Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan: Khẳng định vai trò nòng cốt về cải cách, hiện đại hóa hải quan

Hùng Quang

Thành lập từ ngày 17/4/2007 theo Quyết định số 1749/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đến nay sau 15 năm hình thành và phát triển, Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) đã không ngừng trưởng thành và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tích chung của ngành Hải quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Quyết định số 1749/QĐ-BTC, lực lượng chuyên trách thuộc Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan được giao 4 nhóm nhiệm vụ gồm: Xây dựng và quản trị thực hiện chiến lược cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan; Phát triển quan hệ đối tác Hải quan với các bên có liên quan; Quản lý đánh giá hiệu quả hoạt động hải quan; Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong các lĩnh vực công tác hải quan.

Trong những ngày đầu thành lập, ngành Hải quan chưa có các kế hoạch trung hạn và dài hạn công tác cải cách hiện đại hóa, các đơn vị trong toàn Ngành triển khai nhiệm vụ tương đối độc lập, thiếu gắn kết, chưa theo định hướng chung, các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu thực hiện bằng phương thức thủ công và bán thủ công dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan chưa cao…

Vì thế, lực lượng chuyên trách cải cách hiện đại hóa đã mạnh dạn nghiên cứu các chuẩn mực hải quan hiện đại của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và triển khai thí điểm một số nội dung trọng tâm.

Có thể kể đến việc xây dựng Kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hóa giai đoạn 2008-2010; xây dựng và quản trị chiến lược, kế hoạch theo định hướng của WCO; nghiên cứu về quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp.

Cùng với đó là phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động hải quan bằng hệ thống chỉ số; triển khai thí điểm thành công thủ tục hải quan điện tử; hình thành bộ máy và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ xây dựng và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Trên cơ sở thành công của Kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hóa giai đoạn 2008 - 2010, đứng trước yêu cầu cấp thiết phải có định hướng dài hơi hơn cho ngành Hải quan, cùng với việc hoàn thiện phương pháp luận xây dựng và quản trị chiến lược, kế hoạch theo định hướng của WCO, Tổng cục Hải quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2015 với tầm nhìn, mục tiêu từ tổng quát trong toàn Ngành đến cụ thể đối với các lĩnh vực nghiệp vụ đến năm 2020.

Sau 5 năm thực hiện, nhờ điều phối, quản trị chung của lực lượng chuyên trách cải cách hiện đại hóa hải quan, toàn Ngành đã triển khai đồng bộ, thống nhất công tác cải cách hiện đại hóa, thực hiện thành công Kế hoạch và cơ bản hoàn thành mục tiêu 5 năm của Chiến lược trên tất cả các lĩnh vực.

Về thủ tục hải quan điện tử, tiếp nối việc thí điểm từ năm 2009, năm 2012, lực lượng chuyên trách cải cách hiện đại hóa hải quan đã chủ trì triển khai mở rộng thí điểm đối với 102 chi cục hải quan tại 21/34 cục hải quan tỉnh, thành phố.

Sau đó, năm 2013, thủ tục hải quan điện tử đã chuyển đổi thành công từ thí điểm sang thực hiện chính thức, với cơ sở dữ liệu chuyển từ xử lý phân tán tại các chi cục sang xử lý tập trung tại Tổng cục Hải quan, trở thành tiền đề quan trọng cho việc triển khai Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS).

Cũng trong giai đoạn này, một nhiệm vụ quan trọng mà Hải quan Việt Nam được Chính phủ giao là chủ trì là triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, hướng tới triển khai Cơ chế một cửa ASEAN.

Thực hiện nhiệm vụ này, lực lượng chuyên trách cải cách hiện đại hóa đã tích cực triển khai các hoạt động như làm việc, thúc đẩy các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia; chủ trì thiết kế, xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa; khai trương kỹ thuật Cổng thông tin một cửa quốc gia và triển khai thí điểm một số thủ tục liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương.

Từ tháng 9/2015, Cơ chế một cửa ASEAN đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore). Hiện nay, các nước thành viên đang triển khai giai đoạn 2 kết nối thử nghiệm để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN và sẵn sàng để chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực.

Tiếp nối các kết quả đạt được và trước yêu cầu định hướng lớn, lâu dài cho ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và trình Chính phủ Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 với tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2025 và đến năm 2030 là “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan”.

Hiện lực lượng chuyên trách cải cách hiện đại hóa đang xây dựng Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025. Kế hoạch xác định và đặt ra 9 nhóm chỉ tiêu, 10 nhóm giải pháp toàn diện, đồng bộ, đầy đủ chi tiết, cụ thể liên quan đết tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ và quản lý nội ngành Hải quan để triển khai các nội dung Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 1 đến năm 2025.

Trên cơ sở 10 nhóm giải pháp, Kế hoạch đã xây dựng và xác định trên 300 hoạt động cụ thể hóa thực hiện các giải pháp, trong đó xác định rõ kết quả đầu ra, lộ trình thực hiện và phân công đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, đơn vị phối hợp thực hiện đảm bảo khả thi, đồng bộ và thống nhất...

Phát huy thành quả trong 15 năm xây dựng và phát triển, lực lượng chuyên trách cải cách hiện đại hóa tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương công vụ và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiếp tục nhiệt huyết, tận tâm, tích cực đóng góp trí tuệgóp phần tích cực để đạt được mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.