Loạt bài: Để không còn “đất” cho hành vi mua bán hoá đơn trái phép
Bài 4: Doanh nghiệp và người dân đóng vai trò then chốt để “cắt cầu” mua bán hoá đơn trái phép
Để ngăn chặn triệt để tình trạng mua bán hoá đơn điện tử, chính doanh nghiệp và người dân đóng vai trò then chốt để “cắt cầu” các đối tượng gian lận; từ đó bảo vệ quyền lợi của mình cũng như chống thất thu ngân sách nhà nước. Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh xung quanh vấn đề mua bán hoá đơn bất hợp pháp.
Phóng viên: Thời gian qua, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp chỉ để mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Ông đánh giá ra sao về mối nguy hại từ những việc làm nêu trên?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thực tế, tình trạng mua bán hoá đơn không phải là mới diễn ra mà đã xảy ra từ lâu. Và khi ngành Thuế thực hiện chuyển đổi từ hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử vẫn còn những kẽ hở cho nhiều đối tượng thực hiện mua bán hoá đơn bất hợp pháp.
Phải khẳng định rằng mua bán hoá đơn trước hết gây hại cho nguồn thu của ngân sách nhà nước, theo đó nó khiến cho nhiều khoản thuế không được thực hiện đúng như quy định. Có nhiều khoản lẽ ra có thể thu về cho ngân sách nhưng vì có những hoá đơn bất hợp pháp đã khiến cho cơ quan thuế không thể hành thu. Hành động này cũng tạo ra sự không công khai, minh bạch trong môi trường kinh doanh, gây bất lợi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Các hành vi gian lận về hóa đơn có thể gây tâm lý hoang mang cho những người kinh doanh chân chính, lo lắng không biết hóa đơn nhận được khi mua hàng hóa, dịch vụ có phải là hóa đơn hợp pháp không.
Đặc biệt, đến nay, rủi ro sai phạm sử dụng hóa đơn ngày càng nhiều và tinh vi, rủi ro sai phạm được phát hiện nhiều hơn, nên số lượng các doanh nghiệp được yêu cầu giải trình gia tăng. Dù vậy, điều này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi họ không biết được doanh nghiệp xuất hóa đơn có gian dối hay không và việc giải trình cũng khá mất thời gian, công sức.
Phóng viên: Mặc dù ngành Thuế đã phối hợp với cơ quan công an triển khai nhiều giải pháp nhằm phát hiện, xử lý vấn nạn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn diễn ra. Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để quản lý, xử lý triệt để vấn đề này, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Hiện nay, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã rất quyết liệt trong công tác quản lý rủi ro, phòng chống gian lận mua bán hoá đơn điện tử. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có công điện chỉ đạo Tổng cục Thuế, cục thuế các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hoá đơn điện tử. Điều này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và quan tâm rất sâu sát đến những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế địa phương cũng đã các biện pháp nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hóa đơn nói chung và phòng, chống gian lận về hóa đơn nói riêng, đặc biệt là tình trạng bán hoá đơn điện tử khống hoặc hoá đơn điện tử giả.
Tôi cho rằng, thời gian tới ngành Thuế cần tăng cường kiểm tra giám sát cũng như áp dụng công nghệ hiện đại và quản lý rủi ro vào quản lý hóa đơn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, trường hợp qua thanh tra, kiểm tra hóa đơn xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện thu thập tài liệu, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý, xác minh các dấu hiệu rủi ro và đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật, chuyển đến cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, ngành Thuế cần chú trọng tới tăng cường công tác tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân hiểu đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý hóa đơn; cần làm cho người dân và doanh nghiệp hiểu những hậu quả pháp lý khi vi phạm các quy định về quản lý hóa đơn; về các hành vi bị cấm cũng như các chế tài xử lý trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự.
Phóng viên: Việc ngăn chặn vấn nạn mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, không chỉ riêng trách nhiệm của cơ quan thuế. Vậy, về phía doanh nghiệp và người dân cần làm gì để tránh rủi ro từ hóa đơn bất hợp pháp thưa ông?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thực tế có “cầu” thì mới có “cung”. Chính vì vậy, để “cắt cầu” những đối tượng bán hoá đơn bất hợp pháp, chính doanh nghiệp và người dân đóng vai trò “then chốt”, bởi hành vi mua bán hóa đơn là xuất phát từ hai phía.
Tôi thấy rằng, thời gian qua cơ quan Thuế đã làm rất tốt công tác tuyên truyền thông tin tới người dân và doanh nghiệp rồi. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp và người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm soát quá trình mua hàng. Theo đó, mua hàng là phải lấy hoá đơn, và chỉ nhận hóa đơn của đúng đơn vị đã bán hàng. Ngoài ra, cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giám sát đấu tranh, tố cáo tội phạm mua bán, sử dụng hóa đơn.
Doanh nghiệp cũng cần đề cao cảnh giác, cẩn thận trong việc giao dịch, phải thường xuyên cập nhật danh sách những doanh nghiệp bị cảnh báo rủi ro về hoá đơn. Bởi lẽ khi bị dính dáng đến những doanh nghiệp này thì cơ quan Thuế sẽ thực hiện rà soát, thanh kiểm tra toàn bộ những doanh nghiệp có liên quan. Như thế sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Phóng viên: Xin cảm ơn với những chia sẻ của ông!