Bài học từ khủng hoảng năng lượng Trung Quốc
Hàng loạt giải pháp đang được Trung Quốc áp dụng nhằm giải quyết khủng hoảng năng lượng trong đó có việc thả nổi giá điện, hỗ trợ tín dụng và tài chính cho các nhà máy điện than, tăng cường nhập khẩu than, thúc đẩy các nhà máy điện gió và mặt trời,… là bài học thiết thực đối viới Việt Nam.
Những động thái chưa từng thấy
Thông báo mới đây từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc về việc nước này sẽ tự do hóa hoàn toàn giá điện sản xuất từ than đá là một động thái chưa từng thấy trong quá trình cải cách kinh tế ở Trung Quốc. Theo thông báo này, 100% điện sản xuất từ nhiệt điện sẽ được định giá thông qua giao dịch thị trường. Dự kiến, những khách hàngmua điện để phục vụ nhu cầu sản xuất và thương mại sẽ sớm phải mua trực tiếp từ thị trường hoặc thôngqua các đại lý của lưới điện.
Động thái cải cách này của Trung Quốc nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và tăng trưởngkinh tế, cũng như sinh hoạt của người dân.
Trước tình trạng thiếu điện trầm trọng từ cuối tháng 9 đến nay, Trung Quốc đã luân phiên cắt điện trên diện rộng, buộc nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách nhằm đảm bảo nguồn cung điện năng cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ngoài việc thả nổi giá điện, Trung Quốc quyết định miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho các nhà máy điện than để mua trữ than; gỡ bỏ giới hạn trần khai thác đối với nhiều mỏ than; hạn chế phát triển các dự án đầu tư tiêu thụ nhiều năng lượng; thúc đẩy các nhà máy điện gió và điện mặt trời công suất lớn ở các sa mạc...
Bên cạnh đó, Ủy ban Điều phối bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc cũng khuyến cáo các ngân hàng nên ưu tiên cho vay các mỏ và nhà máy điện để các cơ sở ngày có thể tăng sản xuất nhiệt điện và than. Trung Quốc cũng đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng than, tăng cường nhập khẩu than từ các nước, trong đó có việc mua than từ Nam Phi - điều chưa từng thấy và nối lại việc nhập khẩu than từ Úc khi cuộc đối đầu thương mại Úc - Trung chưa đi đến hồi kết.
Những điều cần suy ngẫm
Khác với Trung Quốc, ở thời điểm hiện tại nước ta chưa phải đối mặt với tình trạng thiếu điện do kinh tế tăng trưởng chậm lại, trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Có lẽ vì vậy nên đang có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều về một số nội dung của Dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Thứ nhất, về nhu cầu tiêu thụ điện. Có nhiều dự báo khác nhau về tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế của nước ta trong những năm tới. Trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, những yếu tố bất định của kinh tế thế giới và những gì đang diễn ra trong việc thực hiện chủ trương “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế” ở nước ta trong thời gian qua, một số ý kiến tỏ ra khá dè dặt về triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn là tích cực, thậm chí trong dài hạn là “bùng nổ” nếu khắc phục được những rào cản không đáng có về thể chế, có cơ chế đột phá để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và khai thác hiệu quả những lợi thế do các FTA thế hệ mới mang lại.
Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 3-3,5%, năm 2022 đạt khoảng 6,7 -7% và có thể đạt mức cao hơn trong những năm tiếp theo. Một số tổ chức khác dự báo kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi sau khi mở cửa và đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 6,5%/năm ngay trong giai đoạn 2022-2023 như mục tiêu đã đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Với các dự báo về tăng trưởng kinh tế nói trên, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh, đòi hỏi tốc độ tăng trưởng ngành điện phải đạt 12-13%/năm ngay từ năm 2022 và cao hơn trong những năm tiếp theo.
Thứ hai, về an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Nghị quyết số 55-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh vấn đề xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện, hình thành, phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng, các địa phương có lợi thế.
Phát triển điện gió và điện mặt trời không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính mà còn là dự địa lớn cho tăng trưởng của ngành điện. Thực tế cho thấy, sau khi có chính sách khuyến khích của Chính phủ, các dự án điện gió, điện mặt trời do tư nhân đầu tư đã tăng đột biến. Nếu như năm 2018 chỉ có 3 nhà máy đóng điện thì 6 tháng đầu năm 2019 đã có 86 nhà máy với công suất 4.500 MW. Sự bùng nổ của nguồn năng lượng tái tạo đến mức EVN thông báo phải cắt giảm sản lượng của các nhà máy này để tránh tình trạng quá tải cục bộ của hệ thống truyền tải.
Đây là vấn đề rất sáng suy ngẫm để có chính sách và giải pháp phù hợp cho năng lượng tái tạo - nguồn năng lượng sạch dồi dào có thể phát triển bằng vốn đầu tư tư nhân. Khơi thông dòng chảy cho năng lượng tái tạo không chỉ là yếu tố đảm bảo an ninh năng lượng mà còn nhằm thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bài toán cung - cầu và cơ cấu nguồn điện vì vậy phải được cân nhắc, tinh toán kỹ để tìm ra lời giải đúng. Vấn đề cốt lõi được đặt ra là vừa phải đảmbảo nguồn cung điện cho một nền kinh tế hứa hẹn tăng trưởng nhanh, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.