Bám sát mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành Thông tin và Truyền thông
Việc thực hiện các dự án của Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã lan tỏa ở khắp các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Trong đó, Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Thông tin và Truyền thông” đã góp phần hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp các lĩnh vực sản xuất thiết bị thông tin và truyền thông, sản phẩm tổng đài, thiết bị đầu cuối…
Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã được Bộ Khoa học – Công nghệ tham mưu, soạn thảo và Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt ngày 21/5/2010 tại Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg. Có 9 Dự án thành phần thuộc Chương trình, trong đó có Dự án 5: “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Thông tin và Truyền thông”.
Theo đó, năm 2015, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Thông tin và Truyền thông” với các mục tiêu chính gồm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị thông tin và truyền thông trên cơ sở áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của ngành, doanh nghiệp; tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng thiết bị thông tin và truyền thông; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm tổng đài, thiết bị đầu cuối đạt tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Để đạt các mục tiêu đề ra, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực thực hiện các hoạt động xây dựng bổ sung hệ thống quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam cho sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng của dự án nhằm tăng cường chất lượng, an toàn, nâng cao tính cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu; Hỗ trợ phát triển hệ thống phòng thử nghiệm trong nước và hoạt động đo kiểm đánh giá sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhập khẩu và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu; Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ, đổi mới công nghệ; áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng ; Đào tạo nâng cao năng lực hoạt động tiêu chuẩn, chất lượng, đo kiểm, đo kiểm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng tại các doanh nghiệp.
Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Thông tin và Truyền thông” đã góp phần phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng công nghệ dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, từng bước tiến đến làm chủ công nghệ nền tảng tạo đột phá cho chuyển đổi sang nền kinh tế số trong tương lai gần.
Kết quả là, đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng mới 21 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) bảo đảm đồng bộ các TCVN cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế; hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chuyên ngành thông tin và truyền thông hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế ở mức cao; Quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% các nhóm sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định hiện hành; Hỗ trợ bước đầu nâng cao năng lực của 03 tổ chức thử nghiệm phục vụ đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đào tạo 150 lượt cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông về hoạt động tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Nghiên cứu phát triển 07 sản phẩm, giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong các hoạt động quản lý, phát triển công nghệ phát thanh, truyền hình và bảo đảm an toàn thông tin.
Theo đánh giá của Ban điều hành Chương trình Quốc gia về năng suất chất lượng, Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Thông tin và Truyền thông” tuy quy mô còn hạn hẹp nhưng đã được triển khai bám sát theo mục tiêu đã đề ra. Dự án đã góp phần hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp các lĩnh vực sản xuất thiết bị thông tin và truyền thông, sản phẩm tổng đài, thiết bị đầu cuối…; Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng công nghệ dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, từng bước tiến đến làm chủ công nghệ nền tảng tạo đột phá cho chuyển đổi sang nền kinh tế số trong tương lai gần.
đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng mới 21 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) bảo đảm đồng bộ các TCVN cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế; hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chuyên ngành thông tin và truyền thông hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế ở mức cao; Quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% các nhóm sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định hiện hành; Hỗ trợ bước đầu nâng cao năng lực của 03 tổ chức thử nghiệm phục vụ đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;