APO thực hiện đánh giá nhu cầu quản lý đổi mới sáng tạo

Nguyễn Linh

Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã xuất bản thành công nghiên cứu về Đánh giá nhu cầu quản lý đổi mới sáng tạo.

Nội dung nghiên cứu được tập trung vào nhu cầu quản lý đổi mới sáng tạo dựa trên bộ tiêu chuẩn ISO 56000 của tổ chức/doanh nghiệp tại 10 nước thành viên APO.
Nội dung nghiên cứu được tập trung vào nhu cầu quản lý đổi mới sáng tạo dựa trên bộ tiêu chuẩn ISO 56000 của tổ chức/doanh nghiệp tại 10 nước thành viên APO.

Đặc biệt hơn, đây là sáng kiến đề xuất của Việt Nam với vai trò Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021 và là dự án nghiên cứu đầu tiên của APO do chuyên gia Việt Nam làm Trưởng dự án nghiên cứu.

Nghiên cứu cung cấp một hướng dẫn và lộ trình cụ thể để đánh giá, thực hiện và đạt được sự đổi mới trong kinh doanh sử dụng Hệ thống quản lý đổi mới ISO 56000.

Mục tiêu của dự án nghiên cứu bao gồm: Xác định nhu cầu và động lực chính cho tăng trưởng năng suất ở các nước thành viên của APO thông qua quản lý đổi mới sáng tạo; Đánh giá thực trạng tình hình áp dụng Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo (ISO 56000) tại các nước thành viên APO; Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo ở các nước thành viên.

Nội dung nghiên cứu được tập trung vào nhu cầu quản lý đổi mới sáng tạo dựa trên Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 của tổ chức/doanh nghiệp tại 10 nước thành viên APO, đưa ra cái nhìn tổng quan của từng nền kinh tế qua việc thực hiện nghiên cứu với các chỉ số đánh giá cụ thể dựa trên các điều khoản của tiêu chuẩn ISO 56002:2019.

Dự án nghiên cứu được kỳ vọng là tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn về Quản lý đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Mục tiêu chung cho nhóm nghiên cứu trong dài hạn là đưa ra những khuyến nghị cho APO về các chương trình đào tạo và các dự án triển khai áp dụng Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo tại tổ chức/doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Tầm nhìn APO đến năm 2025.

Trong 2 năm qua, Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đã trải qua đại dịch COVID-19 toàn cầu với ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, từ sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, phát triển tới mọi mặt của đời sống, trong đó có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, đầu tư cho đổi mới sáng tạo vẫn được duy trì trong suốt 2 năm vừa qua cho thấy, chỉ có đầu tư vào đổi mới sáng tạo mới là một trong những hướng đi bền vững cho thế giới cũng như cho Việt Nam trong việc chống chọi với đại dịch COVID-19.