gia khác.

Không nên quá bi quan với tỷ giá trongtrung và dài hạn

Ngày 12/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đãđiều chỉnh nâng biên độ tỷ giá từ mức +-1% lên +-2%. Theo đánh giá của BSC, sự điều chỉnh này là cần thiết nhằm bảo vệ sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, động thái này của NHNN có vai trò như một bước đệm nhằm đảm bảo tâm lý thị trường trước diễn biến tỷ giá phức tạp của thị trường tiền tệ thế giới gần đây. Sự tăng giá của USD trong nửa đầu năm 2015, nỗ lực hạ lãi suất tiền VND đã khiến NHNN sử dụng hết 2% dư địa cam kết từ đầu năm.

Do đó, "việc NHNN điều chỉnh tỷ giá bằng biện pháp nâng biên độ kỹ thuật có thể chấp nhận được, giúp thị trường ngoại hối Việt Nam tự điều chỉnh dần trong ngắn hạn", Báo cáo của BSC cho biết.

Công ty này còn cho rằng, trung và dài hạn không nên quá bi quan với tỷ giá.

BSC phân tích, đa số các quốc gia trên thế giới đều duy trì chính sách đồng tiền biến động theo thị trường, thay vì coi việc neo tỷ giá là thước đo cho sự ổn định của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, ngay cả các quốc gia phát triển cũng theo đuổi chính sách đồng nội tệ yếu để thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu, khiến áp lực cạnh tranh lên các doanh nghiệp nội tăng lên. Cùng với sự lên giá của USD, việc VND giảm giá để tăng sức cạnh tranh là xu thế trong tương lai. Do vậy, cần tránh đánh đồng một cách tâm lý giữa việc tỷ giá giảm/biên độ dao động tăng và sự ổn định, phát triển của nền kinh tế.

“Điều quan trọng nhất là Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tốt phục hồi nền kinh tế vĩ mô, khi các chỉ tiêu quan trọng như GDP, CPI, PMI, dự trữ ngoại hối, tín dụng, lãi suất vẫn đang diễn biến tốt. Nếu chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt và thị trường thì sẽ đưa Việt Nam vào một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới và bền vững trong khi đa số đối thủ cạnh tranh đang bước vào chu kỳ suy giảm”, BSC lý giải thêm.