Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng
Dự kiến Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2030 sẽ tiếp tục áp dụng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chương trình cũng đề ra đã đề ra các giải pháp đề đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng dự thảo “Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất và chất lượng (NSCL) sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2030. Chương trình đặt ra các mục tiêu:
Một là, hỗ trợ các tổ chức, DN áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến để nâng cao NSCL và khả năng canh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Hai là, thúc đẩy nâng cao NSCL của DN gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững, bảo đảm các quy định pháp luật về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn thông tin, và trách nhiệm xã hội;
Ba là, thúc đẩy phong trào năng suất quốc gia và phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Dự kiến Chương trình quốc gia về hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao NSCL giai đoạn đến năm 2030 tiếp tục áp dụng cho mọi tổ chức, DN, ưu tiên các DN nhỏ và vừa, DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Ban điều hành Chương trình 712, Chương trình NSCL giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn DNáp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL gắn với nền tảng sẵn sàng cho sản xuất thông minh: Hệ thống quản lý chất lượng (TCVN/ISO 9001); Hệ thống quản lý môi trường (TCVN/ISO 14001); Hệ thống quản lý Năng lượng TCVN/ISO 50001; Hệ thống quản lý an toàn thông tin theo TCVN/ISO 27001; hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội (TCVN/ISO 26000); Hệ thống quản lý rủi ro (TCVN/ISO 31000); Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (TCVN/ISO 45001); Hệ thống quản lý liên tục trong kinh doanh (ISO 22301); Hệ thống truy xuất nguồn gốc…; các hệ thống quản lý chuyên ngành: Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp dầu khí (ISO 29001), sản xuất ôtô và công nghiệp phụ trợ (TCVN/ISO/TS 16949), viễn thông (TL 9000), thiết bị y tế (TCVN/ISO 13485); Hệ thống quản lý chất lượng phòng thử nghiệm (TCVN/ISO/IEC 17025); Hệ thống QLCL phòng thử nghiệm y tế theo ISO/IEC 15189. Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (TCVN/ISO 22000), HACCP, GMP…; các hệ thống quản lý mới và hệ thống tích hợp phù hợp với đặc thù DN.
Các DN cũng được hỗ trợ áp dụng các công cụ cải tiến NSCL: Thực hành 5S, cải tiến Kaizen, loại trừ 7 lãng phí; 7 công cụ kiểm soát chất lượng; Quản lý tinh gọn (Lean); Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM); Chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPI); Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA); Quản lý chất lượng toàn diện (TQM); Giải thưởng chất lượng quốc gia; Mô hình nhóm huấn luyện (TWI); các công cụ cải tiến NSCL phù hợp khác...
Dự kiến Chương trình quốc gia về hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao NSCL giai đoạn đến năm 2030 tiếp tục áp dụng cho mọi tổ chức, DN, ưu tiên các DN nhỏ và vừa, DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, các DN còn được hỗ trợ áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P); Thực hành sản xuất Nông nghiệp hữu cơ theo TCVN 11041-1:2017, TCVN 11041-2:2017, TCVN 11041-3:2017; Năng suất xanh…và được hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các công cụ hỗ trợ cho mô hình sản xuất thông minh: các phần mềm áp dụng hệ thống quản lý; phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm (PLM); sản xuất kỹ thuật số (DM); hoạch định nguồn lực DN (ERP); quản lý chuỗi cung ứng (SCM); hệ thống thực thi sản xuất (MES);…
Chương trình quốc gia về hỗ trợ DN nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ DN nâng cao NSCL gắn với những đòi hỏi mới của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đó, đào tạo được ít nhất 200 chuyên gia NSCL được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn; Khoảng 5.000 cán bộ quản lý NSCL của DN được đào tạo chuyên sâu các kiến thức về NSCL. Đây là nguồn lực tại chỗ đảm bảo thực hiện và duy trì các dự án cải tiến NSCL tại DN (trong khuôn khổ Chương trình quốc gia nâng cao NSCL giai đoạn 2010-2020 hoạt động đào tạo mới dừng lại ở đào tạo nhận thức, kiến thức cơ bản; đào tạo chuyên gia còn hạn chế).
Để đạt được các mục tiêu nói trên, Chương trình quốc gia về hỗ trợ DN nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2030 đã đề ra các giải pháp đề đào tạo nguồn nhân lực gồm:
Thứ nhất, xây dựng tiêu chuẩn chuyên gia NSCL; hệ thống đánh giá công nhận trình độ chuyên gia NSCL; cơ sở dữ liệu về tổ chức tư vấn và chuyên gia NSCL.
Thứ hai, cập nhật, biên soạn tài liệu đào tạo, tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL theo ngành; Phổ biến, nhân rộng tủ sách NSCL cho các tổ chức, DN.
Thứ ba, tổ chức các khóa đào tạo trong và ngoài nước cho các chuyên gia, cán bộ đào tạo, tư vấn về NSCL; truy xuất nguồn gốc; giải thưởng chất lượng quốc gia.
Thứ tư, đào tạo đội ngũ giảng viên về NSCL. Mở rộng đào tạo kiến thức về NSCL trong các trường đại học, cao đẳng.
Thứ năm, bồi dưỡng kiến thức về NSCL cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.