Vì sao Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ?
Việc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá đồng Nhân dân tệ (RMB) được ví như liều thuốc “kháng sinh mạnh” nhằm cứu nền kinh tế quốc dân sau khi xuất hiện những chỉ số “xấu” về mọi mặt.
Ngày 11/8, PBOC đã quyết định hạ giá đồng RMB xuống gần 2% so với đồng USD, nói là để khắc phục tình trạng yếu kém của nền kinh tế và là bước đi nhằm hướng tới cải cách hệ thống tiền tệ.
Động thái này khiến đồng RMB của Trung Quốc bị hạ xuống mức thấp nhất so với cách đây 3 năm.
Sau khi PBOC chủ động điều chỉnh hạ giá 1,9% đồng RMB theo mục tiêu điều hành vào ngày 11/8, liên tiếp sau đó, đồng RMB tiếp tục giảm giá 1,6% trong ngày 12/8 và 1,1% trong ngày 13/8.
Như vậy, chỉ trong 3 ngày, đồng RMB đã mất giá tổng cộng 4,6%, làm dấy lên lo ngại rằng tỷ giá đồng tiền này sắp tới sẽ rơi tự do.
Theo New York Times, có 2 lý do khiến Chính phủ Trung Quốc muốn hạ giá nội tệ đến vậy. Một là để thúc đẩy nền kinh tế, duy trì tăng trưởng và việc làm. Hai là nâng cao quyền lực cho đồng RMB, giúp nước này dễ dàng thực hiện các mục tiêu ngoại giao và củng cố vai trò trung tâm của họ trên nền kinh tế toàn cầu. Mục tiêu của họ là RMB được chấp nhận làm đồng tiền thanh toán, đầu tư và dự trữ tại nhiều khu vực trên thế giới.
Khắc phục suy giảm kinh tế
Trung Quốc đang trong thời kỳ khó khăn khi tăng trưởng đã giảm từ hai chữ số vài năm trước, xuống chỉ còn 7% trong thời gian gần đây. Mô hình phát triển dựa chủ yếu vào đầu tư và xuất khẩu cũng đã mất tác dụng. Trung Quốc là quốc gia sống nhờ xuất khẩu, tuy nhiên, trong tháng 7, ngành xuất khẩu Trung Quốc đã giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ số giá sản xuất cũng đang hướng tới năm giảm thứ 4 liên tiếp.
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đã buộc phải chọn thời điểm này phá giá đồng RMB, nhằm nỗ lực hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu trong nước. Quyết định này sẽ làm tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ 6 năm trở lại đây.
Các số liệu kinh tế được coi là ảm đạm như: xuất khẩu sụt giảm, hoạt động sản xuất tăng trưởng yếu hơn dự báo, tín dụng cũng tăng trưởng chậm lại. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang cố gắng cân bằng giữa kích cầu kinh tế và cắt giảm đầu tư dựa vào vay nợ.
Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chững lại và suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành vấn đề cấp bách nhất cần xử lý bằng công cụ tỷ giá.
Động thái nêu trên cũng làm dấy lên sự nghi ngờ về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời tác động trực tiếp lên đồng tiền của cả đối thủ cạnh tranh và đối tác thương mại.
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Thành, nếu phần ngoại tệ đang chảy khỏi Trung Quốc chủ yếu đến từ việc rút vốn, thì động thái giá trị đồng RMB giảm dần, sẽ khiến dòng vốn chảy ra nhanh hơn. Việc rút vốn này có thể nhanh hơn sự phục hồi trong xuất khẩu ròng. Như thế, đồng RMB sẽ tiếp tục xuống giá. Việc xuống giá này, như vậy, phản ánh những nền tảng căn bản của nền kinh tế Trung Quốc đang bị xói mòn. Điều này nghiêm trọng hơn nhiều bài toán phục hồi xuất khẩu.
Nâng cao giá trị đồng RMB
Trung Quốc đang muốn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế toàn cầu. Và một trong những mảnh ghép quan trọng để làm được điều đó là đưa RMB thành tiền tệ dự trữ. Lợi ích của USD Mỹ và Euro đã vượt xa biên giới quốc gia. Và Trung Quốc cũng muốn RMB có vai trò tương tự trong tài chính và thương mại toàn cầu, đặc biệt là tại châu Á.
Tuy nhiên, RMB không thể trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu khi Trung Quốc vẫn duy trì cơ chế kiểm soát mà họ cho là cần thiết để quản lý kinh tế trong nước. Đồng USD sẽ không đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu, nếu Mỹ không cho phép tự do trao đổi với các tiền tệ khác, và không sử dụng luật pháp, can thiệp để giữ giá không biến động theo thị trường.
Nói cách khác, Trung Quốc vừa muốn đạt mục đích ngoại giao khi RMB trở thành tiền tệ quan trọng trên thế giới, vừa không muốn kinh tế trong nước phải trả giá.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố RMB vẫn chưa sẵn sàng để được bổ sung vào rổ tiền tệ dự trữ trong Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của cơ quan này. Rổ này hiện gồm USD, Euro, Yen Nhật và Bảng Anh. Tổng giám đốc IMF - bà Christine Lagarde cho biết, Trung Quốc cần khiến tiền tệ của mình “được sử dụng tự do hơn”. Và động thái hạ giá để RMB gần hơn với thị trường, chính là một nước đi để đạt được điều đó.
IMF đã rất hoan ngênh việc làm này. Goldman Sachs cũng nhận định hạ giá RMB sẽ giúp nước này linh hoạt hơn khi đối phó với đồng Đôla mạnh, trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị tăng lãi suất.
Dù vậy, việc này cũng không có nghĩa Trung Quốc không phải trả giá. Nội tệ yếu cũng có nghĩa lạm phát nước này sẽ tăng lên. Đồng thời, khối nợ nước ngoài của các công ty cũng nặng theo khi phải đổi RMB ra USD. Việc này có thể châm ngòi cho nhiều vụ phá sản. Quan trọng hơn cả, trong dài hạn, khi Trung Quốc thả nổi tiền tệ, họ sẽ phải từ bỏ công cụ quan trọng đã sử dụng nhiều năm nay để quản lý kinh tế trong nước và bảo vệ quốc gia khỏi các tác động bên ngoài. Chính phủ Trung Quốc vẫn thường lưỡng lự trong việc từ bỏ quyền lực này. Đó là lý do vì sao động thái của họ 2 ngày nay khiến thị trường sửng sốt.