Báo cáo tài chính Nhà nước tạo minh bạch chi tiêu công
Phát biểu tại Tọa đàm báo cáo tài chính Chính phủ, chuẩn mực kế toán công và cải cách tài chính công do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phối hợp với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc tổ chức chiều 23/5, Phó Tổng Giám đốc KBNN Đặng Thị Thủy cho biết, KBNN đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý dưới Luật để triển khai việc lập báo cáo tài chính Nhà nước vào năm 2017 tới.
“Quy định này có trong Luật Kế toán 2015 (sửa đổi) và lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nhằm hướng tới sự minh bạch về cung cấp thông tin về tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước, các quỹ tài chính Nhà nước, nợ công, vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tài sản, nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.”- bà Đặng Thị Thủy nói.
Hiện nay ở Việt Nam công tác kế toán đang được triển khai tới từng loại hình đơn vị, với nội dung và hình thức khác nhau. Đối với các đơn vị KBNN hiện đang lập các báo cáo thu, chi NSNN trên phạm vi toàn quốc hoặc trên từng địa bàn, phục vụ công tác điều hành và quyết toán NSNN theo từng năm ngân sách. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, các quỹ tài chính, báo cáo cung cấp thông tin về tình hình tài sản, nguồn kinh phí của đơn vị, tình hình quyết toán kinh phí NSNN theo quy định của Luật NSNN.
Đối với các cơ quan quản lý thu NSNN, các thông tin về phải thu, số đã thu và số còn phải thu NSNN đã được theo dõi và phản ánh trong báo cáo. Đối với các cơ quan quản lý vốn, tài sản của Nhà nước, các báo cáo được lập trên cơ sở thống kê nghiệp vụ, chưa có yêu cầu báo cáo theo nguyên tắc chung để thống nhất về nội dung và hình thức.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa tổ chức và triển khai hệ thống báo cáo chung của Chính phủ, các chính quyền địa phương về tài sản Nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn hình thành tài sản và nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu, chi và kết quả hoạt động tài chính, NSNN; kết quả phân tích, đánh giá khả năng tài chính của đất nước, của từng địa phương…
Vì vậy, quy định lập báo cáo tài chính Nhà nước phải dựa trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực Nhà nước, dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính Nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính Nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.
Báo cáo tài chính Nhà nước gồm: Báo cáo tình hình tài chính Nhà nước; Báo cáo kết quả hoạt động tài chính Nhà nước; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính Nhà nước.
Theo quy định, việc lập báo cáo tài chính nhà nước sẽ do KBNN chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính lập báo cáo tài chính thuộc phạm vi địa phương…, tổng hợp để trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng với thời điểm quyết toán ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Tại Hội thảo, bà Manj Kalar- Trưởng Bộ phận Đối tác khu vực công- Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) đã giới thiệu những kinh nghiệm của Anh trong việc lập báo cáo tài chính Chính phủ.
“Ở Anh chi tiêu công chiếm khoảng 30% GDP do vậy việc lập Báo cáo tài chính Chính phủ hợp nhất của Anh đã góp phần giúp Chính phủ có mối quan hệ tốt với người dân, gây dựng lòng tin. Đây sẽ là cơ sở để người dân giám sát ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lãng phí và chất lượng dịch vụ công.”- bà Manj Kalar dẫn chứng.
Ban đầu báo cáo tài chính Chính phủ hợp nhất của Anh được xây dựng trên cơ sở hợp nhất của 1.500 báo cáo tài chính các đơn vị và đến nay đã lên tới 5.500 báo cáo tài chính và vẫn đang tăng lên. Các đơn vị thuộc phạm vi báo cáo gồm: Các đơn vị thuộc chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương, quỹ dịch vụ y tế quốc gia, quỹ ủy thác, DN, tập đoàn Nhà nước. Trên cơ sở đó tổng hợp để có báo cá tài chính hợp nhất từ cơ quan Ngân khố và ra Báo cáo tài chính hợp nhất Chính phủ.
Báo cáo tài chính Chính phủ hợp nhất cung cấp các thông tin về doanh thu thuế, doanh thu từ các nguồn khác, tổng doanh thu hoạt động, chi phí an sinh xã hội, chi phí cán bộ, tài sản cố định hữu hình, tài sản dài hạn khác, tài sản ngắn hạn, tổng tài sản, nợ phải trả, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn từ Chính phủ…Để người dân thấy sự chi tiêu của Chính phủ, sự minh bạch trong sử dụng tiền thuế của dân.
Tuy nhiên, bà Manj Kalar khuyến cáo, cơ quan quản lý cần lường trước những bất đồng dẫn đến sự thiếu nhất quán trong áp dụng chế độ kế toán; Các vấn đề ranh giới giữa báo cáo tài chính quốc gia với cách thức lập báo cáo tài chính…
Theo Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước- KBNN Vũ Đức Chính, KBNN đang hoàn thiện và lấy ý kiến các đơn vị quản lý, chuyên gia kinh tế xây dựng Nghị định về báo cáo tài chính nhà nước nhằm tạo hành lang pháp lý để lập báo cáo tài chính Nhà nước trên toàn quốc và báo cáo tài chính nhà nước cấp tỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan chức năng và người sử dụng thông tin đưa ra quyết định điều hành nền tài chính và NSNN và các quyết định kinh tế khác.
Đồng thời, xác định quy trình chặt chẽ, rõ ràng, hợp lý trách nhiệm của các đơn vị tham gia lập báo cáo tài chính nhà nước để đảm bảo chất lượng của báo cáo.