Báo cáo tài chính hợp nhất tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước và những vấn đề đặt ra

ThS. Phạm Lê Ngọc Tuyết

Báo cáo tài chính hợp nhất là báo cáo tài chính của một tập đoàn (công ty mẹ và tất cả các công ty con), nhằm cung cấp những thông tin về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và những biến động về tài chính của tập đoàn, giúp cho người sử dụng ra các quyết định kinh tế một cách kịp thời. Trước sự phát triển, biến đổi mạnh mẽ của nền kinh tế, kế toán Việt Nam đang có những thay đổi, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu quản lý đó.

Doanh nghiệp cần thiết lập và duy trì một hệ thống thu thập thông tin cho mục đích lập báo cáo tài chính hợp nhất. Nguồn: Internet.
Doanh nghiệp cần thiết lập và duy trì một hệ thống thu thập thông tin cho mục đích lập báo cáo tài chính hợp nhất. Nguồn: Internet.

Góc nhìn lý thuyết về báo cáo tài chính hợp nhất

Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất là BCTC của một tập đoàn được trình bày như BCTC của một DN. Báo cáo này được lập trên cơ sở hợp nhất BCTC của công ty mẹ và công ty con theo quy định.

Hiện nay, ở Việt Nam một số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Tuy nhiên, do nền kinh tế nước ta đang trong thời kỳ hội nhập và một số bộ phận các nhà quản trị, nhân sự vẫn còn hạn chế, vì vậy các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự giống với mô hình tập đoàn, các công ty đa quốc gia trên thế giới.

Chính vì điều đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con không thành công về mặt kinh doanh, việc tái cơ cấu lại các DN này là một điều tất yếu và phù hợp với xu thế hội nhập.

Ở nước ta, yêu cầu pháp lý về lập BCTC hợp nhất xuất hiện đầu tiên là theo Quyết định số 72/2000/QĐ-UBCK ngày 29/12/2000 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành quy chế thành viên, niêm yết, công bố thông tin và giao dịch chứng khoán. Tiếp đến, tại Thông tư số 57/2004/TT-BTC ngày 17/06/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 về chế độ công bố thông tin về BCTC trên thị trường chứng khoán.

Sự ra đời chuẩn mực kế toán số 25 - BCTC hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào công ty con được Bộ Tài chính ban hành và công bố theo Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 30/12/2003 và được hướng dẫn tại Thông tư số 23/2005/TT-BTC ngày 30/03/2005, Thông tư 161/2007/TT-BTC ngày 31/12/2007.

Đặc biệt, hiện nay tất cả các DN hợp nhất theo Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN (Thông tư 200/2014/TT-BTC). Thông tư 200/2014/TT-BTC thay thế cho quy định về chế độ kế toán DN ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 và Thông tư 244/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính.

Kể từ ngày 01/01/2015 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã áp dụng phi hồi tố các quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 202/2014/TT-BTC. Những thay đổi quan trọng trong chính sách kế toán của tổng công ty và các công ty con ảnh hưởng tới các BCTC hợp nhất của các DN.

Những chính sách kế toán trong việc lập báo cáo tài chính

Hiện nay, các DN áp dụng những chính sách kế toán chủ yếu trong việc lập BCTC như sau:

Công ty con là các đơn vị chịu sự kiểm soát của DN. BCTC của công ty con đã được lập trong BCTC hợp nhất kể từ ngày kiểm soát bắt đầu có hiệu lực cho tới ngày quyền kiểm soát chấm dứt.

Lợi ích cổ đông không kiểm soát được xác định theo tỷ lệ phần sở hữu của cổ đông không kiểm soát trong tài sản thuần của đơn vị bị mua lại tại ngày mua.

Mất quyền kiểm soát: Khi mất quyền kiểm soát tại một công ty con, DN và các công ty con dừng ghi nhận tài sản và nợ phải trả của công ty con cũng như lợi ích cổ đông không kiểm soát và cơ cấu phần vốn chủ sở hữu khác. Bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ nào phát sinh từ sự kiện này đều được ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.

Công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát (các đơn vị nhận đầu tư được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu). Công ty liên kết là những công ty mà DN và các công ty con có ảnh hưởng đáng kể, nhưng không kiểm soát, các chính sách tài chính và hoạt động của công ty.

Các cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát là những cơ sở kinh doanh mà các DN và các công ty con có quyền đồng kiểm soát được thiết lập bằng thỏa thuận hợp đồng và đòi hỏi sự nhất trí của các bên liên doanh đối với các quyết định chiến lược về tài chính và hoạt động.

Hợp nhất kinh doanh: Hợp nhất kinh doanh được hạch toán theo phương pháp mua tại ngày mua, là ngày mà quyền kiểm soát được chuyển giao cho DN và các công ty con. Sự kiểm soát tồn tại khi DN và các công ty con có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của đơn vị nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của đơn vị đó. Việc đánh giá quyền kiểm soát có xét đến quyền bỏ phiếu tiềm năng có thể thực hiện được tại thời điểm hiện tại.

Một số khó khăn, hạn chế trong lập báo cáo tài chính

Một là, một số công ty con của các DN là công ty mẹ chưa lập BCTC hợp nhất cho năm kết thúc theo quy định của Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn phương pháp lập và trình bày BCTC hợp nhất.

Hai là, DN và một số công ty con chưa có nguồn nhân lực chuyên trách theo dõi sổ sách các đơn vị phụ thuộc cũng như nhân sự chuyên trách lập BCTC hợp nhất định kỳ.

Ba là, quy trình thực hiện hợp nhất BCTC của DN chưa thực hiện một cách định kỳ theo các quy định tại Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn phương pháp lập và trình bày BCTC  hợp nhất. Cụ thể là BCTC hợp nhất chưa được chuẩn bị trên cơ sở định kỳ (hàng tháng, hàng quý) nhằm phục vụ cho công tác quản lý.

Việc lập báo cáo hợp nhất mới chỉ dừng ở việc cộng ngang số học số liệu của các đơn vị phụ thuộc, chưa có các điều chỉnh cần thiết cho các BCTC hợp nhất như việc loại trừ công nợ và số dư nội bộ, loại trừ doanh thu và chi phí nội bộ.

Việc không lập BCTC hợp nhất của một số công ty con của DN là các công ty mẹ là không tuân thủ quy định của Thông tư 202/2014-TT-BTC ngày 22/12/2014 và chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng BCTC.

Việc lập báo cáo tài chính hợp nhất của DN chưa đúng và chưa được thực hiện định kỳ có thể dẫn đến các chênh lệch lớn giữa số liệu hợp nhất ước thực hiện với số liệu hợp nhất sau kiểm toán. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc quản trị DN và sự thiếu chính xác trong các quyết định của Ban lãnh đạo DN dựa trên các số liệu ban đầu. 

Đề xuất, khuyến nghị

Để khắc phục một số khó khăn, hạn chế trên, DN và các công ty con cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, các công ty con và công ty mẹ cần thực hiện lập BCTC hợp nhất tuân thủ theo quy định của Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014.

Thứ hai, DN cần thiết lập và duy trì một hệ thống thu thập thông tin cho mục đích lập BCTC hợp nhất. Các công việc yêu cầu bao gồm xây dựng mẫu biểu báo cáo hợp nhất, kiểm tra và rà soát các mẫu biểu do các công ty con gửi và thực hiện đối chiếu, loại trừ nội bộ.

Các công việc này cần được thực hiện thường xuyên, ví dụ hàng tháng, quý, thay vì chỉ tập trung vào thời điểm cuối năm để có thể cung cấp kịp thời các thông tin tài chính hợp nhất, phục vụ cho mục đích quản trị và lập kế hoạch của DN.        

Tài liệu tham khảo:

1. Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn phương pháp lập và trình bày BCTC hợp nhất;

2. Thông tư 200/2014/TT-BTC thay thế cho quy định về chế độ kế toán DN ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006;

3. Quyết định số 72/2000/QĐ-UBCK ngày 29/12/2000 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành quy chế thành viên, niêm yết, công bố thông tin và giao dịch chứng khoán.