Bán nợ: Trăm kẻ bán, vài người mua
Hàng chục tổ chức tín dụng tham gia bán nợ xấu, trong khi bên mua nợ hầu như chỉ trông cậy vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam cùng Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp.
Những số liệu đáng mừng củaNgân hàngNhà nước Việt Nam cho thấy, nợ xấu vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, thấp hơn đáng kể so với mức 2,78% vào cuối tháng 5/2016. Riêng 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã xử lý được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu (bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) gần 8.900 tỷ đồng, khách hàng trả nợ gần 31.000 tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu là 7.240 tỷ đồng…).
Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm, thì con số nợ tuyệt đối lại đang phình to lên, do tín dụng tăng trở lại. Điều này càng đáng lo hơn, khi nợ xấu do VAMC mua về đa phần vẫn nằm trong kho, chưa được xử lý.
Theo ông Đoàn Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc VAMC, lũy kế từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua 251.000 tỷ đồng nợ xấu và số nợ xấu được xử lý đến nay mới đạt 34.000 tỷ đồng. Điều đáng mừng là, tốc độ thu hồi nợ luôn tăng qua từng năm. Nếu như năm 2014, VAMC chỉ thu được 5.000 tỷ đồng, thì đến năm 2015 đã thu được 12.000 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm đã thu được 11.000 tỷ đồng.
“Kế hoạch của VAMC năm 2015 và 2016 là xử lý 30.000 tỷ đồng nợ xấu. Trên thực tế, tốc độ thu hồi nợ thường tăng mạnh những tháng cuối năm, nên khả năng thu hồi được 30.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015 - 2016 là khả quan”, ông Thắng cho biết.
Mặc dù việc thu hồi nợ khả quan hơn trước, song số nợ thu hồi được mới chiếm 15% số nợ mà VAMC mua về. Chính lãnh đạo của VAMC cũng thừa nhận, việc mua bán nợ xấu hiện còn khó khăn do thị trường mua bán nợ chưa hình thành, còn nhiều vướng mắc về pháp lý.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, đối với nợ xấu của cácdoanh nghiệpnhà nước, VAMC chỉ được phép bán nợ xấu cho các đơn vị có chức năng mua bán nợ xấu. Trong khi đó, hiện có 40 - 50 tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC, song chủ thể mua nợ thì lại rất ít, khiến việc bán nợ của VAMC rất hạn chế.
Hiện tại, mua nợ xấu trên thị trường Việt Nam mới có VAMC, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và 28 công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng. Trong đó, 28 công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng có nguồn lực rất mỏng, chủ yếu là mua bán nội bộ.
Do đó, lực lượng mua nợ trên thị trường chủ yếu là VAMC và DATC, trong đó DATC tập trung mua bán nợ và xử lý tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp nhà nước, song số lượng cũng chưa nhiều. Trong 6 tháng đầu năm 2016, DATC chỉ đạt doanh số mua nợ và tài sản hơn 750 tỷ đồng.
Trong tình trạng “trăm kẻ bán, nhưng chỉ vài kẻ mua” như hiện nay, ông Đoàn Mạnh Thắng kỳ vọng, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ sẽ giúp hoạt động mua bán nợ thời gian tới sôi động hơn, nhờ nhiều doanh nghiệp có chức năng mua bán nợ xuất hiện.
Đại diện DATC cũng cho rằng, Nghị định 69/2016/NĐ-CP mở đường cho các doanh nghiệp mua bán nợ tham gia thị trường này, giúp thị trường trở nên cạnh tranh hơn, sôi động hơn.
Dù vậy, theo các chuyên gia, điều kiện thành lập công ty mua bán nợ theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP khá khắt khe, đòi hỏi vốn điều lệ lớn (100 - 500 tỷ đồng), nên khó kỳ vọng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường này trong vài năm tới. Điều này đồng nghĩa với thị trường mua bán nợ chưa thể sớm hình thành và việc xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục kéo dài.
Được biết, năm nay, VAMC xây dựng kế hoạch mua nợ theo giá thị trường 2.000 tỷ đồng và đang lên kế hoạch làm việc với từng tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ cho VAMC theo giá thị trường.