Loạt bài: Để không còn “đất” cho hành vi mua bán hoá đơn trái phép
Bài 1: Cảnh báo tình trạng mua bán hoá đơn trái phép
Tình trạng mua bán hoá đơn trái phép đang diễn ra công khai trên mạng với nhiều chiêu thức, thủ đoạn nhằm đối phó với cơ quan quản lý rất tinh vi. Phải khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị trừng phạt nghiêm minh nếu bị phát hiện.
Rao bán hoá đơn công khai
Từ ngày 1/7/2022, với việc ngành Thuế triển khai thành công hóa đơn điện tử đã giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo; hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Thế nhưng, dù đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử nhưng đến nay "có cầu ắt có cung", các đối tượng vẫn mua bán hóa đơn điện tử qua lại giữa các công ty, hợp thức hóa hóa đơn chứng từ làm giảm số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, thu lời bất chính với số tiền lớn.
Thực tế, chỉ cần tìm kiếm trên Google cụm từ “mua bán hoá đơn điện tử” ngay lập tức sẽ bắt gặp tràn lan dịch vụ mua bán hoá đơn, bán hoá đơn đỏ. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Telegram… cũng có hàng loạt nhóm mua bán hoá đơn với số lượng thành viên không hề nhỏ.
Như tại nhóm “Mua bán HĐ Điện tử“ trên Facebook hiện nay có hơn 107 nghìn thành viên. Tìm hiểu thông tin, nhóm này được thành lập từ cuối năm 2017, tức là đã có gần 6 năm hoạt động. Mỗi ngày, có hàng trăm bài viết liên quan đến việc mua bán hoá đơn điện tử.
Điển hình như một bài viết của tài khoản Lê An Nhiên có nội dung chào bán hoá đơn với lời giới thiệu đây là hoá đơn của các công ty lâu năm thừa bán lại, có báo cáo nộp thuế đầy đủ thuộc các lĩnh vực như: xây dựng, y tế, may mặc, vận chuyển, thiết bị văn phòng phẩm, công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, ăn uống, nhà hàng, xăng dầu... Tài khoản này cũng không quên cam kết “bao chuyển khoản, phí % thấp, xuất trong ngày”. Bài viết đã thu hút được hàng trăm lượt bình luận hỏi thăm và tiến hành thoả thuận qua “inbox”.
Theo tìm hiểu, giá mua hóa đơn dưới 5 triệu chỉ khoảng 60.000-150.000 đồng/tờ. Với giá trị cao hơn, chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm. Theo đó, hóa đơn trị giá từ 5-15 triệu đồng, chi phí là 4%, giá trị càng cao thì phí xuất khống càng rẻ. Việc định giá chi phí cho một tờ hóa đơn còn phụ thuộc vào thời gian hoạt động của doanh nghiệp xuất hóa đơn, phí xuất hóa đơn của doanh nghiệp lâu năm sẽ cao hơn các doanh nghiệp mới thành lập.
Thực tế tình trạng này không phải là mới nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng. Cơ quan thuế cho biết hóa đơn là chứng từ ghi nhận thu chi trong doanh nghiệp và cũng là một trong những tài liệu căn cứ để khấu trừ thuế của doanh nghiệp. Do vậy, nhiều doanh nghiệp mua hóa đơn khống để kê khai tăng chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như tăng thuế giá trị giá tăng đầu vào được khấu trừ để làm giảm số thuế phải nộp.
Thủ đoạn thường thấy là doanh nghiệp thành lập một hoặc nhiều doanh nghiệp mới, nhưng thực tế chỉ là vỏ bọc cho một "ngành nghề" duy nhất - mua bán hóa đơn. Công ty "ma" hay công ty "bình phong" được hiểu là các doanh nghiệp chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có hoạt động kinh doanh và loại hình thường thấy là công ty TNHH. Việc thành lập các pháp nhân trên nhằm xuất hóa đơn đầu vào cho các công ty mà đối tượng đứng tên giám đốc, hoặc bán trái phép hóa đơn cho các đối tượng có nhu cầu.
Sở dĩ doanh nghiệp “ma” dễ dàng hoành hành là do thủ tục thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn rất đơn giản, dễ dàng nhờ người thân hoặc thuê người đứng tên giám đốc, với chi phí chỉ vài triệu đồng và chỉ phải chờ đợi ít ngày, cũng không cần xác minh vốn kinh doanh, tài sản.
Đơn cử, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai thuế của Công ty TNHH MTV Lộc Anh Quảng Trị (có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại thôn Mai Lộc 1, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), cơ quan thuế phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm bất thường. Cụ thể, theo hồ sơ, doanh nghiệp này được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tháng 11/2018, vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Ngày 8/5/2022, doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và được cơ quan thuế chấp nhận. Căn cứ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế từ ngày 8/5/2022 đến ngày 16/5/2023, doanh nghiệp này sử dụng 65 hóa đơn điện tử. Đối chiếu doanh thu kê khai trên hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng với doanh thu bán ra trên ứng dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị phát hiện có sự chênh lệch bất ngờ về doanh thu và thuế giá trị gia tăng các mặt hàng xuất bán chủ yếu là đất, cát, đá, vận chuyển…
Sẽ bị xử lý nghiêm minh
Từng chia sẻ về vấn đề mua bán hóa đơn trái phép, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, đây là hành vi trắng trợn, những đối tượng thực hiện hành vi nghĩ rằng hoạt động trong môi trường điện tử sẽ khó bị xử lý. Do đó, Bộ Tài chính, đã và đang chỉ đạo ngành Thuế triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu lớn, sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để phát hiện những nguy cơ, rủi ro của những doanh nghiệp và thực hiện giám sát, cảnh báo sớm, để sai phạm xảy ra ở mức thấp nhất. Chẳng hạn, một doanh nghiệp rất nhỏ nhưng số lượng hóa đơn lớn, giá trị giao dịch cao sẽ rơi vào tầm giám sát, khi đó, sẽ phát hiện sớm gian lận và xử lý theo quy định pháp luật...
Về quy định xử lý những hành vi nêu trên, Tổng cục Thuế cho biết, các quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội; Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định rõ về xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Cùng với đó, Bộ luật Hình sự có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội trốn thuế do sử dụng hóa đơn không hợp pháp; tội phạm mua bán trái phép hóa đơn.
Điển hình như tại tỉnh Quảng Bình, đối tượng Đỗ Khắp Điệp (sinh năm 1983, trú tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam để tiếp tục điều tra vì hành vi mua bán trái phép hóa đơn vào ngày 13/7/2022 – ngay sau khoảng 3 tháng kể từ khi Tổng cục Thuế chính thức triển khai hệ thống hoá đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc (21/4/2022). Theo tài liệu cơ quan điều tra, năm 2020, Đỗ Khắc Điệp cùng vợ là Trần Khánh Trang thành lập Công ty TNHH Tổng hợp Đỗ Gia, do Trần Khánh Trang đứng tên người đại diện theo pháp luật.
Sau khi thành lập, mặc dù Công ty không có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nào nhưng vì hám lợi nên Trần Khánh Trang và Đỗ Khắc Điệp đã xuất bán 863 hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo (hóa đơn điện tử) cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Quảng Bình với tổng giá trị thanh toán gần 40 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa dịch vụ trước thuế gần 36 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng hơn 3,5 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 2,3 tỷ đồng. Đồng thời, Đỗ Khắc Điệp đã mua 51 hóa đơn khống để kê khai thuế giá trị gia tăng đầu vào, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với giá trị hóa đơn xuất bán.
Hành vi của Đỗ Khắc Điệp đã phạm vào tội “mua bán trái phép hóa đơn” được quy định tại khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Những hình ảnh trước vòng lao lý trên như một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đã, đang và sẽ có ý định mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp, gian lận thuế của Nhà nước dưới mọi hình thức.