Bàn về hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công

TS. Nguyễn Thị Thanh - Học viện Tài chính

Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, nhằm cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Bài nghiên cứu thông qua hệ thống các chỉ tiêu phân tích tình hình sử dụng nguồn lực tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có thu sẽ cung cấp thông tin về nguồn lực tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập cho các lãnh đạo đơn vị, các cơ quan quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ba căn cứ xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích tình hình tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu

Một là, nội dung, đặc điểm hoạt động sử dụng nguồn lực tài chính: Nguồn lực tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu được sử dụng để mua sắm, đầu tư hình thành các tài sản cần thiết phục vụ cho hoạt động của đơn vị và chi trả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động của đơn vị.

Hai là, quy chế chi tiêu nội bộ đơn vị sự nghiệp có thu: Quy chế chi tiêu nội bộ bao gồm các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu áp dụng thống nhất trong đơn vị, đảm bảo đơn vị sự nghiệp có thu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện hoạt động thường xuyên phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị, sử dụng kinh phí có hiệu quả và tăng cường công tác quản lý.

Các đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Các khoản chi hoạt động thường xuyên của đơn vị thực hiện chi theo định mức được xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ...

Ba là, báo cáo tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu: Báo cáo tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu gồm: Báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán áp dụng cho các đơn vị kế toán cấp cơ sở và kế toán cấp I và cấp II. Báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán của đơn vị được sử dụng để đánh giá tình hình huy động nguồn lực tài chính: Báo cáo tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng (phần I); Báo cáo chi tiết kinh phí hoạt động; Báo cáo chi tiết kinh phí dự án; Bảng đối chiếu dự toán kinh phí ngân sách tại kho bạc; Báo cáo thu chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh; Thuyết minh báo cáo tài chính...

Hệ thống chỉ tiêu phản ánh tình hình sử dụng nguồn lực tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập có thu

Trên cơ sở các căn cứ để xây dựng hệ thống chỉ tiêu phản ánh tình hình sử dụng nguồn lực tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có thu thì các chỉ tiêu phản ánh tình hình sử dụng các nguồn lực tài chính bao gồm:

- Về quy mô chi của đơn vị sự nghiệp có thu: Các khoản chi của đơn vị sự nghiệp công có thu: chi từ NSNN và chi từ nguồn thu sự nghiệp. Sử dụng chỉ tiêu tổng chi (TC), ta có công thức xác định như sau:

TC = Ci


Hoặc Tổng chi = Chi thường xuyên + Chi không thường xuyên

Trong đó: Ci là khoản chi loại i của các đơn vị sự nghiệp có thu; i= 1,n là số loại chi của các đơn vị sự nghiệp. Các khoản chi của các đơn vị sự nghiệp có thu hiện nay theo quy định sau: Chi thanh toán cá nhân (tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp cho viên chức); Chi quản lý hành chính (thanh toán dịch vụ công, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc); Chi chuyên môn nghiệp vụ (hội thảo, sinh hoạt chuyên môn..); Chi duy tu bảo dưỡng thường xuyên tài sản, thiết bị; Chi sản xuất, cung ứng dịch vụ; Chi sửa chữa lớn, đầu tư tài sản cố định...

Để quản lý và đánh giá được tình hình chi của các đơn vị sự nghiệp có thu cần theo dõi các khoản chi theo cơ cấu chi, ký hiệu là (Kci):

Tỷ lệ từng khoản chi (Kci)

=

Khoản chi loại i (Ci)

x 100

Tổng chi trong kỳ (Tc)

Trong cơ cấu chi cần tập trung xem xét các tiêu chí:

- Tỷ lệ (%) chi từ NSNN, ngoài ngân sách trong tổng chi;

- Tỷ lệ (%) chi thường xuyên, không thường xuyên trong tổng chi;

- Tỷ lệ (%) từng nội dung chi trong từng khoản.

Trong từng tiêu chí lại tiếp tục xác định cơ cấu theo các đối tượng thụ hưởng chi. Chẳng hạn: Tỷ lệ (%) chi thanh toán cá nhân trong tổng chi thường xuyên... Nếu có thể mở sổ theo dõi chi tương ứng với từng nguồn chi để đánh giá hiệu quả chi sẽ giúp cho các nhà quản lý tài chính của đơn vị có thông tin cụ thể và thích hợp cho quá trình ra quyết định quản lý tài chính hiệu quả hơn. Ví dụ: Đối với khoản chi sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ cho xã hội nếu đơn vị tính được giá thành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho xã hội thì sẽ cung cấp cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả của các hoạt động này.

Công thức xác định chỉ tiêu chi sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như sau:

Chi sản xuất, cung ứng dịch vụ = Si x zi


Trong đó: Si: là số lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ i hoàn thành cung cấp cho xã hội của đơn vị sự nghiệp;

zi: là giá thành toàn bộ của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ i cung cấp cho xã hội;

i = (1,n) là số loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ i do đơn vị sự nghiệp cung cấp.

Như vậy, khoản chi cho hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ thuộc vào các yếu tố: Số lượng hoàn thành, giá thành tiêu thụ của sản phẩm và cơ cấu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho xã hội. Nếu đơn vị sự nghiệp có thu muốn tăng hiệu quả quản lý chi cần có giải pháp tác động vào các yếu tố trên.

Cơ sở dữ liệu để xác định chỉ tiêu phân tích lấy ở dự toán chi và sổ chi tiết các khoản chi, báo cáo tăng, giảm tài sản cố định tại thời điểm và báo cáo tình hình công nợ, tổng chi phí lũy kế qua các năm của đơn vị sự nghiệp.

Để đảm bảo hoạt động sự nghiệp diễn ra thường xuyên, liên tục và hiệu quả ngày càng tăng thì song song với việc quản lý, giám sát các khoản chi hàng năm, các đơn vị sự nghiệp có thu còn phải đảm bảo quản lý, sử dụng các tài sản hiện có cũng như xem xét cơ cấu, sự biến động hàng năm có hợp lý không.

Các chỉ tiêu phân tích quy mô, cơ cấu và sự biến động của tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập có thu

Để phân tích quy mô và sự biến động tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập có thu sử dụng các chỉ tiêu: Tổng tài sản; từng loại tài sản; cơ cấu tài sản. Tổng tài sản = Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn. Trong đó: Tài sản ngắn hạn của các đơn vị sự nghiệp công thường bao gồm: Tiền, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho, tài sản ngắn hạn khác.Tài sản dài hạn của các đơn vị sự nghiệp công phần lớn thường là tài sản cố định.

Cơ cấu tài sản ký hiệu là Tti được xác định như sau:

Tỷ trọng từng loại tài sản (Tti%)

=

Giá trị từng loại tài sản

x 100

Tổng giá trị tài sản

So sánh các chỉ tiêu phân tích tài sản giữa cuối kỳ với đầu kỳ để xác định chênh lệch tuyệt đối và tương đối các chỉ tiêu tài sản nhằm đánh giá về quy mô, cơ cấu và sự biến động tài sản của đơn vị sự nghiệp có thu. Đặc biệt quan tâm đến tỷ trọng và sự biến động của các tài sản chủ yếu trong năm của đơn vị để kịp thời có biện pháp điều chỉnh. Các tài sản chủ yếu của đơn vị sự nghiệp có thu là: Tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, tài sản cố định.

Tóm lại, qua phân tích tình hình sử dụng nguồn lực tài chính tại các đơn vị sự nghiệp có thu có thể thấy, tình hình quản lý sử dụng tài sản ở đơn vị cũng như tình hình sử dụng nguồn chi đã tuân thủ theo chế độ quản lý tài chính mà đơn vị đã quy định từ đó có các giải pháp tiết kiệm chi hướng tới tự chủ tài chính trong đơn vị.

Tài liệu tham khảo:


1. Giáo trình Quản lý tài chính nhà nước, Học viện Tài chính (2010);

2. Giáo trình kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp, Học viện Tài chính (2013);

3. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

4. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện Tài chính: Hoàn thiện nội dung phân tích báo cáo tài chính trong các bệnh viện công lập trên địa bàn Hà Nội (2014);

5. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện Tài chính: Phân tích tình hình tài chính của các đơn vị khoa học công nghệ ở Việt Nam (2015).