Loạt bài: Để không còn “đất” cho hành vi mua bán hoá đơn trái phép
Bài 2: Dùng công nghệ cao để "truy vết" hóa đơn điện tử bất hợp pháp
Trong thời gian qua, ngành Thuế đã quyết liệt trong phòng, chống gian lận, mua bán hóa đơn. Ngoài những giải pháp chung được triển khai trong toàn Ngành, từng Cục Thuế đều chủ động đưa ra các giải pháp riêng, phù hợp với tình hình thực tế để nhắm đến đích cuối cùng đó là không còn “đất” cho gian lận thuế và mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Sát sao trong rà soát
Tính đến tháng 9/2023, trên hệ thống hoá đơn điện tử của cơ quan thuế đã có khoảng 5 tỷ hóa đơn. Đây là nguồn dữ liệu quý giúp cơ quan thuế thực hiện đối chiếu, rà soát, kiểm tra, phát hiện rủi ro, phòng chống gian lận về hoá đơn điện tử. Tuy nhiên, số lượng hóa đơn điện tử khổng lồ cũng tạo sức ép lớn về mặt quản lý đối với cơ quan thuế, đặc biệt là công tác quản lý rủi ro về hoá đơn điện tử.
Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua về cơ bản các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt pháp luật về thuế. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp luôn tìm cách gian lận về thuế, mua bán hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, toàn ngành Thuế đã vào cuộc quyết liệt, giao nhiệm vụ phòng chống gian lận hoàn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, phân công thực hiện rà soát, kiểm tra hóa đơn tới từng công chức, từng đội, từng phòng quản lý người nộp thuế.
Tại Cục Thuế Phú Thọ, để kịp thời hỗ trợ công chức thuế trong việc so sánh chênh lệch giữa tờ khai và hóa đơn, đầu năm 2023, Phòng Công nghệ thông tin đã phối hợp với Chi cục Thuế Thị xã Phú Thọ xây dựng ứng dụng hỗ trợ kết xuất danh sách chênh lệch giữa tờ khai và hóa đơn. Đến tháng 3/2023, đã thực hiện kết xuất dữ liệu hóa đơn và tờ khai năm 2022 để đưa vào ứng dụng. Sau khi có dữ liệu chênh lệch sẽ giao cho từng công chức quản lý để kiểm tra, rà soát, trong trường hợp có rủi ro cao thì yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung. Kết quả ứng dụng đã đưa ra 10.387 trường hợp người nộp thuế có chênh lệch số thuế đầu ra giữa tờ khai và hóa đơn.
Còn với Cục Thuế Thanh Hoá, để ngăn chặn rủi ro về gian lận hoá đơn điện tử, ngay từ những ngày đầu triển khai, đơn vị này đã đề ra một loạt giải pháp như: Tăng cường kiểm tra dữ liệu hóa đơn điện tử kết hợp kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế nhằm kịp thời rà soát, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm của người nộp thuế; Tập trung chỉ đạo rà soát dữ liệu hóa đơn mua vào có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn…
Nhờ đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế Thanh Hoá đã kiểm tra được 1.767 người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về thuế và hóa đơn theo kết quả chạy rủi ro từ phần mềm phân tích rủi ro do Cục Thuế tự xây dựng; 137 người nộp thuế theo kết quả chạy rủi ro theo Quy trình áp dụng quản lý rủi ro đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế.
Đặc biệt, lũy kế từ năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, thông qua công tác quản lý thuế, đặc biệt là công tác quản lý rủi ro về hóa đơn điện tử, Cục Thuế Thanh Hoá đã chuyển 49 tin báo tố giác tội phạm, 7 trường hợp kiến nghị điều tra khởi tố về các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và hóa đơn, Cơ quan Công an đã có quyết định khởi tố điều tra 14 vụ việc. Theo Cục Thuế Phú Thọ, kết quả trên không chỉ thể hiện quyết tâm kiên quyết đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế còn nâng cao tính tự giác chấp hành đúng chính sách pháp luật của người nộp thuế.
Tại Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 15.000 doanh nghiệp nên số lượng hoá đơn điện tử phát hành hàng ngày là rất lớn. Chính vì vậy, Cục Thuế Bắc Ninh đã tăng cường chỉ đạo các phòng, chi cục thuế trực thuộc kiểm tra, giám sát việc đăng ký và sử dụng hoá đơn điện tử, ngăn chặn các hành vi sử dụng hoá đơn điện tử không hợp pháp. Theo ông Nguyễn Hữu Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh, Cục Thuế yêu cầu công chức vào ứng dụng hoá đơn điện tử hàng ngày, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống và hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp có rủi ro để phát hiện những trường hợp kê khai doanh thu thấp hơn trên dữ liệu, hoặc kê khai chênh lệch thuế hoá đơn điện tử đầu vào được khấu trừ cao hơn nhiều lần dữ liệu hóa đơn... Trên cơ sở đó, yêu cầu doanh nghiệp giải trình, bổ sung thông tin tài liệu, thực hiện xác minh hóa đơn và đưa ra cảnh báo, thiết lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra nếu đủ căn cứ.
Đáng chú ý, để ngăn chặn từ khâu đầu, ngay khi nhận được thông báo phát hành hoá đơn điện tử, Lãnh đạo Cục Thuế Bắc Ninh đã cử cán bộ thanh tra kiểm tra xác minh địa điểm doanh nghiệp. Qua công tác xác minh, nếu doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hoá đơn thì cán bộ thuế sẽ trực tiếp kiểm tra trụ sở, kho bãi, nhà xưởng, con người. Nếu như thực tế không phù hợp với kê khai thì sẽ thực hiện đấu tranh để các doanh nghiệp rút thông báo phát hành ấn chỉ, hoá đơn.
Theo thống kê của Cục Thuế Bắc Ninh, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 600 trường hợp doanh nghiệp tự rút thông báo phát hành hoá đơn. Việc làm quyết liệt này đã từng bước tình trạng gian lận mua bán hoá đơn bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh không còn "đất sống".
Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quản lý
Lường trước được những khó khăn trong công tác quản lý hoá đơn điện tử, để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế và mua bán hóa đơn bất hợp pháp, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (Big data) và Trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý thuế, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh trường hợp gian lận về hóa đơn.
Tháng 2/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định 78/QĐ-TCT về “Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn”. Tháng 4/2023, Tổng cục Thuế tổ chức công bố triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hoá đơn điện tử”. Hệ thống hiện đại ứng dụng AI này cho phép cơ quan thuế có thể xác định những đặc điểm bất thường về giá trên cơ sở phân tích các hóa đơn mua bán cùng loại hàng hóa; chuỗi có nút đầu và nút cuối trùng nhau; chuỗi chỉ có mua, không có bán; chuỗi có nhiều doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh… để tìm ra đầu mối nghi ngờ có hành vi mua bán bất hợp pháp. Từ đó, ngành Thuế sẽ tiến hành phân tích chuyên sâu và bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Cuối tháng 4/2023, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành, triển khai Trung tâm cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử. Trung tâm này gồm các chức năng đối chiếu tự động giữa tờ khai thuế và hóa đơn điện tử sau ngày thứ năm kể từ ngày đến hạn nộp tờ khai. Kết quả của việc đối chiếu giữa tờ khai và hóa đơn là danh sách người nộp thuế có số liệu chênh lệch giữa giá trị kê khai và giá trị thực tế trên hóa đơn đã lập. Trên cơ sở danh sách đó, cơ quan thuế quản lý có các biện pháp nghiệp vụ phù hợp như kiểm tra tại bàn, thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, trong trường hợp cần thiết có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Đồng thời, Tổng cục Thuế chính thức vận hành "Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử". Qua đó, cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành hóa đơn điện tử, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung.
Tổng cục Thuế cho biết, hiện ngành Thuế vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới để phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử như công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên đối với dữ liệu hóa đơn điện tử; công nghệ tìm chuỗi mua bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đối với một số ngành hàng, chuỗi mua bán hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu có đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng..., từ đó nhận diện các đặc trưng của chuỗi nghi ngờ gian lận, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, từng bước để không còn “đất” cho hành vi mua bán hoá đơn trái phép.