Ba lĩnh vực đột phá để đổi mới và phát triển giáo dục đại học trong hệ thống ngành Tài chính (*)

PV

TCTC Online - Hòa chung không khí nô nức phấn khởi chào mừng ngày khai trường trên cả nước, sáng ngày 29/9/2012, trường Đại học Tài chính - Marketing trực thuộc Bộ Tài chính đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2012 - 2013. Thầy và trò nhà trường đã vinh dự được đón GS.,TS.Vương Đình Huệ, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới 2012 – 2013. Tại lễ khai giảng, cùng với sự biểu dương, ghi nhận, chúc mừng thầy và trò nhà trường bước vào năm học mới, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã có những chỉ đạo định hướng quan trọng với các giải pháp để phát triển hệ thống giáo dục ngành Tài chính. Tạp chí Tài chính trân trọng trích giới thiệu bài phát biểu này của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khai giảng trường Đại học Tài chính - Marketing
Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khai giảng trường Đại học Tài chính - Marketing
...Chúng ta bước vào năm học 2012 - 2013 với nhiều ý nghĩa đặc biệt. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ rõ: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”; “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược…”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, với yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng đã đặt ra nhiệm vụ và cũng là cơ hội để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Hội nhập quốc tế sâu, rộng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục đại học tiếp cận với những kiến thức mới, công nghệ hiện đại; mở rộng trao đổi kinh nghiệm và cơ hội tiếp cận, thu hút các nguồn lực bên ngoài cho phát triển giáo dục đại học.

Sắp tới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XI) sẽ xem xét Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đề án đề ra những nguyên tắc, quan điểm, nội dung, giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo nước ta trong giai đoạn phát triển mới.

 Những đổi mới về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và giáo dục đại học chính là điều kiện để hệ thống đại học, cao đẳng của ngành Tài chính có thêm cơ hội mới để phát triển.

Trên cơ sở các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành Tài chính đã xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 với nhiều nội dung, giải pháp cơ bản và quan trọng, trong đó xác định rõ mục tiêu phát triển nhân lực ngành Tài chính đến năm 2020 là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhằm đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi mới của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập quốc tế là khâu quyết định nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế, trong thời gian tới, định hướng đổi mới và phát triển giáo dục đại học trong hệ thống ngành Tài chính cần có những bước phát triển mang tính đột phá nhằm tạo đà cho sự thay đổi mạnh mẽ và vượt bậc, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực là hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ theo hướng chất lượng cao cho các ngành, chuyên ngành đào tạo, các lĩnh vực nghiên cứu mà các nhà trường có thế mạnh.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, đòi hỏi các Học viện, nhà trường trong hệ thống ngành Tài chính phải thể hiện quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển nguồn nhân lực với những cơ chế, cách làm cụ thể, phù hợp, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:

Một là, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, hoàn thiện hệ thống chính trị, tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng, tạo sự đồng thuận cao trong toàn thể cán bộ, giảng viên vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, phải tập trung trí tuệ và công sức của tập thể nhà giáo, các nhà khoa học để xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển Trường đến năm 2030.

Hai là, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, mang tính thực tiễn cao; đẩy mạnh công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục theo các tiêu chuẩn ngành và quốc tế, thực hiện công khai và cam kết chất lượng đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, bám sát định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra. Đổi mới mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường số công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng làm nền tảng cho đào tạo chất lượng cao, góp phần tích cực vào công tác hoạch định và điều hành chính sách của Ngành.

Ba là, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí, giảng viên, nghiên cứu viên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển của Nhà trường và của ngành Tài chính. Các thầy giáo, cô giáo của nhà trường phải thật sự tiêu biểu về tài năng, lòng say mê, ý thức trách nhiệm với công việc, về phẩm chất đạo đức, lối sống, là tấm gương để các em sinh viên, học viên noi theo; tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lí, cán bộ, viên chức Nhà trường phải là những tập thể đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trên tình đồng chí, đồng nghiệp.

Bốn là, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học một cách căn cơ với tầm nhìn chiến lược lâu dài. Cơ sở vật chất của hệ thống đại học, học viện của Ngành hiện nay nhìn chung chưa tương xứng với quy mô đào tạo, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường. Vì vậy, các nhà trường cần phát huy thế mạnh và các điều kiện thuận lợi, khai thác có hiệu quả tiềm năng của nhà trường; tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, Ngành và địa phương; tích cực, chủ động bằng nhiều nguồn vốn khác nhau để phát triển cơ sở vật chất phù hợp với quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Trường và của Ngành Tài chính…

Nguồn nhân lực là một trong những trụ cột chính quyết định sự thành công của mỗi quốc gia, cũng như mỗi địa phương trong quá trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; là nhân tố đóng vai trò quyết định tới sự phát huy các nguồn lực khác. Tin tưởng với quyết tâm chính trị cao của toàn ngành Tài chính, sự nỗ lực phấn đấu của tất cả hệ thống các trường đại học, cao đẳng, học viện của ngành Tài chính, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, ngành Tài chính sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đột phá “đầu tư phát triển nguồn nhân lực”, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

(*) - Nhan đề bài viết do Tạp chí Tài chính đặt