Từ năm 2020, chính thức cập nhật quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát


Để thực hiện Đề án thống kê kinh tế chưa được quan sát vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Thống kế (Bộ kế hoạch và Đầu tư) sẽ khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết, toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của 3 khu vực kinh tế; loại hình sở hữu; ngành nghề lĩnh vực và địa bàn..., từ đó xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa quan sát được.

Năm 2020 sẽ đo lường chính thức quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế nước ta, cập nhật vào tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn: Internet
Năm 2020 sẽ đo lường chính thức quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế nước ta, cập nhật vào tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn: Internet

Đó là thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết tại buổi họp báo về Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát tổ chức sáng 20/02/2019.

Theo Tổng cục Thống kê, phạm vi của khu vực kinh tế chưa quan sát được gồm: Hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế bất hợp pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức, hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu, hoạt động kinh tế bị bỏ sót.

Để thực hiện đề án thống kê kinh tế chưa được quan sát, các cơ quan thực hiện sẽ phải xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, đảm bảo toàn diện, khả thi và phù hợp. Các hình thức được sử dụng như điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin...

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, "Đã là kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp thì người ta không bao giờ khai báo. Đây là thách thức đối với ngành thống kê".

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê, cập nhật lý luận, phương pháp nghiệp vụ tiên tiến và kinh nghiệm đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát của các nước, hướng tới thực hiện mục tiêu nâng mức độ biên soạn Hệ thống tài khoản quốc gia của Thống kê nước ta theo Khung đánh giá của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc từ mức 2/6 năm 2008, lên đạt mức 4/6 vào năm 2020 và mức 6/6 vào năm 2030 đề ra trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trước mắt, ngay trong năm 2019 sẽ hoàn thành nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm quốc tế, xác định phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế nước ta, lựa chọn phương pháp đo lường, tiến hành đo lường thử nghiệm và đánh giá kết quả. Năm 2020 sẽ đo lường chính thức, cập nhật vào tổng sản phẩm trong nước (GDP), các địa bàn tỉnh, thành phố, chỉ tiêu kinh tế xã hội.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) sẽ là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm nghiên cứu cơ sở lý luận đo lường và xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và lựa chọn phương pháp đo lường, đảm bảo không bỏ sót, tính trùng. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm đo lường thử nghiệm từ năm 2019, và chính thức từ 2020. Giữa các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Hàng năm, các số liệu trên sẽ được cập nhật vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác. Số liệu ước tính, sơ bộ, chính thức... sẽ lần lượt được công bố vào quý I, II; 6 tháng; quý III; 9 tháng và cả năm theo Luật Thống kê.