Học nhân cách nhà báo Hồ Chí Minh
(Taichinh) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam và bản thân Người là một nhà báo vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam.
GS. TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã khẳng định “việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ những người làm báo hiện nay là hết sức cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc” trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ.
Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhưng đồng thời Người cũng là một nhà báo, để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo các loại bên cạnh gần 300 bài thơ và gần 500 trang truyện, ký.
Theo thống kê, Chủ tịch Hồ Chí Minh có hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh, trong số này, 2/3 được Người sử dụng trong các tác phẩm báo chí của mình.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, nghiên cứu về những giá trị của phương Tây, Hồ Chí Minh đã nhận thấy sức mạnh to lớn của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Từ tác phẩm đầu tay "Vấn đề dân bản xứ" đăng trên Báo Nhân Đạo (L'Humanité, của Pháp) ngày 2/8/1919 nhằm đòi những quyền cơ bản cho dân tộc Việt Nam và lên án những chính sách cai trị, những thủ đoạn áp bức bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp cho đến tác phẩm cuối cùng "Thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon" được Người viết ngày 25/8/1969 (đúng 1 tuần trước khi Người qua đời), ta thấy Hồ Chí Minh đã làm báo cả cuộc đời!
Tài năng viết báo của Hồ Chí Minh đồng hành với quá trình đấu tranh cho cách mạng Việt Nam, Người đã lấy báo chí làm vũ khí lý luận của mình và coi báo chí là một mặt trận vô cùng quan trọng, mặt trận văn hóa tư tưởng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đối với nền báo chí nước ta, với vai trò là người sáng lập, Hồ Chí Minh đã trực tiếp cho ra đời 9 tờ báo: Người Cùng Khổ (1922); Quốc tế Nông dân (1924); Thanh Niên (1925); Công Nông (1925); Lính Kách Mệnh (1927); Việt Nam Tiền Phong (1927); Thân Ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam Độc Lập (1941); Cứu Quốc (1942).
GS. TS Vũ Văn Hiền nhắc lại những căn dặn của Bác đối với lực lượng báo chí: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Trách nhiệm của nhà báo là định hướng và bảo vệ tư tưởng của Đảng trong cán bộ và quần chúng nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng "một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh, có thể giúp Chính phủ rất nhiều".
Người dạy cách viết báo hết sức giản dị: Tác phẩm của mình viết ra để cho ai xem? Tác phẩm viết để làm gì? Tác phẩm viết cái gì? Tác phẩm viết như thế nào? Trả lời các câu hỏi đó, theo Hồ Chí Minh chính là viết vì nhân dân, vì sự nghiệp chung của toàn dân tộc Việt Nam, vì độc lập tự do… chỉ khi hướng đến cái đích đó, báo chí mới khẳng định được vị thế của mình trong nhân dân, được nhân dân mến yêu và tin tưởng.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", theo nhà báo Vũ Văn Hiền, báo chí phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong cuộc vận động này. Đó là phải tuyên truyền những giá trị đạo đức tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, báo chí phải trở thành kênh thông tin để không những giáo dục cho nhân dân học tập mà còn phải giúp nhân dân làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Phải khuyến khích những tấm gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong nhân dân. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền phê phán, lên án những thói hư, tật xấu, những tật bệnh trong xã hội...
Đối với hoạt động sáng tạo báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý các nhà báo phải khách quan đối với từng con người, từng sự việc trong tác phẩm của mình, phải tránh “thổi phồng”; những gì không biết, không được nghe hoặc nhìn thấy cụ thể thì "chớ nói, chớ viết". Theo Người, báo chí phản ánh đời sống nhân dân, phản ánh sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì vậy, không lúc nào người làm báo được quên trách nhiệm của mình với Đảng, với dân.
Sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng, nói lên sự thật… là phong cách làm báo Hồ Chí Minh. Trong những lần làm việc và nói chuyện với đội ngũ nhà báo, Người đã từng phê phán cách làm báo của một số nhà báo thiếu đi sâu vào đời sống thực tiễn nên viết ba hoa, viết “dây cà ra dây muống” hoặc “tầm chương trích cú” khiến cho người đọc như “lắt chắt vào rừng xanh”...
GS. TS Vũ Văn Hiền khẳng định, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ những người làm báo hiện nay là hết sức cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc.
Những lời dạy của Người như kim chỉ nam cho báo chí và các nhà báo. Sâu sắc nhất của người làm báo đó là sự lĩnh hội từ Bác Hồ cái tâm, cái đức của nghề báo. Thiếu điều đó không thể trở thành nhà cách mạng giỏi. Từ cái tâm, cái đức của người làm báo sẽ định hướng cho việc học hỏi suốt đời, cho tính trung thực, sự bảo đảm cho người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng.
Viết báo, làm báo phải học và làm theo Bác Hồ, báo chí phải luôn mang tính xây dựng cái tốt, cái mới, đấu tranh với những cái xấu, cái sai, phản ánh trung thực và chân thành sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Người làm báo phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, sống trung thực, kính trọng và chan hòa với quần chúng nhân dân, có ý thức phê bình và tiếp thu phê bình, có tinh thần học hỏi để không ngừng vươn lên, để xứng đáng với tấm gương Nhà báo Hồ Chí Minh - Người đã viết báo, làm thơ, viết văn từ máu thịt để phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân, để đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại, giải phóng con người.