AP News: Việt Nam là hình mẫu của tăng trưởng

Theo Châu Anh/AP News/ndh.vn

Theo AP News, Việt Nam, địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, là biểu tượng cho sự tăng trưởng.

GDP của Việt Nam thuộc khối 50 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nguồn: Internet
GDP của Việt Nam thuộc khối 50 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nguồn: Internet

Việt Nam thống nhất Bắc – Nam vào năm 1975. Vào giữa những năm 1980, Việt Nam nắm bắt xu hướng thương mại toàn cầu, trở thành nơi đặt nhà máy của tập đoàn Samsung và nhiều doanh nghiệp khác. Chương trình cải cách “Đổi mới” học tập từ kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, có thể trở thành mô hình để Triều Tiên kế thừa.

1. Tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam ước tính hơn 7%, được thúc đẩy bởi quá trình gia tăng sản lượng sản xuất. GDP của Việt Nam thuộc khối 50 nền kinh tế hàng đầu thế giới, đạt 238 tỷ USD vào năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, trong khi tuổi thọ trung bình tăng lên 76 năm.

2. Yếu tố “Samsung”

Việt Nam thu hút đầu tư mạnh mẽ từ tập đoàn Samsung – nhà sản xuất chip máy tính và điện thoại di động lớn nhất thế giới. Samsung mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2009. Hiện tại, có hơn 100.000 nhân sự đang làm việc trong các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.

Năm 2017, công ty này đóng góp tới 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo nhiều nguồn tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể tới thăm nhà máy lớn nhất của Samsung đặt tại tỉnh Bắc Ninh trong chuyến công du tới Việt Nam. Samsung hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào.

3. Sản lượng xuất khẩu cao

Sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam tận dụng các ưu đãi thuế quan nhằm đưa sản lượng xuất khẩu tăng vọt. Trong khi đó, các nhà sản xuất từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc liên tục đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi từ mức chi phí thấp hơn cũng như các ưu đãi từ thị trường này.

Năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam đạt 214 tỷ USD, tăng hơn 1/5 so với năm trước. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam, với gần 42 tỷ USD trong năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm điện tử, giày dép và may mặc.

4. Thách thức

Mức thu nhập tại Việt Nam hiện chỉ đạt mức trung bình. Việt Nam đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất nhằm đảm bảo đời sống người dân được cải thiện. Các nhà kinh tế cho biết năng suất của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc và thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển.

Sự phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông, bất đồng chính trị. Nghèo đói ở nông thôn, ô nhiễm môi trường và tham nhũng là những mối quan tâm hàng đầu. Hiện tại, Việt Nam tiếp tục cải tổ việc độc quyền nhà nước trong ngành công nghiệp.