Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu
Ngày 29/5/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 26:2024/BGTVT về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu.
Thông tư số 14/2024/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2024 và bãi bỏ Thông tư số 09/2019/TT-BGTVT ngày 01/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu.
Đối với các tàu biển có giai đoạn bắt đầu đóng mới trước ngày Thông tư này có hiệu lực tiếp tục thực hiện theo quy định tại QCVN 26:2018/BGTVT, trừ các trường hợp cụ thể được quy định trong QCVN 26:2024/BGTVT.
Quy chuẩn quy định cụ thể việc kiểm tra, kết cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm lắp đặt trên các tàu biển Việt Nam, các giàn cố định, di động trên biển, các kho chứa nổi sử dụng cho mục đích thăm dò và khai thác dầu khí trên biển hoạt động tại vùng biển Việt Nam được thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
Bên cạnh đó, Quy chuẩn còn áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại Quy chuẩn này là Cục Đăng kiểm Việt Nam, các chủ tàu, các cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải và sửa chữa tàu, các cơ sở chế tạo động cơ, trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm lắp đặt trên tàu.
Các yêu cầu có liên quan trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép được áp dụng đối với vật liệu, trang thiết bị, lắp đặt và tay nghề thợ thi công trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm biển, trừ khi có các yêu cầu khác được quy định trong Quy chuẩn này.
Các thiết bị khác về ngăn ngừa ô nhiễm của tàu mà Quy chuẩn này không yêu cầu phải trang bị, nếu được lắp đặt, cũng phải tuân thủ theo các yêu cầu mà Đăng kiểm thấy phù hợp.
Trong trường hợp có các lý do đặc biệt về việc không thỏa mãn yêu cầu nào đó của Quy chuẩn thì kết cấu và thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm của tàu có thể tuân thủ các yêu cầu khác mà Đăng kiểm thấy phù hợp, dựa trên cơ sở các yêu cầu của Quy chuẩn.
Trong trường hợp Quy chuẩn này không quy định chi tiết về các tiêu chuẩn kỹ thuật, phương pháp tính, kiểm tra thì chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu có thể đề nghị Đăng kiểm áp dụng các quy định có liên quan trong các hướng dẫn, quy phạm của các tổ chức phân cấp thuộc Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS) và các hướng dẫn, bộ luật của IMO.
Bộ Giao thông Vận tải lưu ý, trong trường hợp đặc biệt, cơ quan Đăng kiểm có thể chấp nhận việc lắp đặt trên tàu các phụ tùng, vật liệu, thiết bị khác với được quy định trong Quy chuẩn khi chúng ít nhất có hiệu quả tương đương với những điều mà Quy chuẩn này yêu cầu. Tuy nhiên, sự chấp nhận này không được áp dụng đối với trường hợp thay thế các phương pháp vận hành để thay đổi việc kiểm soát thải dầu tương đương với các đặc tính về thiết kế và kết cấu được Quy chuẩn này quy định...
Đăng kiểm có thể xem xét miễn giảm một số yêu cầu cụ thể cho một tàu chỉ thực hiện một chuyến đi đơn lẻ ra ngoài vùng hoạt động được chứng nhận với điều kiện phải có các biện pháp tương đương để đảm bảo duy trì việc kiểm soát xả thải đáp ứng quy định của vùng đó.