Phát triển kinh tế du lịch bền vững vùng Đông Nam Bộ

Trần Thu Hương, Lê Quốc Hồng Thi, Dương Thị Xuân Diệu

Phát triển kinh tế du lịch bền vững mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan, thông qua việc khai thác hiệu quả các nguồn lực để tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước. Dựa vào nguồn dữ liệu định lượng ngành Du lịch Đông Nam Bộ trong những năm gần đây và trên cơ sở các tiêu chí đánh giá kinh tế du lịch bền vững nói chung, nhóm tác giả tiến hành phân tích thực trạng phát triển của kinh tế du lịch bền vững khu vực Đông Nam Bộ, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế du lịch khu vực này phát triển bền vững.

Đặt vấn đề

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của cả nước. Đông Nam Bộ được chia thành 06 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, bao gồm TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam Bộ cao nhất cả nước, dù chỉ chiếm 9.2% diện tích và 20% dân số, nhưng lại đóng góp khoảng 45% tổng thu ngân sách và xấp xỉ 32 % GDP cả nước (Nguyễn Trọng Hoài, 2023).

Ngành Du lịch của vùng cũng đang có những biến chuyển mạnh mẽ và đóng góp vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế của vùng.Trong năm 2023, vùng Đông Nam Bộ đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 180.566 tỷ đồng, tăng 22,13%. Tuy nhiên, dù lượng khách chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước, doanh thu của khu vực Đông Nam Bộ chỉ chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch của cả nước. Đặc biệt, quá trình phát triển trong những năm gần đây cho thấy vùng Đông Nam Bộ đang đối diện với phát triển thiếu bền vững, từ đó đang gây áp lực chung lên các ngành kinh tế của vùng, trong đó có ngành Du lịch. Xuất phát từ thực tiễn trên, nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá thực trạng các tiêu chí ảnh hưởng tới phát triển du lịch bền vững của vùng, từ đó gợi ý một số giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững vùng Đông Nam Bộ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá chung của Đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Tổng quan về hợp phần và tiêu chí phát triển kinh tế du lịch bền vững

Các hợp phần của du lịch bền vững

Theo Nguyễn Lê Thạch (2022), “Thuật ngữ phát triển bền vững được đưa ra khi mà con người nhận thức được những hậu quả to lớn của việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế mà không quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường, đã làm phát sinh sự mâu thuẫn sâu sức giữa môi trường và phát triển kinh tế”.

Theo Luật Du lịch năm 2017, “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

Theo ILO (2010), hợp phần của du lịch bền vững bao gồm: Môi trường sinh thái, Kinh tế xã hội và Văn hóa xã hội (Hình 1).

Các tiêu chí giá phát triển kinh tế du lịch bền vững

Theo Nguyễn Lê Thạch (2022), tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững gồm các yếu tố: Kinh tế - Tạo ra sự tăng trưởng; Xã hội - Tạo công ăn việc làm bền vững cho cộng đồng; Môi trường - Bảo vệ môi trường sinh thái và giảm thiểu biến đổi khí hậu; Văn hóa - Gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; Hòa bình - Điều kiện tiên quyết đối với sự phát triển và tiến bộ (Hình 2).

Hình 1: Các hợp phần của du lịch bền vững Nguồn: ILO, Phát triển và thách thức trong ngành Du lịch và Khách sạn (2010)
Hình 1: Các hợp phần của du lịch bền vững Nguồn: ILO, Phát triển và thách thức trong ngành Du lịch và Khách sạn (2010)

 

Hình 2: Tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững Nguồn: Nguyễn Lê Thạch (2022)
Hình 2: Tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững
Nguồn: Nguyễn Lê Thạch (2022)

Các tiêu chí đánh giá kinh tế du lịch bền vững vùng Đông Nam Bộ

Dựa trên các tiêu chí giá phát triển kinh tế du lịch bền vững và thực tiễn hoạt động phát triển du lịch của vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua, nhóm tác giả hệ thống các tiêu chí đánh giá kinh tế du lịch bền vững như sau:

- Kinh tế: Vùng có tiềm năng du lịch lớn nhưng tổng doanh thu về hoạt động du lich tại vùng chỉ chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch của cả nước. Phát triển du lịch gắn với mục tiêu bền vững chưa được thực hiện bài bản. Đơn cử như hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch còn khá lạc hậu, tại các tuyến đường dẫn vào các điểm du lịch còn nhiều khó khăn, do đa số các điểm du lịch nằm sâu trong khu vực dân cư gây khó khăn cho việc di chuyển. Trên quy mô toàn vùng, hoạt động du lịch chưa thúc đẩy kinh tế nông thôn và hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển.

- Xã hội: Hoạt động du lịch chưa có sự kết nối với cộng đồng bản địa và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Theo báo cáo của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023, số lao động làm việc trực tiếp trong ngành Du lịch của Đông Nam Bộ là gần 30.000 người. Trong đó, cơ cấu về lao động trong ngành Khách sạn nhà hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 57.9%), lữ hành (chiếm 23.7%), còn lại là các lĩnh vực khác chiếm 13%. Chiến lược xã hội hóa du lịch chưa được thực hiện trên quy mô toàn vùng, hoạt động du lịch chưa có nhiều sự đóng góp nhiều cho việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

- Môi trường: 6 tỉnh của vùng đất Đông Nam Bộ đều có sự phong phú đa dạng của nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác còn chưa đảm bảo được yếu tố bền vững. Sự tập trung quá đông khách du lịch trong mùa cao điểm gây nên sự quá tải, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái. Về phía doanh nghiệp du lịch, nhà hàng khách sạn khi tham gia vào hoạt động kinh doanh còn mải chạy theo lợi nhuận nên chưa có đóng góp nhiều cho các hành động bảo vệ môi trường, tạo sức ép lên nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các địa phương có hoạt động kinh tế du lịch.

- Văn hóa: Đông Nam Bộ là vùng đất có nền văn minh cổ xưa, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc từ đó tạo nên bức tranh về văn hoá vô cùng sống động. Hiện nay, rất nhiều giá trị văn hóa của vùng đang bị mai một, công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân và thiếu vốn đầu tư. Một số lễ hội bị thương mại hóa, nhiều làng nghề thủ công đang mất đi tính truyền thống, tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề ngày càng tăng.

- Quy hoạch du lịch: Việc quản lý hoạt động du lịch tại các điểm khu du lịch của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập. Tập trung ở một địa điểm, nhưng lại quá thưa thớt ở các vùng khác, nhiều nơi trong vùng có tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ. Một vài điểm du lịch do sức chứa, các điều kiện khác về bãi đỗ xe, nhà vệ sinh còn rất nhiều hạn chế nên không đủ sức đón tiếp những đoàn khách có số lượng đông, dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy, làm xuống cấp tài nguyên.

- An ninh, quốc phòng: Các vấn nạn như dịch vụ chặt chém khi trông giữ xe khách, ăn xin, chèo kéo, móc túi tạo nên những hình ảnh không đẹp trong lòng du khách. Nhiều nơi vì những dự án du lịch, khiến quy hoạch giá đất đai, hàng hoá tăng cao gây áp lực với người dân bản địa.

Giải pháp phát triển kinh tế du lịch bền vững Đông Nam Bộ

Vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch. Thời gian qua, với sự hợp tác của các tỉnh, thành, du lịch vùng Đông Nam Bộ có nhiều khởi sắc. Hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch hiệu quả. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao hình thành, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của một vùng đất giàu văn hóa - lịch sử, đa dạng về tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực dồi dào. Do vậy, trong thời gian tới, để phát triển kinh tế du bền vững Đông Nam Bộ, cần chú trọng một số giải pháp:

Một là, quy hoạch phát triển kinh tế du lịch gắn với mục tiêu phát triển bền vững trên quy mô toàn vùng, tránh việc mỗi địa phương một kiểu sẽ không hình thành hệ sinh thái giúp các địa phương cùng phát triển. Các quy hoạch này cần tập trung vào việc xây dựng chiến lược nhằm thu hút vốn đầu tư và huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển hạ tầng du lịch (Nguyễn Thị Mai Hương và cộng sự, 2023). Cần tập trung vào các hạng mục còn yếu và thiếu để tất cả các vùng sâu xa đều được hưởng lợi ích chung từ hoạt động du lịch.

Hai là, dựa trên các lợi thế phát triển các sản phẩm du lịch mang tính thương hiệu riêng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện khảo sát sự hài lòng của du khách về các sản phẩm hiện hành, từ đó mới có cơ sở để loại bỏ hoặc thiết lập lại các sản phẩm du lịch không phù hợp. Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch theo mùa, tránh việc quá tải dồn ép vào một thời điểm trong năm, dẫn đễn suy thoái tài nguyên môi trường. Tập trung phát triển các loại hình du lịch bền vững như: Du lịch sinh thái, du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa, du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng...

Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông qua việc ban hành các bảng tiêu chí nghề nghiệp của người làm trong du lịch. Cần có sự phối hợp của các ban, ngành để cùng xây dựng, thống nhất các nội dung cốt lõi trong đào tạo nhân lực du lịch. Các nội dung đào tạo nên thay đổi từ phương thức truyền thống sang hiện đại, áp dụng công nghệ số trong giảng dạy để giúp người học có được nhiều năng lực để trở thành hình ảnh thương hiệu của mỗi điểm đến.

Bốn là, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như xây dựng các tuyến giao thông kết nối với các điểm, khu du lịch; Đầu tư hệ thống trạm dừng chân tiện nghi, hiện đại; hệ thống khách sạn, nhà hàng. Việc đầu tư này cần phải theo kế hoạch tránh việc tập trung vào một điểm và phân tán rải rác ở các địa phương khác. Tăng cường kiểm tra, thẩm định để xếp hạng xem cơ sở lưu trú có đang hoạt động theo đúng quy định hay không để có các biện pháp xử lý phù hợp...

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn tài nguyên du lịch cũng như giữ vững trật tự - an toàn xã hội thông qua việc nâng cao ý thức của người dân cũng như xây dựng chế tài xử phạt đối với những hành vi ảnh hưởng sấu tới môi trường sinh thái. Với những tài nguyên bị xuống cấp, cần phải có kế hoạch tôn tạo bằng cách kêu gọi các cá nhân, tổ chức thực hiện việc góp vốn trong các công tác bảo tồn, trùng tu. Tuyên truyền cho các đối tượng làm du lịch về hành vi xanh và trách nhiệm xã hội để từ đó làm giảm chi phí bảo vệ môi trường cho các địa phương.

Sáu là, xây dựng các chiến lược phát kiển du lịch phải tạo ra giá trị kinh tế cho các địa phương và đóng góp quan trọng cho công tác bảo tồn, phát triển bền vững. Song song đó, cần gắn quyền lợi của mỗi người dân đối với sự phát triển chung của du lịch để họ có trách nhiệm chung tay cùng thực hiện theo đúng các tiêu chí phát triển bền vững (Nguyễn Lê Thạch, 2022).

Kết luận

Để thực hiện được hiệu quả phát triển kinh tế du lịch gắn với mục tiêu bền vững thì ngành Du lịch Đông Nam Bộ cần đánh giá đúng vị trí, tiềm năng, lợi thế du lịch của vùng để tìm ra giải pháp khả thi nhất trên quan điểm phát triển bền vững. Các giải pháp cần tập trung mạnh vào các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường. Thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ giúp ngành kinh tế du lịch của Đông Nam Bộ phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2017), Luật Du lịch, khoản 14 Điều 3 Luật Du lịch 2017;
  2. Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng (2024). Phát triển ngành du lịch của vùng Đông Nam Bộ. http://lamdongtv.vn/tin-tuc-n21470/phat-trien-nganh-du-lich-cua-vung-dong-nam-bo.html;
  3. Nguyễn Trọng Hoài (2023). Vùng Kinh Tế Đông Nam Bộ: Hiện trạng phát triển và các gợi ý tái cấu trúc bền vững. Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh;
  4. Nguyễn Lê Thạch (2022). Kinh tế du lịch phải gắn với phát triển du lịch bền vững. Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022;
  5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Số liệu thống kê năm 2023.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2024