Nhân dân tệ hạ giá, Đông Nam Á lao đao
Liên tiếp trong ba ngày 11, 12 và 13.8, Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ (NDT) và đồng USD theo hướng “có lợi” cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Quyết định của Bắc Kinh đang tác động mạnh mẽ tới các nước láng giềng, vốn lệ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc.
Hiệu ứng domino
Nhật báo Wall Street Journal cho rằng, quyết định phá giá sâu của Trung Quốc đã dẫn đến hiệu ứng domino đối với một loạt đồng tiền trong khu vực. Ngay sau khi Bắc Kinh hạ giá đồng nhân dân tệ, đồng ringgit của Malaysia đã giảm khoảng 2% giá trị so với đồng USD.
Với tỷ giá 4,0375 ringgit mới đổi được 1 USD, đồng tiền Malaysia đã ở mức thấp nhất kể từ khi bùng lên cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 đến nay.
Tương tự như vậy, đồng rupiah của Indonesia cũng rơi xuống mức của năm 1998, với 13.789 rupiah đổi được 1 USD, trong khi tiền đồng Việt Nam thì giảm giá 1%, tuột xuống mức 1 USD đổi được 22.040 đồng.
Ngoài ba nước trên, một loạt đồng tiền khác trong khu vực như đồng won Hàn Quốc, đồng rupee của Ấn Độ, đồng dollar Australia, và đồng yen Nhật Bản cũng bị sụt giá.
Theo Wall Street Journal, đồng tiền quốc gia bị sụt giá đã dẫn đến tình trạng bấp bênh mà các nước liên can cần nhanh chóng ổn định. Việt Nam là nước đã tung ra biện pháp phòng thủ rõ nét nhất, với quyết định ngày 12.8 là mở rộng từ 1% lên 2% biên độ tỷ giá tiền đồng Việt Nam so với đồng USD.
Động thái của Trung Quốc cũng ngay lập tức đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ngoại hối và chứng khoán trong khu vực châu Á, trong đó có Singapore.
Trong hai ngày giao dịch đầu tiên của tuần này, thị trường chứng khoán Singapore giảm mạnh tới hơn 4%. Các chuyên gia nhận định, hiện tượng bán tháo các cổ phiếu ngân hàng trong hai ngày trước phản ánh tâm lý hơi thái quá của thị trường trước việc đồng NDT giảm giá, bởi thực tế nền tảng kinh doanh và triển vọng hoạt động của các ngân hàng luôn trong diện top đầu.
Theo các chuyên gia, nếu các bất ổn này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như tâm lý của người tiêu dùng, dẫn đến tiêu thụ hàng hóa chậm trễ và các hoạt động kinh tế trì trệ.
Những điều này nếu xảy ra sẽ khiến nền kinh tế lớn hơn có thể bị tổn thương hơn nữa trong bối cảnh triển vọng toàn cầu vẫn khá chậm chạp. Đây được coi là yếu tố khá “nhạy cảm” bởi kinh tế Singapore vốn đang trong quá trình tái cơ cấu và các cơ quan quản lý của nước này vừa phải điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay từ khoảng 2 - 4% xuống còn khoảng 2 - 2,5%.
Đồng NDT yếu đi cũng sẽ khiến giá cả các hàng hóa của Singapore trở nên đắt hơn so với Trung Quốc, và làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Singapore so với các quốc gia khác cũng đang có quan hệ thương mại với Trung Quốc. Du lịch cũng có thể bị tác động, đặc biệt là lượng khách Trung Quốc đến Singapore.
Hệ quả đối với chính sách khu vực của Trung Quốc
Việc Bắc Kinh phải dùng đến vũ khí đồng NDT để tự cứu mình có thể có hệ quả không tốt cho chính sách khu vực của Chủ tịch Tập Cận Bình, hiện đang rất muốn dùng lợi ích kinh tế để thuyết phục các nước hậu thuẫn cho định chế tài chính đa phương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á mà Trung Quốc mới thành lập, cũng như ủng hộ Trung Quốc trong việc đòi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công nhận đồng NDT là ngoại tệ dự trữ toàn cầu.
Để lôi kéo các nước láng giềng, vào tháng 3, ông Tập Cận Bình đã đưa ra ba con số: 10.000 tỷ USD hàng hóa nhập vào Trung Quốc trong 5 năm tới, 500 tỷ USD đầu tư ra ngoài nước và 500 triệu chuyến du lịch của người Trung Quốc ra nước ngoài.
Thế nhưng, với đồng NDT suy yếu, sức mua của Trung Quốc suy giảm, du khách Trung Quốc cũng ít đi. Chính vì thế mà các chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu ngân hàng ANZ vào ngày 12.8 đã dựa trên sự kiện đồng NDT bị phá giá để cắt giảm từ 0,5% đến 0,75% tỷ lệ tăng trưởng dự kiến năm 2015 cho một số nước châu Á.