Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc
(Taichinh) - Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. 87 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển phong phú và đa dạng.
Vào những năm 20 đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn làm nòng cốt cho tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội - Một tổ chức yêu nước Việt Nam đầu tiên đi theo con đường cách mạng vô sản, đồng thời xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Ngày 21/6/1925, Thanh niên, tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam, ra số 1.
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, cho xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng, Ban công vận Trung ương của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động...
Tháng 9/1929, An Nam Cộng sản Đảng ra báo Đỏ. Những tờ báo của các tổ chức Cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động.
Tháng 2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được triệu tập dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng, quyết định Trung ương và địa phương sẽ ra báo của Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất. Ngày 5/8/1930, Trung ương cho ra báo Tạp chí đỏ; ngày 15/8/1930, báo Tranh đấu ra mắt.
Tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Trung ương Đảng cho ra báo Cờ vô sản và tạp chí Cộng sản. Các xứ ủy, tỉnh ủy, nhiều huyện ủy và chi bộ cũng ra báo. Báo chí trong thời kỳ này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng của công nông chống đế quốc-phong kiến, đỉnh cao là cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh. Cũng trong thời kỳ này, Ban lãnh đạo ở nước ngoài của Đảng được thành lập làm nhiệm vụ tạm thời của Trung ương, xuất bản tạp chí Bônsêvích làm cơ quan lý luận để thống nhất Đảng,Tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp, quyết định chuyển tạp chí Bônsêvích thành tạp chí lý luận Trung ương của Đảng.
Các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn cũng đã xuất bản báo và tạp chí. Báo chí trong những năm 1930-1936 đã phục vụ tích cực cho xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản của Việt Nam quốc dân Đảng, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới.
Tranh thủ điều kiện quốc tế có nhiều thuận lợi, mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước, trong đó có nước Pháp và hình thành Mặt trận nhân dân thế giới chống phát xít, Lợi dụng khả năng hoạt động nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai, hợp pháp. Một số tờ báo cách mạng bằng chữ Pháp được xuất bản ở Hà Nội, cùng với đó, một loạt các tờ báo tiếng Việt đã được xuất bản công khai hợp pháp, trong đó có tờ Dân chúng, cơ quan Trung ương của Đảng.
Báo chí thời kỳ vận động dân chủ in ty-pô số lượng lớn. Có tờ chiếm kỷ lục như Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15.000 bản. Trình bày bài vở trên mặt báo đã mang dáng dấp hiện đại, biên tập và in nhanh, phát hành nhanh, rộng trong cả nước và ra nước ngoài.
Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Tháng 8/1941, báo Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lấy danh nghĩa Việt Minh tỉnh Cao Bằng, sau mở rộng thành Việt Minh Cao Bằng - Bắc Cạn, rồi Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn.
Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc, cơ quan của tổng bộ Việt Minh ra đời.
Ngày 10/10/1942, báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng xuất bản số 1. Trung ương còn xuất bản tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý luận. Các kỳ bộ Việt Minh và tỉnh bộ Việt Minh lần lượt cho xuất bản báo của địa phương cùng với báo của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương: Công nhân, Thanh niên, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ...
Báo chí phục vụ tích cực cho xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Từ sau khi có chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của tổng bộ Việt Minh (5/1944) và nhất là sau cuộc đảo chính Nhật-Pháp (3/1945), Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa, một số báo của các lực lượng vũ trang từ các căn cứ kháng Nhật và khu giải phóng được xuất bản.
Hai tờ báo Cờ giải phóng và Cứu quốc có cống hiến lớn nhất trong việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi lịch sử tháng Tám 1945.
Kể từ khi báo Thanh niên ra đời đến tháng 8/1945, tổng cộng có hơn 270 tờ báo và tạp chí.
Báo chí thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975:
Từ tháng 8/1945 trở đi, dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng xuất bản công khai, in ty-pô với số lượng lớn. Báo Cứu quốc xuất bản hàng ngày là tờ báo lớn nhất cả nước. Trong làng báo xuất hiện hai cơ quan mới: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Cuối năm 1945, Đảng chuyển vào bí mật, báo Cờ giải phóng ngừng xuất bản; báo Sự Thật ra đời với danh nghĩa cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.
Trong năm đầu của chính quyền cách mạng, báo chí phục vụ tích cực cho nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai bùng nổ và lan rộng. Báo chí cách mạng có một bộ phận xuất bản công khai ở các vùng tự do và các căn cứ kháng chiến, một bộ phận xuất bản trong vùng địch chiếm. Những văn kiện của Đảng, bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng được in trên các báo Trung ương và các báo địa phương.
Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, tạp chí Cộng sản, tạp chí Sinh hoạt nội bộ, báo Quân đội Nhân dân ra đời.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia làm 2 miền với 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có một nhiệm vụ chung: Đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc.
Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật bất hợp pháp ở vùng địch tạm chiếm ở miền Nam. Trong điều kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến. Trung ương cho ra tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi là tạp chí Cộng sản.
Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức, kỹ thuật và các tỉnh đều xuất bản báo.
Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước và tháng 7/1950 gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ).
Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước.Theo thống kê mới đây, cả nước hiện có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 02 đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, 01 đài của ngành (Đài Truyền hình KTS VTC); 64 đài phát thanh và truyền hình địa phương với 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình (99 kênh truyền hình, 73 kênh phát thanh) Về đội ngũ cán bộ báo chí, cả nước hiện có gần 17000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ, 19000 Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, sinh hoạt tại các chi hội, liên chi hội...
Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.