Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc
Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc bao gồm 07 tỉnh và thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh, là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, nằm ở vị trí trung tâm của sự giao lưu giữa vùng Tây Bắc với vùng Đông Bắc, giữa vùng núi phía Bắc với miền Trung, giữa các tỉnh phía Bắc với các tỉnh phía Nam. Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc là cửa ngõ vào - ra của các tỉnh phía Bắc Việt Nam, là nơi tập trung các tuyến đường, bến cảng hướng ra biển. Đặc biệt, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Đây là khu vực có những lợi thế, tiềm năng nổi trội để phát triển kinh tế du lịch.
Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc
Tài nguyên du lịch tự nhiên
Tài nguyên du lịch biển
Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Bắc có đường bờ biển tương đối dài, tập trung nhiều bãi tắm đẹp của miền Bắc với bờ cát trắng, nước trong xanh. Với tốc độ công nghiệp hóa khá cao, vùng vẫn giữ được môi trường sạch sẽ nên các bãi biển có giá trị cao trong khai thác phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, với đặc điểm khí hậu lạnh của miền Bắc, những tháng mùa đông và mùa thu, vùng chưa khai thác hiệu quả các loại hình du lịch tắm và nghỉ dưỡng trên biển. Các bãi tắm được đánh giá là đẹp nhất trong vùng như: bãi tắm ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), bãi tắm trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Trà Cổ (Quảng Ninh). Tuy nhiên, phần lớn các bãi tắm có diện tích nhỏ không đáp ứng được nhu cầu tăng cao của du khách vào mùa cao điểm. Các bãi tắm khác như Bãi Cháy (Quảng Ninh), Đồ Sơn (Hải Phòng) với diện tích khá lớn nhưng chất lượng chưa tốt nên giá trị khai thác du lịch chưa cao.
Hệ thống đảo ven bờ: Vùng KTTĐ phía Bắc tập trung nhiều đảo ven bờ ở hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đây là những tài nguyên du lịch có giá trị cao, có thể khai thác du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao trên biển. Các đảo lớn trong vùng có thể kể đến như: Cô Tô, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Tuần Châu (Quảng Ninh), Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Bên cạnh đó, các đảo nhỏ như đảo Vĩnh Thực (Quảng Ninh), đảo Hòn Dấu (Hải Phòng) với vẻ đẹp hoang sơ chưa bị tác động của con người có giá trị khai thác du lịch khám phá, du lịch biển.
Hệ thống hang động trên các đảo: Các hang động thạch nhũ trên các đảo với vẻ đẹp kỳ bí là những tài nguyên du lịch quan trọng thu hút du khách tới thăm quan, khám phá thiên nhiên như: hang Sửng Sốt (đảo Bồ Hòn), Động Thiên Cung (đảo Vạn Cảnh), hang Đầu Gỗ (đảo Đầu Gỗ) ở Quảng Ninh, hay các hang Thiên Long, Trung Trang, Quân Y, Hoa Cương ở đảo Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ, vịnh Lan Hạ (Hải Phòng).
Tài nguyên du lịch thuộc sông, hồ, suối nước nóng, nước khoáng
Vùng KTTĐ phía Bắc có hệ thống sông, suối, hồ phong phú như: Hồ Đại Lải, Đầm Vạc, Đầm Dưng (Vĩnh Phúc); hồ Đồng Mô, Hồ Tây, Quan Sơn, Suối Hai, Sông Hồng (Hà Nội); Sông Bạch Đằng (Hải Phòng); đặc biệt có suối khoáng nóng Quang Hanh (Quảng Ninh), suối khoáng nóng Tiên Lãng (Hải Phòng). Đây là những tài nguyên có giá trị trong khai thác phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, thăm quan, giải trí và đặc biệt là du lịch chữa bệnh.
Tài nguyên du lịch thuộc các khu rừng đặc dụng
Vùng KTTĐ phía Bắc có hệ sinh thái rừng phong phú bao gồm bốn Vườn Quốc gia là: Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội). Bốn khu vườn này có hệ sinh thái được bảo tồn nguyên sinh, nhiều loại động, thực vật nhiệt đới điển hình. Ngoài ra, vùng còn có các khu dự trữ sinh quyển như: Cát Bà (Hải Phòng), khu bảo tồn Yên Tử, Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh); các khu rừng văn hóa - lịch sử như Côn Sơn (Hải Dương), Hương Tích, Chùa Thầy (Hà Nội); rừng ngập mặn Vinh Quang - Tiên Lãng… Đây là những tài nguyên có giá trị cao trong phát triển loại hình du lịch sinh thái rừng của vùng.
Tài nguyên du lịch nhân văn
Vùng KTTĐ phía Bắc là nơi lưu giữ văn hóa đặc sắc, truyền thống của của dân tộc Việt, có nét văn hóa độc đáo nhờ vị trí thuận lợi về giao lưu và tiếp thu văn hóa của các vùng miền trong cả nước và trên thế giới; có bề dày văn hóa đặc trưng của nền văn minh lúa nước cùng những lễ hội truyền thống như: hội Lim, hội Gióng, hội chùa Hương, Côn Sơn, Kiếp Bạc, Yên Tử, những di tích khảo cổ học minh chứng cho nền văn hóa Đông Sơn, Hòa Bình nổi tiếng từ thời tiền sử có giá trị khoa học, giáo dục truyền thống, giáo dục kiến thức.
Vùng KTTĐ phía Bắc là trung tâm giao lưu, giao thoa của 2 nền văn hóa lớn ở phương Đông (Ấn Độ và Trung Hoa), với nhiều di tích văn hóa - nghệ thuật, lễ hội truyền thống thuộc nền văn minh lúa nước, song cũng chịu sự ảnh hưởng văn hóa các dân tộc khác trong cộng đồng 54 anh em dân tộc Việt như: Mường, Thái, Tày, Nùng…
Vùng KTTĐ phía Bắc với bề dày lịch sử của nền văn minh lúa nước, cùng sự phát triển về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, sự phát triển của tôn giáo là những tài nguyên có giá trị trong khai thác loại hình du lịch văn hóa, lịch sử và tâm linh. Cụ thể:
Thứ nhất, các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ.
Toàn vùng có 1901 di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia được xếp hạng, trong đó có 5 di sản thế giới được UNESCO công nhận và 23 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trung tâm văn hóa - lịch sử của vùng là thủ đô Hà Nội - nơi hội tụ nhiều di tích cấp quốc gia và các di sản thế giới. Có thể kể đến những di tích lịch sử, công trình văn hóa tại Hà Nội đặc biệt hấp dẫn khách du lịch như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cổ Loa, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, phủ Tây Hồ, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phố cổ Hà Nội. Ngoài ra, hệ thống đền, chùa, lăng, miếu là những tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng trong phát triển du lịch tâm linh phục vụ du khách đặc biệt là khách trong nước.
Thứ hai, các lễ hội dân gian.
Vùng KTTĐ phía Bắc có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, có thể kể đến một số lễ hội đang khai thác hiệu quả trong phát triển KTDL như: hội Chùa Hương, hội Gióng (Hà Nội), hội Yên Tử (Quảng Ninh), hội Lim (Bắc Ninh), hội Chọi trâu (Hải Phòng), hội Kiếp Bạc (Hải Dương)… Các lễ hội này đặc biệt hấp dẫn du khách bởi nó gắn kết với yếu tố tâm linh của người Việt nên thu hút được nhiều du khách đến tham quan và thực hiện nguyện vọng tâm linh.
Thứ ba, ẩm thực.
Ẩm thực là một phần tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể quan trọng, phụ trợ đắc lực cho những sản phẩm du lịch chính. Tinh hoa ẩm thực của miền Bắc tập trung phần lớn ở khu vực này với những món ăn nổi tiếng như: nem rán, nem cuốn, phở, bún thang, cốm Làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng…
Thứ tư, làng nghề thủ công truyền thống.
Vùng KTTĐ phía Bắc là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống như: dệt lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), mộc Bích Chu, rèn Lý Nhân (Vĩnh Phúc), mộc Tiên Sơn, đúc đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tương Bần (Hưng Yên), gốm Chu Đậu (Hải Dương) và một số làng chài ở Hải Phòng, Quảng Ninh... Các làng nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời và vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Thứ năm, các bảo tàng, phòng triển lãm.
Hệ thống bảo tàng văn hóa - lịch sử của vùng tập trung chủ yếu ở Hà Nội với một số bảo tàng như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Mỹ thuật… Hệ thống bảo tàng và phòng triển lãm là những tài nguyên du lịch nhân văn đặc biệt thu hút khách du lịch quốc tế cũng như nội địa.
Thứ sáu, nghệ thuật diễn xướng dân gian.
Văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc biệt phát triển ở các địa phương trong vùng như Bắc Ninh (Quan họ), Hà Nội (múa rối nước, tuồng, chèo, ca trù...), Hưng Yên (hát ả đào, hát trống quân), Hải Dương (múa rối nước). Các hình thức diễn xướng dân gian này thường được biểu diễn vào các dịp lễ hội, hiện nay đã trở thành tài nguyên nhân văn hấp dẫn du khách tới thưởng thức và giải trí.
Tài nguyên du lịch đô thị, thương mại - công vụ, du lịch hội nghị, hội thảo
Hoạt động kinh tế sôi động của các khu công nghiệp trong vùng, cùng Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước, vùng KTTĐ phía Bắc thu hút được một lượng lớn khách du lịch thương mại - công vụ, tập trung tại một số trung tâm phát triển kinh tế - thương mại - công nghiệp quan trọng ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đây chính là một trong những tiềm năng phát triển KTDL đặc biệt quan trọng của vùng.
Với hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch phát triển cùng nhiều trung tâm hội nghị, triển lãm lớn như Trung tâm hội nghị Quốc gia, Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh)... Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi giải trí, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn cũng là điểm nhấn thu hút khách du lịch đô thị đến vùng. Việc kết hợp tham gia hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hóa, thể thao với nghỉ dưỡng, thăm quan đang trở thành xu hướng nổi bật của du lịch hiện nay.
Vùng KTTĐ phía Bắc với địa hình núi xen kẽ đồng bằng hoặc thung lũng, thấp và bằng phẳng, có vùng núi non hùng vĩ, vùng biển rộng với nguồn tài nguyên phong phú và nhiều bãi biển đẹp thuận lợi cho phát triển KTDL.
Những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch ở Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc
Về vị trí địa lý: Vị trí của vùng KTTĐ phía Bắc gắn liền với Chương trình hợp tác Hai hành lang, một vành đai giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên cạnh lợi thế cũng nảy sinh những khó khăn nhất định về sự phụ thuộc vào tính ổn định của quan hệ hợp tác và khả năng cạnh tranh trong hoạt động du lịch của các tỉnh, thành phố trong vùng với các địa phương của Trung Quốc trong hành lang này. Vùng KTTĐ phía Bắc cũng là khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc của các yếu tố thời tiết bất lợi như bão, lũ lụt, hạn hán và của biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng cao gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động KTDL của vùng.
Về quản lý khai thác tài nguyên du lịch: Mặc dù vùng KTTĐ phía Bắc có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng nhưng chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng sẵn có. Tài nguyên du lịch của vùng chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý, khai thác một cách bền vững và hiệu quả. Sự khai thác bừa bãi, cạn kiệt tài nguyên du lịch gắn với quá trình cạnh tranh và trách nhiệm của các bên không rõ ràng gây xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể quản lý và khai thác tài nguyên dẫn tới nguy cơ suy thoái nhanh.
Về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phát triển, các cơ sở vui chơi giải trí tổng hợp chưa đồng bộ, thiếu các cơ sở lưu trú cao cấp, thừa các cơ sở có quy mô nhỏ, chất lượng kém. Khả năng tiếp cận một số điểm du lịch quan trọng trên địa bàn còn khó khăn (kể cả bằng đường hàng không và đường biển).
Về tốc độ đô thị: Vùng KTTĐ phía Bắc là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy, hải sản như khai thác và chế biến than (Quảng Ninh), đóng và sửa chữa tàu biển (Hải Phòng, Quảng Ninh), nhiệt điện (Quảng Ninh, Hải Phòng), sản xuất xi măng (Hải Dương)… Đây là những ngành kinh tế có tác động mang tính hai mặt đối với phát triển KTDL của vùng.
Về chất lượng môi trường: Chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng cấu thành giá trị sản phẩm và dịch vụ du lịch khi nhu cầu du lịch thế giới có nhiều thay đổi. Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên là những xu hướng nổi trội; khách du lịch hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống, giá trị tự nhiên, giá trị sáng tạo và công nghệ cao. Đây là thách thức đối với ngành Du lịch nói chung và KTDL ở vùng KTTĐ phía Bắc nói riêng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển KTDL ở vùng KTTĐ phía Bắc là điều tất yếu nhằm tạo sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các vùng lân cận và cả nước. Do vậy, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ để phát huy những tiềm năng, lợi thế và giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra đối với phát triển KTDL của Vùng.
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 1355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/8/2015: Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2013), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, NXB. Lao động - Xã hội, Hà Nội;
- Tổng cục Du lịch Việt Nam (2012), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.