Bán công ty con để hút vốn
Thị trường chứng khoán khởi sắc trong các tháng đầu năm đã tạo động lực giúp doanh nghiệp (DN) mạnh dạn mang “con cưng” ra bán, với mục tiêu thu hút được nguồn vốn từ công chúng, mở rộng hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh.
CTCP Đường Biên Hoà (BHS) mới đây, đã lên kế hoạch tăng thêm gần 1.700 tỷ đồng vốn điều lệ. Theo đó, DN phát hành hơn 38,8 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30%, đồng thời chào bán 129,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Theo giới phân tích, với mức tăng trưởng lợi nhuận (sau thuế) 55% hiện nay, tiềm năng tăng giá của cổ phiếu BHS ở mức 18,3%, lợi tức sẽ đạt khoảng 7,4%. Do vậy việc huy động vốn từ việc phát hành cổ phiếu của BHS sẽ diễn ra thuận lợi trong các tháng tới.
Quan sát trên thị trường cho thấy, không chỉ BHS thuận lợi trong việc huy động vốn mà hàng loạt các DN có lợi suất cổ tức cao đang tỏ ra thắng thế trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn nhàn rỗi từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và bận rộn.
Chẳng hạn, ở thời điểm này, nhà đầu tư khi mua cổ phiếu TDC của CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ở mức giá 7.000 đồng/cổ phiếu có thể được hưởng lợi tức trên 14%. Trong khi đó, các cá nhân bận rộn không có thời gian theo dõi thị trường hoàn toàn yên tâm nắm giữ hoặc mua vào các cổ phiếu của CTCP Hùng Vương (HVG); CTCP Bất động sản và Xây dựng Trường Thành (TEG); CTCP Nhựa Đồng Nai; CTCP Tasco (HUT); CTCP Chế biến Thủy sản Nam Việt (ANV)… bởi mức lợi tức của các DN này đều đang đạt mức từ 8-14%/năm, cao hơn nhiều so với mức lãi suất huy động trung bình của các NHTM.
Không chỉ đơn thuần tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, nhìn nhận qua các sàn chứng khoán cho thấy thời điểm này hoạt động gia tăng mở room cho khối ngoại và bán lại các công ty con cũng đang trở thành “vũ khí” lợi hại để các DN có lợi tức cao cạnh tranh gọi vốn.
Theo đó, tính đến giữa tháng 4/2017 hàng loạt các DN lớn như Nhựa Bình Minh, Dược Hậu Giang, Traphaco, Bibica; Dệt may Thành Công, CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam, CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang, CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera… đã trình đề án tăng room cho khối ngoại để chờ cổ đông lớn quyết định về tỷ lệ room mới.
Trong khi đó, đến thời điểm này, ghi nhận của Thời báo Ngân hàng đã có nhiều DN thông qua phương án bán các công ty con để cạnh tranh hút vốn.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Kido (KDC) đã thực hiện chào bán 11,2 triệu cổ phần của CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido - Kido Food (KDF), tương đương tỷ lệ 20% vốn điều lệ. CTCP Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) cũng đã giảm sở hữu tại công ty con là CTCP Xây dựng hạ tầng CII (CII E&C) từ 99,54% xuống 51% bằng cách bán 19,3 triệu cổ phiếu.
Mới đây, CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) cũng đã thực hiện IPO thành công tại Công ty Xây dựng số 2 Ðồng Nai. Mặc dù chỉ bán hơn 1 triệu cổ phần với giá khởi điểm 17.900 đồng/cổ phần, D2D đã thu về 32,63 tỷ đồng với mức giá 31.600 đồng/cổ phần, tức cao hơn 77% so với giá khởi điểm.
Như vậy có thể thấy, thị trường chứng khoán khởi sắc trong các tháng đầu năm đã tạo động lực giúp DN mạnh dạn mang “con cưng” ra bán, với mục tiêu thu hút được nguồn vốn từ công chúng, mở rộng hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh.
Ðồng thời, diễn biến này giúp thị trường đón nhận nguồn cung hàng chất lượng và giúp thị trường chứng khoán dần thực hiện chức năng cơ bản nhất của mình, là kênh huy động vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, đứng từ góc độ huy động vốn của các ngân hàng thương mại thì rõ ràng khả năng cạnh tranh trong việc giữ chân người gửi tiền đang ngày một thách thức, đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải rất thận trọng trong việc ổn định thanh khoản trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang ở mức cao hơn so với tăng trưởng huy động trong các tháng đầu năm.