Bàn giải pháp khôi phục ngành du lịch trước tác động của đại dịch COVID-19
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề. Đại dịch cho chúng ta nhiều bài học về xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng, về định hướng phát triển “đi cả bằng hai chân”, phát triển thị trường du lịch quốc tế và nội địa. Để phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh hiện tại, trước mắt, chúng ta phải tập trung cho thị trường du lịch nội địa với các sản phẩm hấp dẫn, độc đáo.
Thiệt hại từ đại dịch đối với ngành du lịch và những giải pháp ứng phó của Chính phủ
Tiếp nối đà tăng trưởng cao 22,7% trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch bước vào năm 2020 đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019. Du lịch Việt Nam đã kỳ vọng vào một năm thành công, vượt chỉ tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế năm 2020 theo Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (Tổng cục Du lịch, 2020).
Tuy nhiên, từ tháng 02/2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Theo Tổng cục Thống kê (2021), từ tháng 3 đến hết năm 2020, Việt Nam không mở cửa du lịch quốc tế, ngành du lịch đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước (Hình), trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; từ quý II đến nay chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Hình: Khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2016-2020
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021)
Ở trong nước, mặc dù đại dịch COVID-19 nhanh chóng được kiểm soát tốt, du lịch nội địa vẫn hoạt động, nhưng liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Các doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành điêu đứng, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động; các khách sạn phải đóng cửa. Cụ thể, năm 2020, cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa, nhưng 90%-95% các doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động. Cũng trong năm 2020, có 201 công ty lữ hành xin cấp mới giấy phép, nhưng có tới 338 công ty xin thu hồi giấy phép. Các công ty lữ hành quốc tế chuyển hết sang kinh doanh lữ hành nội địa. Hơn 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng trên cả nước nhưng công suất phòng chỉ đạt 20%-25% ở các tỉnh, thành phố; một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vì không cầm cự nổi.
Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 ước tính chỉ đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, giảm 59,5% so với năm trước. Nhiều địa phương có doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 giảm mạnh, như: Khánh Hòa giảm 85,1%; Quảng Nam giảm 78,7%; TP. Hồ Chí Minh giảm 76,7%; Đà Nẵng giảm 73,3%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 64,3%; Bình Dương giảm 60,1%; Quảng Bình giảm 58,2%; Cần Thơ giảm 55,3%; Hà Nội giảm 48,4%; Bình Định giảm 40,1%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm nay ước tính cũng chỉ đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên một số các sự kiện quảng bá, xúc tiến điểm đến trong kế hoạch công tác năm 2020 đã không thực hiện được, như: Năm Du lịch quốc gia 2020 - Ninh Bình; quảng bá nhân sự kiện giải đua xe F1; Hội chợ WTM (Anh)…
Để đối phó với những tác động từ dịch bệnh đối với ngành du lịch, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ. Trong đó, doanh nghiệp và lao động ngành du lịch là một trong số những đối tượng được quan tâm và hưởng chính sách hỗ trợ, bao gồm: gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đại lý du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, bảo tàng, khu vui chơi giải trí; giảm giá tiền điện cho các cơ sở lưu trú và các doanh nghiệp; miễn, giảm lãi suất và lệ phí; tiếp cận các khoản vay ưu đãi không lãi cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên; hỗ trợ tài chính người lao động du lịch bị mất việc hoặc nghỉ không lương bởi đại dịch...
Đặc biệt, Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 quy định các chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành du lịch, như: giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020…
Ngành du lịch cũng đã liên tục có các văn bản đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp du lịch để triển khai trong và sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai và cập nhật các cơ chế, chính sách mới ban hành trong gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, ngành du lịch đã 2 lần phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa: lần thứ nhất vào tháng 5/2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và lần thứ hai vào tháng 9/2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Chương trình kích cầu du lịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Việc kích cầu du lịch nội địa đã tạo ra xu hướng chuyển dịch mới, lan tỏa cảm hứng khám phá Việt Nam an toàn và hấp dẫn, đem lại những đóng góp thiết thực cho quá trình khôi phục kinh tế. Nhiều khách du lịch trong nước lần đầu tiên được trải nghiệm, khám phá các điểm du lịch hàng đầu và nhiều địa điểm chưa được biết đến của Việt Nam chỉ với mức chi phí trung bình khá; các cơ sở vui chơi giải trí, các hoạt động mua sắm đều được kích hoạt; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoạt động trở lại, từ đó giải quyết công ăn việc làm cho một lượng nhất định người lao động…
Mặc dù sự hồi sinh của du lịch trong nước có thể chưa đủ để thúc đẩy hoạt động của toàn bộ ngành du lịch, nhưng đã giúp một bộ phận các doanh nghiệp nhỏ hoạt động và kích thích nền kinh tế địa phương, làm giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nền kinh tế nói chung cho đến khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại.
Điều đáng chú ý là, năm 2020, bất chấp những tê liệt trong hoạt động vì “bão COVID-19”, du lịch Việt Nam vẫn ghi dấu bằng loạt giải thưởng quốc tế uy tín và có mặt thường xuyên trên các tạp chí lữ hành uy tín của thế giới. Cụ thể, tháng 11/2020, vượt qua nhiều ứng viên, du lịch Việt Nam đã giành được nhiều bình chọn ở nhiều hạng mục của Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA), trong đó Việt Nam được trao tặng giải thưởng Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng danh giá này.
Ở trong khu vực, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là Điểm đến Văn hóa, Điểm đến Di sản và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á, cùng với danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất châu Á. Nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch của Việt Nam cũng được trao tặng các giải thưởng quốc tế danh giá, như: Sun Group, VinGroup, VietnamAirlines, Vietravel…
Tháng 12/2020, Lonely Planet - tạp chí du lịch nổi tiếng của Australia - đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến có ẩm thực tốt nhất cho chuyến du lịch cá nhân năm 2021 với nhận định: “Nếu chỉ có một quốc gia ẩm thực Đông Nam Á được coi là “tốt nhất trong những nước tốt nhất”, thì đó là Việt Nam”. Trong khi đó, tạp chí Travel+Leisure của Mỹ đã xếp Việt Nam đứng thứ 16 trong danh sách 20 điểm đến dành cho du lịch cá nhân trong năm 2021. CNTraveler cũng lựa chọn Việt Nam đứng ở vị trí thứ 13 trong xếp hạng 21 điểm đến tốt nhất cho năm 2021 dựa trên đánh giá kiểm soát tốt đại dịch COVID-19… (Trang Linh, 2020).
Giải pháp kích cầu ngành du lịch
Trước những diễn biến vẫn còn phức tạp và khó lường của đại dịch Covid 19, để ngành du lịch phục hồi và phát triển, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, bảo đảm công tác phòng, chống dịch, giữ gìn điểm đến an toàn. Cần có biện pháp để trấn an tâm lý du khách thông qua tăng cường các biện pháp y tế, như: phân bố nguồn lực để bảo đảm vệ sinh cho dịch vụ vận tải, cung cấp giấy chứng nhận y tế… Đồng thời, bảo đảm đủ cơ sở lưu trú hợp vệ sinh với chi phí phù hợp để đáp ứng nhu cầu du lịch trong thời gian tới. Bởi sau dịch bệnh, tâm lý sợ nhiễm bệnh vẫn là nỗi lo. Do đó, yếu tố an toàn cần được quan tâm.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch. Miễn giảm các khoản đóng góp bảo hiểm y tế và xã hội cho doanh nghiệp du lịch, giảm lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp có nguồn tài chính vững chắc, nhưng đang gặp vấn đề về dòng tiền tạm thời do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhà nước cần có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch, như: miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ…
Thứ ba, đẩy mạnh kích cầu dịch vụ du lịch nội địa. Cần tăng cường các chuyến bay nội địa và tàu hỏa đến các điểm du lịch chính. Việc này vừa giúp vực dậy ngành giao thông - mạch máu của nền kinh tế vừa tạo điều kiện thúc đẩy ngành du lịch nội địa khôi phục.
COVID-19 làm thay đổi toàn bộ hành vi tiêu dùng cũng như nhu cầu của khách du lịch. Để thành công trong chương trình kích cầu du lịch nội địa, các công ty cần tung ra các chương trình du lịch ngắn ngày, trong khoảng cách gần và bổ sung thêm các chương trình du lịch liên quan đến yếu tố thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe và loại hình du lịch thể thao mang tính gắn kết gia đình. Nguyên tắc cơ bản của chương trình kích cầu là bảo đảm an toàn cho du khách, giảm giá các dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả du khách có điều kiện đi du lịch, giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ; tăng thêm dịch vụ bổ sung nhưng không tăng giá để bảo đảm hấp dẫn cho du khách. Ngoài chuyện giảm giá, làm phong phú lịch trình tour du lịch, thì mảng ẩm thực cần hết sức lưu tâm bởi tâm lý người Việt rất thích được thưởng thức ẩm thực đặc trưng vùng miền. Khi khôi phục được du lịch nội địa thì các hoạt động sẽ liên tục tạo ra việc làm, thu nhập, tạo sự lan tỏa cho nền kinh tế.
Thứ tư, đẩy mạnh áp dụng công nghệ số. Đại dịch diễn ra đã khiến việc sử dụng thiết bị di động và công cụ số càng trở nên thiết yếu. Thời gian tới, cần đầu tư nhiều hơn vào giải pháp truyền thông số cho các phương án truyền thông xúc tiến du lịch, thay cho các kênh truyền thông cũ, như: roadshow, hội chợ… vốn khó đo lường hiệu quả và không còn phù hợp với xu hướng thị trường.
Các công ty đại lý lữ hành trực tuyến cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ đặt vé qua tin nhắn hoặc các nền tảng mạng xã hội để tăng khả năng thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tính đến chuyện áp dụng công cụ số vào những điểm mới trên hành trình của khách hàng. Cần nhìn nhận thực tế rằng, những yếu tố thúc đẩy sự gắn bó của khách hàng đã thay đổi. Trong bối cảnh mọi thứ đều không chắc chắn, thì du khách sẽ ưu tiên chọn khách sạn cho phép hủy chuyến hơn là khách sạn có thương hiệu hay giá thành tốt hơn. Trong trường hợp đó, các doanh nghiệp có thể cho phép khách hàng tự lên lịch trình bằng cách sử dụng các công cụ số liên kết với nhau và hỗ trợ khả năng sửa hoặc hủy kế hoạch. Những giải pháp và chính sách cho phép khách hàng có sự lựa chọn và kiểm soát lịch trình của mình sẽ giúp xây dựng niềm tin và sự tin tưởng về lâu dài – vốn là điều kiện cần thiết để sớm kéo du khách trở lại./.
Tài liệu tham khảo
1. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020
2. Margaux Constantin, Matthieu Francois, Thao Le (2021). Đổi mới ngành du lịch: Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi như thế nào
3. Phạm Thị Thanh Bình (2020). Giải pháp kinh cầu du lịch Việt Nam hậu COVID-19, truy cập từ https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/nghien-cuu-trao-doi?p_p_auth=4IGHYSGn&p_p_id=101&p_p_lifecycle=0&p_p_state=normal&p_p_mode=view&p_p_col_id=column-2&p_p_col_pos=6&p_p_col_count=12&_101_struts_action=%2Fasset_publisher%2Fview_content&_101_assetEntryId=2411715&_101_type=content&_101_urlTitle=giai-phap-kinh-cau-du-lich-viet-nam-hau-COVID-19
4. Trang Linh (2020). Du lịch Việt Nam 2020: phát huy nội lực trong “bão COVID-19”, truy cập từ https://nhandan.com.vn/dien-dan-dulich/du-lich-viet-nam-2020-phat-huy-noi-luc-trong-bao-COVID-19-630469/
5. Tổng cục Du lịch (2020). Nhìn lại năm 2020 của du lịch Việt Nam: Ứng phó COVID-19, phục hồi hoạt động, được thế giới vinh danh, https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/printer/35206
6. Tổng cục Thống kê (2021). Du lịch năm 2020 lao đao vì COVID-19, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/du-lich-nam-2020-lao-dao-vi-COVID-19/