Australia và Mỹ phòng tránh rủi ro cho các ngân hàng

Theo thoibaonganhang.vn

Các ngân hàng Australia có một năm để điều chỉnh theo quy định mới trong đó yêu cầu các ngân hàng phải tăng tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc, động thái được cho rằng sẽ tác động mạnh tới lợi nhuận và đẩy lãi suất cho vay thế chấp tăng lên, qua đó hạn chế tình trạng đổ xô đầu tư vào thị trường bất động sản mà có thể dẫn tới nguy cơ bong bóng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

APRA - cơ quan giám sát các ngân hàng, tổ chức tín dụng, bảo hiểm... của Australia cho hay các ngân hàng lớn và công ty thế chấp Macquarie Group Ltd có thể phải tăng vốn trong tương lai, khi những nhà cho vay bất động sản không được tự quyết định mức dự trữ tiền mặt mà phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

APRA yêu cầu các ngân hàng nước này tới thời hạn tháng 7/2016 phải có tỷ lệ tiền dự trữ ở mức 25% (từ mức 16% tổng lượng tiền cho vay hiện nay) đối với các khoản tín dụng thế chấp.

Theo nhà phân tích TS Lim thuộc Bell Potter, các ngân hàng có đủ thời gian để ổn định tình hình và đã có sự chuẩn bị khá kỹ, với ANZ nói ngân hàng này cần huy động 2,3 tỷ AUD. Giá cổ phiếu của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, ngân hàng lớn nhất “xứ sở Chuột túi”, không tăng giảm trong phiên giao dịch ngày 20/7.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng Trung ương) vừa thông qua một quy định mới yêu cầu 8 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tăng lượng tiền dự trữ đề phòng rủi ro. 8 ngân hàng đó bao gồm: JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bank of New York Mellon, Citigroup và State Street.

Theo quy định mới, JPMorgans Chase và Citigroup là hai ngân hàng phải bổ sung thêm nhiều tiền vốn dự trữ nhất, trong bối cảnh các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ được yêu cầu tăng lượng tiền "đệm" cho các hoạt động mang tính rủi ro cao hoặc giảm bớt những hoạt động đó.

Yêu cầu nâng lượng tiền vốn dự trữ của các “đại gia” ngân hàng, được đưa ra để giảm thiểu rủi ro đối với sự ổn định tài chính Mỹ, gần giống với đề xuất của Fed hồi tháng 12 năm ngoái, khi cơ quan này yêu cầu các ngân hàng duy trì lượng tiền dự trữ của họ tương đương khoảng 1-4,5% tổng giá trị tài sản ngân hàng.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, các nhà quản lý ngân hàng đã rất nỗ lực để xác định các tổ chức tài chính quan trọng mà được cho là "quá lớn để sụp đổ", vì sự thành bại có khả năng tác động mạnh đến toàn bộ hệ thống tài chính.

Theo Chủ tịch Fed Janet Yellen, các doanh nghiệp đang đứng trước lựa chọn: Hoặc cần trữ một lượng vốn cao đáng kể để giảm thiểu khả năng thất bại, hoặc thu hẹp quy mô để làm giảm tác động lan tỏa đối với hệ thống tài chính ngân hàng.