Loạt bài: Giải “bài toán” quản lý thuế thương mại điện tử
Bài 4: Nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế
Với tốc độ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) như hiện nay, để không xảy ra tình trạng thất thu thuế, bên cạnh việc siết chặt quản lý, cơ quan thuế cần phải đẩy mạnh tuyên truyền hỗ trợ nhằm nâng cao sự tuân thủ, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của người nộp thuế.
Thời gian qua, để quản lý thuế TMĐT, cơ quan thuế đã có nhiều nỗ lực và có nhiều tiến bộ đáng kể, giúp số thu thuế từ lĩnh vực này tăng cao qua từng năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý thuế TMĐT vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tính tuân thủ của người nộp thuế vẫn chưa cao. Hơn nữa, có tình trạng nhiều người nộp thuế muốn tuân thủ nhưng lại chưa hiểu biết về pháp luật.
Bên cạnh đó, nhiều hình thức bán hàng online đang thu tiền trực tiếp qua các bên giao nhận khiến cơ quan thuế khó có thể quản lý được dòng tiền. Chính vì vậy, công tác thông tin truyền thông để giúp nắm được chính sách, chế độ là rất quan trọng. Cơ quan thuế cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để nắm được tất cả các thông tin liên quan đến đơn hàng, việc vận chuyển, giao nhận… để chống thất thu thuế.
Tôi khuyến cáo rằng, dù kinh doanh tại lĩnh vực nào, trong đó có lĩnh vực TMĐT thì trước hết phải chú ý đến chất lượng hàng hoá, sản phẩm; tiếp đó là thực hiện nghĩa vụ thuế. Cụ thể, đối với nhãn hàng phải kê khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thực tế chốt đơn hàng bán được.
Đối với người livestream nộp thuế theo hai hình thức: nếu cá nhân đăng kí nộp thuế với hộ cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% giá trị gia tăng, 2% thu nhập cá nhân); nếu cá nhân không đăng kí kinh doanh, coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% - 35%; nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách nhà nước và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.
Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Chúng ta cần tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ thuế, tránh trốn thuế vì việc này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, nhãn hàng, sàn TMĐT và còn ảnh hưởng tới cả số thu ngân sách nhà nước. Cần chung tay để phát triển TMĐT một cách bền vững, vừa đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam:
Phải có trách nhiệm kê khai và thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ thuế
Mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết hiện đang rất phổ biến trên tính năng TMĐT TikTok Shop. Tuy nhiên, các nhà bán hàng hay có các hoạt động liên quan đến bán hàng như KOLs, KOC... không phải ai cũng hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ thuế. Tất cả các bên liên quan đến hoạt động bán hàng đều phải có trách nhiệm kê khai và thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ thuế.
Hiện nay, tất cả người bán trên các sàn TMĐT đều được xác nhận bởi cơ quan chức năng và đều phải đăng ký mã số thuế, tài khoản ngân hàng gắn với căn cước công dân. Chính vì vậy, việc người bán hàng trốn thuế bằng nhiều hình thức khác nhau là khó có thể xảy ra. TikTok Shop còn cung cấp công cụ hỗ trợ các nhà bán hàng thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân của nhà sáng tạo nội dung trên sàn trong trường hợp 2 bên hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế.
Về phía TikTok, đơn vị đã đăng ký kê khai, nộp thuế nhà thầu đối với nhà cung cấp nước ngoài. Các nhà bán hàng phải có trách nhiệm thay mặt và lấy mã số thuế của nhà sáng tạo để kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan thuế. Còn đối với cá nhân, nhà bán hàng sẽ tự liên hệ cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế khi bán hàng trên sàn TMĐT.
TikTokShop không có quyền và trách nhiệm khấu trừ thuế từ nhà bán hàng. Tuy nhiên, TikTokShop sẽ làm việc với cơ quan thuế khi có yêu cầu trong một số trường hợp cụ thể.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT (VECOM):
Chủ động tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
TMĐT giờ đây không chỉ đơn giản là việc đưa hàng hóa, sản phẩm lên các sàn và bán hàng, mà đã phát triển sang nhiều hình thức nội dung số khác nhau, nổi bật nhất hiện nay là mua bán hàng thông qua các video livestream. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều người không nộp thuế vì không biết phải nộp như thế nào. Đối với cơ quan thuế, những người này vẫn bị xem là không hoàn thành nghĩa vụ thuế, mặc dù họ không cố tình trốn thuế mà chỉ vì họ không biết cách thức thực hiện.
Chính vì vậy, các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên sàn TMĐT rất cần những kiến thức về thuế. Theo đó, cá nhân, hộ kinh doanh cần biết loại hình kinh doanh nào phù hợp và có nên mở doanh nghiệp hay không. Khi doanh số đạt đến mức nào thì áp dụng thuế khoán, và khi nào thì áp dụng thuế kê khai.
Đặc biệt, để tránh trường hợp bị phạt, truy cứu trách nhiệm do chậm kê khai, nộp thuế, các cá nhân kinh doanh TMĐT cần chủ động tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế nhằm tạo sự bình đẳng về thuế, tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.
Ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần MISA:
Áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để kê khai và nộp thuế
Tôi đánh giá rất cao kết quả cơ quan thuế đã đạt được trong thời gian qua, kết quả trên đóng góp tích cực vào công tác điều hành chính sách tài khóa của Quốc hội, Chính phủ. Việc thu thuế thành công đối với hoạt động TMĐT đã góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tạo ra phương thức quản lý thuế hiệu quả, lan tỏa trong bối cảnh hội nhập kinh tế số. Đồng thời, khẳng định vai trò, vị trí của cơ quan thuế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các nền tảng xã hội.
Dựa trên quá trình tìm hiểu và nắm bắt khó khăn của hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ thuế, MISA đã phát triển bộ giải pháp toàn diện kết nối trực tiếp với các sàn TMĐT; đồng bộ dữ liệu vào phần mềm bán hàng để quản lý hàng hóa, tồn kho và doanh thu từ nhiều kênh; tích hợp với hóa đơn điện tử, chữ ký số và phần mềm kế toán của MISA; tự động xuất hóa đơn và truyền dữ liệu lên cơ quan thuế và thực hiện các nghĩa vụ kê khai, báo cáo thuế nhanh chóng, chính xác.
Cụ thể, giải pháp của MISA giúp hộ, cá nhân kinh doanh giải quyết 3 bài toán chính gồm: quản lý khách hàng và bán hàng; bán hàng đồng bộ trên các kênh, bao gồm sàn TMĐT; dữ liệu tự động, báo cáo doanh thu và tồn kho hàng hóa hợp nhất.
MISA cũng xây dựng hệ sinh thái đầy đủ từ bán hàng, kế toán đến hóa đơn, đồng bộ dữ liệu tránh chồng chéo và sai sót. Doanh nghiệp chỉ cần nhập số liệu một lần trên một hệ thống và dữ liệu sẽ được đồng bộ hóa tự động. Giải pháp của MISA cũng tự động hóa quy trình kế toán, tạo báo cáo chính xác, giúp doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không cần chuyên môn sâu vẫn có thể thực hiện.
Ngoài ra, MISA tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI) vào các giải pháp tài chính kế toán, giúp giảm thời gian và công sức cho công việc đơn giản, tập trung vào các công việc giá trị gia tăng hơn như phân tích dữ liệu và ra quyết định kinh doanh. MISA cũng cung cấp dịch vụ kết nối giữa người thuê dịch vụ kế toán và nhà cung cấp dịch vụ, tạo ra một hệ sinh thái đồng bộ không chỉ trong nội bộ MISA mà còn kết nối được với các hệ thống bên ngoài...