Tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu
Bên cạnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA), Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Liên minh Hải quan Belarus, Kazakhstan và Nga (VCUFTA); FTA giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được xem là mảnh ghép quan trọng để kinh tế Việt Nam tiến mạnh vào thị trường Châu Âu. UKVFTA tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) An Giang.
Kế thừa EVFTA
Ngày 18/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 721/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).
Theo Bộ Công thương, đây là hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), với những điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo thương mại song phương Việt Nam và Vương quốc Anh (UK) không bị gián đoạn trong bối cảnh Vương quốc Anh chính thức rời khỏi EU.
Hiệp định UKVFTA được xem là khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam - Vương quốc Anh đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. Bên cạnh tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình của EVFTA, với UKVFTA, Vương quốc Anh vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định đối với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan trong EVFTA, trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lớn như gạo, tinh bột sắn, thủy sản.
Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam - Anh đạt 6,6 tỷ USD, trong đó chủ yếu là xuất khẩu (5,8 tỷ USD), còn lại là nhập khẩu (857 triệu USD). Giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương giữa 2 nước tăng trung bình 12,1%/năm.
Dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Anh. Theo Bộ Công thương, với UKVFTA, giá trị thuế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3.500 tỷ đồng/năm.
Cơ hội cho doanh nghiệp An Giang
Thực hiện Quyết định 721/QĐ-TTg, ngày 18/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 440/KH-UBND về thực hiện Hiệp định UKVFTA trên địa bàn tỉnh An Giang. UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định UKVFTA và thị trường Vương quốc Anh.
Bên cạnh đó, chú trọng tập huấn về thị trường, cam kết của UKVFTA trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, mức giảm thuế, quy tắc xuất xứ hàng hóa, thủ tục xuất, nhập khẩu, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ… đến DN và cơ quan nhà nước trên địa bàn An Giang theo từng chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể, đảm bảo hiểu rõ, hiểu đúng, giúp việc thực thi UKVFTA được đầy đủ và hiệu quả.
UBND tỉnh An Giang giao Sở Công thương thiết lập đầu mối thông tin về Hiệp định UKVFTA của tỉnh để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết, các vấn đề có liên quan đến UKVFTA trên cơ sở đồng bộ với đầu mối thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Sở Công thương chủ động phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường (thuộc Bộ Công thương), Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật các thông tin về thị trường, điều kiện kỹ thuật mới trong nhập khẩu hàng hóa của các nước theo UKVFTA, cung cấp cho DN, cơ quan nhà nước địa phương trong việc chủ động kế hoạch kinh doanh cũng như hoạt động hỗ trợ DN.
Bên cạnh rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với Hiệp định UKVFTA, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết phục vụ thị trường xuất khẩu. An Giang chú trọng xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới trong phát triển vùng nguyên liệu gạo, nếp, rau màu và cây ăn trái phục vụ thị trường xuất khẩu theo Hiệp định UKVFTA.
Để tận dụng tốt UKVFTA, An Giang đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Trong chính sách công nghiệp của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, An Giang ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên của Tỉnh; triển khai thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng. Tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, như: hỗ trợ DN ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030…
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư, triển khai Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. DN tỉnh An Giang được hỗ trợ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng có sự tham gia của các DN Vương quốc Anh để tận dụng lợi ích của Hiệp định UKVFTA; tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các DN có vốn đầu tư của Vương quốc Anh kết nối với DN nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng.
UBND tỉnh An Giang phối hợp Tham tán Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland, các đối tác khác tổ chức các đoàn tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu, tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Kết hợp xúc tiến gắn với mời gọi các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại vào An Giang. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện để các DN gặp gỡ, kết nối giao thương và mở rộng thị trường xuất khẩu.