Loạt bài: Nguyên nhân thực sự khiến giá vé máy bay tăng cao?
Bài 2: Nhiên liệu, tỷ giá, cung cầu… đang "đội giá" vé máy bay
Có thể khẳng định, nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng đột biến trong thời gian gần đây không đến từ các loại thuế, phí. Thực chất, những yếu tố khiến giá tăng cao đã được Cục Hàng không Việt Nam lý giải cụ thể. Hiện các bộ, ngành đang tìm cách tháo gỡ để hạ giá thành vé máy bay trong thời gian sớm nhất.
5 nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao
Thông tin về lý do giá vé máy bay tăng cao trong những tháng đầu năm, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi 5 nguyên nhân chính.
Một là, giá nhiên liệu tăng cao.
Theo số liệu cập nhật của IATA, giá nhiên liệu Jet-A1 khu vực châu Á ngày 26/4/2024 là 100,25 USD/thùng. Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với biến động của giá Jet-A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 4/2024 của các hãng hàng không tăng 56,55% so với tháng 12/2014 và tăng 74,27% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 37,66% so với tháng 12/2014 và tăng 53,24% so với tháng 8/2015 (thời điểm ban hành quy định về khung giá vận chuyển trên chặng bay nội địa).
Tháng 4/2024, giá nhiên liệu bay Jet-A1 khu vực châu Á là 100,25 USD/thùng, tương đương mức giá giai đoạn tháng 4/2023 (100,17 USD/thùng). Tuy nhiên, tỷ giá giai đoạn tháng 4/2024 (1 USD = 25.454 VND) biến động tăng 8% so với tháng 4/2023 (1 USD = 23.620 VND).
Với tỷ trọng các chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng hàng không chiếm khoảng 75% tổng chi phí, chỉ tính riêng biến động của tỷ giá đã khiến chi phí của các hãng hàng không tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Hai là, chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ.
Xét về yếu tố đầu vào, khi so sánh với năm 2019, giá nhiên liệu trong quý 1/2024 đã tăng 28 USD/thùng, tương đương 38,2% chi phí, qua đó làm chi phí khai thác toàn mạng phát sinh thêm 1.409 tỷ đồng. Nếu quy đổi ra đơn vị chuyến bay, mỗi 1 USD giá nhiên liệu tăng sẽ làm chi phí chuyến bay quý 1/2024 tăng thêm 56,7 USD/chuyến.
Đồng thời, tỷ giá VND/USD trong quý I/2024 đã tăng 1.300 đồng (tương đương 5,6%) so với năm 2019, dẫn đến chi phí hoạt động vận tải hàng không phát sinh thêm khoảng 823 tỷ đồng. Tỷ giá bình quân trong quý II/2024 tăng làm chi phí tăng mỗi chuyến bay 23 triệu đồng.
Bên cạnh đó, do nhiều chi phí vận hành hoạt động của hãng hàng không (thuê tàu bay, giá điều hành bay quốc tế…) được thanh toán bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) dẫn đến tăng chi phí cho hãng hàng không.
Ba là, biến động giảm về đội tàu bay.
Các nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam như: Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất.
Ước tính, có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air nên sự việc này làm cho một số tàu bay phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng tàu bay bắt đầu từ tháng 01/2024).
Bên cạnh đó, thời gian đưa động cơ đi sửa chữa bị kéo dài cũng là một yếu tố. Năm 2019 chỉ cần 75 ngày thì hiện nay (năm 2024) theo thông báo của PW cần 140-160 ngày, trường hợp đặc biệt lên đến 365 ngày.
Ngoài ra, kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2024 bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào; Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 02 tàu bay B787 vào tháng 6 và tháng 7/2024; các hãng hàng không khác đều thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch.
Các hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội tàu bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo đó, hiện tại Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào (giảm 10 tàu so năm 2023) và Bamboo Airways chỉ khai thác 05 tàu (giảm 25 tàu so với năm 2023).
Bốn là, giá thuê động cơ và phụ tùng tàu bay.
Giá thuê động cơ đối với Airbus A321 là 48-50 nghìn USD/tháng vào năm 2019, tăng lên 80-100 nghìn USD/tháng vào năm 2024.
Giá thuê tàu bay Boeing B-787 là 160 nghìn USD/tháng vào năm 2022, tăng lên 370 nghìn USD/tháng vào năm 2024. Giá phụ tùng vật tư tăng từ 10-13% so với thời điểm trước năm 2019.
Năm là, tình hình cung - cầu của thị trường hàng không nội địa.
"Việc giảm cung vận tải nội địa do giảm tàu bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt trong thời điểm cầu vận chuyển hàng không tăng cao do nhu cầu đi lại của hành khách tăng vào các dịp lễ, tết. Tình trạng chênh lệch cung cầu này, dự báo sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè 2024", Cục Hàng không đánh giá.
Điều này cũng gây ra áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, đặc biệt là các chặng bay đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay
Trước thực trạng vé máy bay tăng cao, Cục Hàng không Việt Nam đã tiến hành thanh kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền cũng như quy định pháp luật, cụ thể là Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa và Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Kết quả kiểm tra kết luận, các hãng không có vi phạm trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong việc hoạt động, vận hành của mình.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.
Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có); đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Vụ Vận tải chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bình ổn giá vé, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân.
Sau đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) có văn bản gửi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đề nghị báo cáo về lý do tăng giá vé máy bay trong thời gian vừa qua. Theo đó, với vai trò là cơ quan thuộc Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đề nghị hãng bay phối hợp cung cấp thông tin về tình hình giá vé từ đầu năm 2024 đến nay.
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, trong đó như thông tin về giá vé máy bay và các đợt điều chỉnh giá vé máy bay các chặng bay nội địa ở tất cả hạng vé, loại vé; số lượng, doanh thu bán vé máy; công thức tính vé bay chặng nội địa tất cả hạng vé, loại vé của hãng trong 4 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, thông tin về giá và các đợt điều chỉnh giá vé máy bay các chặng nội địa ở tất cả các hạng vé, loại vé của hãng này từ ngày 01/01/2023 đến nay.
Mới đây, ngày 30/5, Bộ Giao thông vận tải có công văn giao Cục Hàng không Việt Nam làm việc với các hãng hàng không để nghiên cứu giải pháp tăng tải cho đường bay và hỗ trợ hãng bổ sung máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong giai đoạn cao điểm hè.
Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải được giao xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, giá dịch vụ vận chuyển các nước trong khu vực và thế giới. Từ đó, Viện dự báo chính sách nâng cao năng lực vận chuyển, tiết giảm chi phí, hạ giá thành vận tải.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các hãng hàng không thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ, kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé. Các hãng cần bổ sung tàu bay để tăng tải, phục vụ trong giai đoạn cao điểm, bố trí giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Với sự quyết liệt vào cuộc từ cơ quan quản lý, kỳ vọng rằng giá vé máy bay sẽ sớm "hạ nhiệt" trong thời gian tới!